Chuyển đổi số cũng đang tạo ra những bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực cảnh báo PCCC, góp phần đem lại sự bình yên cho xã hội và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Lợi ích thiết thực cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm nay, trong cả nước xảy ra 2.222 vụ cháy, làm chết 57 người và bị thương 45 người, thiệt hại ước tính khoảng 127,9 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tăng 361 vụ. Cháy chủ yếu tại các khu vực thành thị. Trong đó, cháy tại loại hình nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao. Trong 1.299/2.222 vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân thì cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tới 72,9%.
Nguy cơ và những thiệt hại do cháy nổ là vô cùng lớn, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của người dân, hoạt động của các tập thể, doanh nghiệp, vì vậy công tác phòng chống, cảnh báo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc phòng tránh cháy nổ một cách an toàn rất cần những giải pháp thông minh, đáng tin cậy, giúp tự động giám sát và cảnh báo sớm kịp thời tới người dân cũng như liên kết ngay được với lực lượng PCCC gần nhất để xử lý sự cố, kịp thời đảm bảo an toàn về người và của…
Chuyển đổi số (CĐS) lĩnh vực PCCC đã trở thành nhu cầu bức thiết không chỉ của lực lượng chức năng mà còn đối với từng người dân, từng hộ gia đình, tổ chức và doanh nghiệp.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, CĐS dễ dàng giúp cơ quan cảnh sát có được cái nhìn tổng quát, cụ thể về sự phù hợp của quy hoạch PCCC với quy hoạch về xây dựng, hạ tầng kỹ thuật… phục vụ quá trình thẩm duyệt quy hoạch PCCC đồng bộ với quy hoạch đô thị, phương án kiến trúc…
CĐS trong lĩnh vực PCCC&CNCH cũng gắn liền với việc ứng dụng mô hình quản lý đô thị thông minh, mô hình thông tin công trình B.I.M vào công tác thiết kế, thi công, thẩm duyệt, nghiệm thu, vận hành hệ thống PCCC của dự án, công trình. Đồng thời cũng giúp cho việc xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, giả định tình huống cháy, mô phỏng quá trình hình thành và phát triển đám cháy, khói, mô phỏng quá trình thoát nạn cho người trong công trình… qua đó đưa ra các giải pháp phòng ngừa cháy, nổ và giải pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra,...
Đặc biệt, CĐS cũng giúp xây dựng đồng bộ quy trình thủ tục hành chính cấp độ 3, 4, giảm thủ tục hành chính lĩnh vực PCCC&CNCH, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, người dân.
Xác định được những lợi ích vô cùng thiết thực của CĐS trong lĩnh vực, từ năm 2021, Cục cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an đã triển khai App “Báo cháy 114” trên thiết bị di động thông minh. Đây là một ứng dụng hỗ trợ người dân thông báo cho cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH các vụ cháy, nổ và sự cố, tai nạn một cách nhanh và chính xác nhất, được trực quan hóa thông qua các hình ảnh, video, âm thanh… người dân có thể gọi điện hoặc gửi trực tiếp thông tin về cháy nổ cho bộ phận tiếp nhận tại trung tâm thông tin chỉ huy (tổng đài 114).
Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH tích cực hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114”.
Ngoài app “Báo cháy 114”, Cục cũng đã xây dựng và mở tài khoản Zalo OA mang tên “Cục Cảnh sát PCCC&CNCH” với nhiệm vụ là kênh tuyên truyền về tin tức, kiến thức, kỹ năng, thủ tục hành chính trong lĩnh vực cảnh báo PCCC phổ biến tới người dân. Sau kênh Zalo OA của Cục, Cảnh sát PCCC & CHCN nhiều tỉnh thành cũng lập các kênh Zalo OA riêng để kết nối với người dân địa phương mình. Đây được xem là một bước tiến quan trọng giúp cho hoạt động chuyển đổi số PCCC trở nên gần gũi hơn với người dân. Thông qua các kênh Zalo, người dân có thể tiếp cận được các thông tin về công tác PCCC&CNCH cũng như các diễn biến có liên quan, nắm bắt được các hoạt động, chủ trương để kịp thời có kế hoạch cho công việc, địa phương...
Ứng dụng cũng cung cấp cho người dân các “kỹ năng”, kiến thức PCCC&CNCH để có thể tra cứu và học tập theo nhu cầu. Nội dung cũng liên tục cập nhật tin tức mới nhất về PCCC bao gồm các sự cố, tai nạn đã diễn ra trong ngày, trong tuần, tháng trong nước và trên thế giới cũng như những chủ trương về công tác PCCC&CNCH để người dân kịp thời nắm bắt.
Đặc biệt, tính năng “Tôi an toàn” đang được rất nhiều người đánh giá cao vì có thể cập nhật được thông tin của gia đình, bạn bè, người thân khi có sự cố gần đó diễn ra mà không thể gọi điện, nhắn tin và kết nối được.
Nỗ lực đưa CĐS công tác cảnh báo PCCC tới từng người dân, doanh nghiệp
Việc CĐS công tác cảnh báo PCCC không chỉ được triển khai mạnh mẽ ở cấp Bộ mà cả các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp cũng đặc biệt chú trọng. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về công tác triển khai tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114” và ứng dụng CĐS trong lĩnh vực, hiện đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Cán bộ công an quận Hoàn Kiếm dán tờ rơi hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng báo cháy 114.
