Hiện nay chỉ có những doanh nghiệp lớn đang thực hiện tốt sản xuất xanh.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, điều đáng mừng doanh nghiệp (DN) có đơn hàng đến hết quý 4/2024, thậm chí có đơn hàng đến quý 1/2025. Tuy nhiên, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang áp lực rất lớn, nhất là với đa số DN vừa và nhỏ. DN đang lúng túng bởi không biết chuyển đổi xanh, số phải bắt đầu từ đâu.
Đề cập đến xu hướng chuyển đổi xanh hiện nay, TS Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, yêu cầu chuyển đổi xanh trở thành vấn đề cấp bách, song mức độ sẵn sàng chuyển đổi xanh trong DN lại chưa nhiều, người dân cũng chưa quan tâm lắm. Về mức độ sẵn sàng của DN trong chuyển đổi xanh, 64% DN chưa có chuyển đổi gì, 50% cho rằng chưa cần thiết để chuyển đổi. Hiện nay, DN vẫn đang quan tâm đến lợi nhuận trước mắt. Về dài hạn, DN vẫn đang trông chờ vào Chính phủ và lĩnh vực công. Báo cáo gần đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho hay, hơn 60% trên tổng số 2.700 DN được khảo sát cho biết chưa chuẩn bị gì cho quá trình chuyển đổi xanh.
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, khó khăn trong chuyển đổi xanh của DN chính là nguồn vốn. Vấn đề này cũng không chỉ là cái khó riêng với DN. TS Trần Du Lịch chia sẻ, thông tin từ các tổ chức nước ngoài cho hay, Việt Nam có thể cần thêm khoảng 368 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP) trong giai đoạn 2022-2040 cho phát triển xanh. Tuy nhiên, khu vực công chỉ đáp ứng được 130 tỷ USD, khu vực tư nhân là 184 tỷ, bên ngoài là 54 tỷ USD.
Không chỉ khó khăn trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, việc thúc đẩy tiêu dùng xanh đang gặp phải không ít những rào cản và thách thức. Người tiêu dùng hiện nay nhận thức khá tích cực về những lợi ích mà tiêu dùng xanh mang lại. Tuy nhiên, từ ý thức tới hành động vẫn còn một khoảng cách khá lớn thể hiện ở mức độ ưu tiên với tiêu dùng xanh còn hạn chế. Lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu. Kết quả khảo sát của Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao mới công bố cho biết, ngay tại thành phố Hà Nội và TPHCM tỷ lệ tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12% - 18%.
Liên quan đến tiêu dùng xanh, theo ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách điều tra thị trường của Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ rõ, rào cản trong việc chọn sản phẩm xanh chính là giá cao là sản phẩm xanh có giá cao. 78% người tiêu dùng được khảo sát nêu lý do trên. Nguyên nhân thứ hai, độ phủ sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh. Ngoài ra, 18% người tiêu dùng còn phàn nàn chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất. Điều này làm giảm lòng tin với đối với sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường.
THANH GIANG