Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận hôm nay, 7/11, là việc Nhà nước độc quyền đầu tư dự án điện hạt nhân.
Việt Nam đặt mục tiêu khởi động dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận vào năm 2010 nhưng dừng lại năm 2016. Vấn đề tài chính là rào cản chủ yếu. Tuy nhiên, theo xu thế toàn cầu, điện hạt nhân lúc này được xem là nguồn cung cấp nguồn điện sạch, tin cậy và ổn định.
Nếu phát triển điện hạt nhân thời gian tới, Việt Nam sẽ có những thuận lợi nhất định. Điện hạt nhân là lĩnh vực khó và đa ngành, đòi hỏi nhân lực trình độ khoa học, kỹ thuật cao. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, đây là thời điểm chúng ta đang sẵn sàng về nguồn nhân lực.
Ông Trần Anh Thái, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, cho hay: "Chúng ta đã làm rất nhiều việc rồi. Bây giờ nếu có cơ hội quay lại những việc đó, tôi nghĩ đội ngũ cán bộ, kỹ sư, các nhà quản lý đang rất sẵn. Nếu chúng ta để lâu quá, các kỹ sư, chuyên gia kia có thể người ta không còn làm việc nữa".
Với một quốc gia, khi bắt tay vào xây dựng điện hạt nhân, dư luận thường quan tâm đến tính an toàn, đặc biệt là về công nghệ. Chuyên gia cho rằng hiện nay trên thế giới có 62 nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng, vận hành; tất cả đều đáp ứng các tiêu chí an toàn khắt khe nhất được đưa ra sau sự cố Fukushima.
TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ: "Điện hạt nhân hiện nay có ba vấn đề khiến người ta băn khoăn. Đầu tiên là an toàn, với công nghệ lò thế hệ III+ và thế hệ IV, tôi tin là mức độ an toàn có thể được khắc phục. Vấn đề thứ hai là xử lý chất thải phóng xạ thì đến hiện nay công nghệ xử lý chất thải phóng xạ đã có thể yên tâm được".
Nếu Việt Nam phát triển thành công điện hạt nhân, không những giải quyết bài toán đáp ứng nhu cầu điện năng tăng nhanh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn góp phần đưa khoa học công nghệ, công nghiệp của đất nước phát triển lên tầm cao mới.
Anh Thư
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/nhieu-thuan-loi-khi-tai-khoi-dong-dien-hat-nhan-278718.htm