Theo công an thành phố Hà Nội, thời gian qua, ứng dụng “Báo cháy 114” đã góp phần hỗ trợ người dân thông báo cho cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH các vụ cháy, nổ và sự cố, tai nạn một cách nhanh và chính xác nhất. Nhờ sự chủ động ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong PCCC, đa phần các vụ hỏa hoạn trên địa bàn Thủ đô đã sớm được lực lượng chức năng xử lý kịp thời, không để các đám cháy bùng phát gây thiệt hại nặng về người và tài sản.
Tại các quận huyện, thị xã của thành phố Hà Nội cũng đã, đang triển khai các mã QR chia sẻ kiến thức và pháp luật về PCCC tới nhân dân để công tác PCCC đạt hiệu quả nhất.
Tại TP.HCM, thời gian qua, các quận huyện như Tân Phú, lực lượng chức năng cũng đang tích cực phối hợp với các trường đại học để triển khai mô hình tuyên truyền về PCCC và thu thập cơ sở dữ liệu chuẩn bị cho CĐS liên quan tới PCCC. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng trưởng Đại học Công thương TP.HCM thì việc số hóa giúp người dân không phải đến khai báo, công an các phường cũng không phải đến từng gia đình, từng khu nhà trọ hay các doanh nghiệp để kiểm tra công tác PCCC mà chỉ cần nhập lên hệ thống...Việc số hóa hồ sơ PCCC đang thể hiện được sự chủ động của lực luowngj chức năng trong uwnsg dụng công nghệ vào công tác chuyên môn, thúc đẩy phong trào toàn dân cùng tham gia công tác PCCC.
Có thể nói, tại nhiều địa phương trong cả nước, công tác PCCC&CNCHH đang được số hóa một cách nhanh chóng, đa dạng với nhiều ứng dụng, mô hình khác nhau phù hợp với địa phương và tình hình phát triển, đặc điểm cư dân khu vực, giúp cho không chỉ công tác CĐS được hiệu quả mà công tác cảnh báo PCCC cũng trở nên thiết thực hơn.
Sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ trong CĐS
Không chỉ ứng dụng “Báo cháy 114”, nhiều địa phương trong cả nước cũng đang phối hợp với các công ty công nghệ lớn, uy tín để đem đến những giải pháp CĐS tối ưu, phù hợp nhất với người dân. Đơn cử, Tại quận Đống Đa (TP.Hà Nội), UBND Quận đã kế hợp cùng Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel thí điểm ứng dụng các thiết bị cảnh báo sớm trong PCCC, báo cháy tự động kết nối không dây.
Thiết bị cảnh báo sớm được Viettel phát triển bao gồm bộ đầu thu trung tâm và các mắt tín hiệu cảm biến khói, cảm biến nhiệt. Bộ đầu thu trung tâm có thể hoạt động trong 48 tiếng không cần sạc và thiết bị cảm biến có thời gian hoạt động lên đến 10 năm.
Theo đó, khi có cháy tại bất kỳ phòng nào, đầu phát tín hiệu báo khói, báo nhiệt gắn trên trần nhà sẽ ngay lập tức gửi tín hiệu cảnh báo về thiết bị trung tâm. Thông tin ngay lập tức được gửi ngay đến điện thoại của chủ nhà và trung tâm thông tin chỉ huy của lực lượng PCCC gần nhất.
Thiết bị cảnh báo sớm gồm bộ đầu thu trung tâm và các mắt tín hiệu cảm biến khói, cảm biến nhiệt, thiết bị được lắp đặt gọn nhẹ không chiếm nhiều diện tích.
Để triển khai, UBND quận, Ban chỉ đạo công tác PCCC&CNCH quận đã phối hợp cùng các đơn vị, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel tổ chức phổ biến hướng dẫn tại từng khu vực tổ liên gia an toàn PCCC, với từng nhà nhiều căn hộ, nhà thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Tháng 4 năm nay, Cục Công nghiệp an ninh (Bộ công an) cũng đã ký kết hợp tác với VNPT VinaPhone và Công ty cổ phần Viễn thông VTC về CĐS trong lĩnh vực truyền tin cảnh báo sự cố công tác PCCC. Cả 3 bên sẽ cùng phát huy thế mạnh của từng bên, cùng tham gia phối hợp đẩy mạnh ứng dụng CNTT và CĐS trong lĩnh vực, hỗ trợ nhau trong các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin thị trường, nghiên cứu, sản xuất và xây dựng các giải pháp, thiết bị ứng dụng công nghệ mới... để đưa tới cơ quan, tổ chức và người dân.
VNPT VinaPhone hiện đang có những lợi thế về các ứng dụng tích hợp công nghệ IoT trong PCCC như VNPT iAlert. Đây là giải pháp giám sát, cảnh báo sớm và thông minh ứng dụng công nghệ IoT cho Cảnh sát PCCC và doanh nghiệp, cá nhân sử dụng trên đa nền tảng với mục tiêu phòng tránh cháy nổ, an toàn.
Trong khi đó, VTC với lợi thế trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện cũng sẽ là kênh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC&CNCH trên các nền tảng số của mình, giúp tiếp cận sâu rộng hơn tới người dân...
Theo Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC&CNCH thì công nghệ PCCC tại Việt Nam đang ngày càng thông minh và tận dụng triệt để các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây tiếp tục là những lợi thế mạnh đối với công tác CĐS lĩnh vực PCCC trong thời gian tới.
CTV Huệ Linh/VOV.VN