Chuyển đổi số trong trả lương hưu, người già gặp khó vì không thạo công nghệ

Chuyển đổi số trong trả lương hưu, người già gặp khó vì không thạo công nghệ
4 giờ trướcBài gốc
Đó là ý kiến được đưa ra bàn thảo và tìm cách tháo gỡ tại Hội nghị thông tin báo chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, do UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì.
XEM CLIP:
Trả lương hưu không tiền mặt, người già loay hoay tiếp nhận
Tại hội nghị, đại diện Báo tỉnh Bắc Giang nêu thực trạng bất cập khi thực hiện đồng bộ việc trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng, đặc biệt với đối tượng là người già.
Đại diện Báo Bắc Giang dự hội nghị và đặt các câu hỏi về sự bất cập trong việc chi trả lương hưu cho người già qua tài khoản ngân hàng. Ảnh: Bảo Khánh.
Không phải người già nào cũng có điện thoại thông minh, thậm chí có nhưng không biết cách tham gia ngân hàng trực tuyến. Do đó, việc trả lương cho người già không thạo về công nghệ qua tài khoản ngân hàng thay vì trả trực tiếp bằng tiền mặt đang gây nhiều hệ lụy xấu.
Nhiều đối tượng hưu trí đã phải nhờ các con, cháu tiếp nhận hộ việc chuyển trả lương. Có trường hợp phải đi “đòi” lại tiền lương của chính mình từ con cháu, dẫn đến việc chi tiêu sinh hoạt của người già không chủ động.
Trả lời về nội dung này, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Hà cho biết: Việc thực hiện chuyển đổi số trong chi trả lương cho đối tượng hưu trí là không ép buộc. Trước khi thực hiện thì đã phát phiếu để thăm dò xem các cụ có tự nguyện tham gia nhận lương không tiền mặt không? Nếu có thì mới chi trả qua tài khoản.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Hà thừa nhận việc chuyển đổi số trong chi trả lương hưu đang có tình trạng cứng nhắc, chưa nâng cao tình thần tự nguyện. Ảnh: Bảo Khánh.
Tuy nhiên, khi BHXH tỉnh chi trả lương hưu thì gặp nhiều thông tin trái chiều. Thực tế nhiều nơi đã không làm theo lộ trình mà có tình trạng ép buộc.
Đây là thực trạng đang tồn tại, nhiều người già không có tài khoản ngân hàng, không sử dụng thiết bị công nghệ trong việc chi tiêu, chuyển nhận tiền nên đã gặp khó khăn. Phía sở sẽ phối hợp với BHXH tỉnh để rà soát lại.
Chuyển đổi số phải làm lợi cho dân, không được chạy theo thành tích
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang Nguyễn Quang Quyền lý giải: Chỉ tiêu chuyển đổi số của đơn vị hiện chưa cao, nên đang có những nỗ lực để cải thiện. Hiện toàn tỉnh có 55 nghìn đối tượng hưu trí. Khi ngành áp dụng chính sách không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, ban đầu gặp ý kiến từ người dân.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang Nguyễn Quang Quyền trả lời ý kiến của báo chí. Ảnh: Bảo Khánh.
“Đây là tự nguyện không ép buộc, nên khi chúng tôi nắm được thông tin đã xuống tận cơ sở để vận động, tuyên truyền. Sau đó, về cơ bản các cụ đã đồng thuận. Nếu các cụ không có điện thoại thông minh, không có tài khoản ngân hàng thì có thể ủy nhiệm chi cho con cháu, người thân. Sau đó người được ủy nhiệm sẽ đi rút tiền mặt đưa lại cho các cụ”, ông Quyền đưa giải pháp.
Không đồng tình với cách làm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn nêu quan điểm: Chuyển đổi số là phải vì người dân. Nếu không tiện lợi, không đem lại lợi ích cho nhân dân thì không cần thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn không đồng tình với cách làm máy móc để lấy thành tích trong hoạt động chuyển đổi số. Ảnh: Bảo Khánh.
Các chủ trương về chuyển đổi số khác của chúng ta đang làm rất tốt, rất thiết thực nhưng việc chi lương hưu không tiền mặt cho người già, khi họ không đủ điều kiện, không sẵn sàng thì là cứng nhắc.
Giờ bảo con cháu họ nhận hộ rồi đến ngân hàng rút tiền mặt đưa lại thì không giải quyết được gì. Chưa kể các cụ không thông thạo trong sử dụng thanh toán chuyển khoản 1 trăm nhầm thành 1 triệu, gây thiệt hại không đáng có.
Ở đây là có dấu hiệu thành tích, lo chỉ tiêu. Do đó, không được máy móc trong việc bắt người nhà nhận lương qua tài khoản, phù hợp thì làm, không thuận lợi cho dân thì thôi, ông Sơn kết luận.
Hoài Anh
Bảo Khánh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-so-trong-tra-luong-huu-nguoi-gia-gap-kho-vi-khong-sanh-cong-nghe-2332107.html