Người dân được hưởng lợi
Từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, sau khi Nghị quyết thực hiện Chuyển đổi số của tỉnh được Ban chấp hành đảng bộ tỉnh ban hành, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và ban hành nhiều Quyết định, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo làm căn cứ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chuyển đổi số của tỉnh một cách toàn diện trên 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số.
Ngay trong năm đầu thực hiện, xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh đã tăng 10 bậc. Năm 2021 xếp thứ 58, năm 2022 xếp thứ 48, năm 2023 xếp thứ 38.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh ta đã có tương đối đầy đủ hạ tầng phục vụ cho Xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tỉnh đã có các nền tảng số dùng chung như: Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Tuyên Quang đảm bảo kết nối thông suốt, thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến liên thông 4 cấp từ trung ương đến cấp xã; Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Tuyên Quang (IOC) đã được triển khai và đưa vào sử dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cấp lãnh đạo; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) đã được nâng cấp, đảm bảo các điều kiện phục vụ kết nối dữ liệu.
Người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang đã được nâng cấp và tích hợp 167 Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định; Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành tỉnh Tuyên Quang được triển khai đồng bộ, đảm bảo Tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100%; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với đầy đủ các chức năng theo yêu cầu phục vụ chính quyền và người dân trong công tác nộp hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính được thuận lợi, nhanh chóng, minh bạch,...
Chị Nguyễn Thanh Mai, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết: Chị đang đi làm lý lịch tư pháp số 2, hơn một tháng trước, chị đã xin cấp lý lịch tư pháp số một, nay dữ liệu được liên thông, nên không phải mất thêm thời gian chờ để xác minh nhân thân. Việc giải quyết nhanh gọn về thủ tục giấy tờ đã bớt rất nhiều thời gian chờ đợi, đi lại.
Hạ tầng phục vụ Chuyển đổi số được phát triển rộng khắp, hiện đại, đến nay gần 100% thôn, tổ nhân dân trên toàn tỉnh đã có sóng thông tin di động 3G/4G và Internet băng rộng cáp quang, (1 số khu vực đã được triển khai phát sóng 5G). Toàn tỉnh hiện có hơn 20 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát hoạt động theo nhiều mô hình khác nhau, đảm bảo 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu chính.
Hiện có 19 mô hình chợ 4.0 tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; hầu hết các cửa hàng kinh doanh buôn bán đều được cấp miễn phí mã QR để thuận tiện trong thanh toán, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần phát triển xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn.
Đưa công nghệ số đến với cộng đồng
Nhằm lan tỏa, đưa công nghệ số đến với cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 48-NQ/TU, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tích cực đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng...
Công tác tuyên truyền về chuyển đổi số được các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh qua nhiều hình thức, như: Chia sẻ các nội dung, sáng kiến, cách làm hay về chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Chuyên trang chuyển đổi số tỉnh; các cơ quan báo chí - truyền hình; Trang ZaloOA “Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang”; Fanpage Thông tin Tuyên Quang;…
Nhằm hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân, tỉnh đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn. Toàn tỉnh hiện có 1.871 tổ công nghệ số cộng đồng. Trong đó, có 138 tổ cấp xã, 1.733 tổ thôn, bản, tổ dân phố với tổng số 10.257 thành viên. Lực lượng nòng cốt này dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Tuyên Quang đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% trong GRDP của tỉnh và đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% trong GRDP của tỉnh. Để đạt mục tiêu này, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục triển khai những chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; công khai, minh bạch quy trình giải quyết TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và thu hút đầu tư. Đồng thời, huy động các doanh nghiệp nhỏ và vừa tích cực tham gia nền tảng số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm từ ứng dụng công nghệ số, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số phát triển. Đồng thời, chú trọng công tác hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế số, thương mại điện tử trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn Thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang.
Các doanh nghiệp viễn thông đẩy mạnh hơn nữa phát triển xã hội số, phổ cập dịch vụ Internet băng thông rộng đến hộ dân và phủ sóng di động 4G/5G trên phạm vi toàn tỉnh. Các cấp, các ngành và địa phương chú trọng hơn nữa tới việc phổ cập cho người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng thanh toán số và được bảo đảm an toàn thông tin mạng…
Bài, ảnh: Quốc Việt