“Ngôi sao Tử thần” vốn là tên của trạm vũ trụ khổng lồ giả tưởng trong loạt phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) đình đám. Theo đó, “Ngôi sao Tử thần” trong Star Wars được trang bị siêu tia laser có khả năng hủy diệt hành tinh.
Tuy nhiên, gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã tạo được “Ngôi sao Tử thần” ngoài đời thực. Họ cho biết vũ khí này tích hợp nhiều xung bức xạ vi sóng nhỏ thành một chùm năng lượng cao nguy hiểm. Như vậy, “Ngôi sao Tử thần” đời thực này có thể tập trung dồn nhiều chùm bức xạ vi sóng mạnh vào một mục tiêu duy nhất. Để có thể hợp nhất, các chùm bức xạ vi sóng mạnh phải đánh trúng đúng mục tiêu trong vòng 170 pico giây.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), độ chính xác cần thiết này còn lớn hơn nhiều so với các đồng hồ nguyên tử sử dụng cho vệ tinh GPS. Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc tin rằng họ đã giải quyết được vấn đề này và đạt được đồng bộ hóa chính xác thời gian cực cao. Họ còn nói rằng công nghệ mới này có thể chặn tín hiệu của GPS và các vệ tinh Mỹ. Ngoài ra, nó còn đáp ứng được nhiều mục đích như huấn luyện, tập trận và thử nghiệm vũ khí mới.
Tờ The Sun (Anh) đưa tin, hệ thống vũ khí này gần đây đã hoàn thành quá trình thử nghiệm để sử dụng với mục đích quân sự. Các ấn phẩm học thuật của Trung Quốc cho rằng vũ khí chùm vi sóng được phát triển nhiều hơn để sử dụng trên vũ trụ, trong khi các loại tia laser tiên tiến đang được tạo ra để sử dụng trên đất liền, trên biển hoặc trên không.
Trung Quốc trước đây từng phát triển vũ khí vi sóng năng lượng cao (HPM) có năng lực gây gián đoạn cho hệ thống radar, máy tính, cơ sở hạ tầng viễn thông và thậm chí cả tên lửa và vệ tinh.
Hà Linh/Báo Tin tức