Khởi động tương lai xanh cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

Khởi động tương lai xanh cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
2 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (thứ 2 từ phải sang) và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (bìa phải) tham quan Không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu, công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp tại Diễn đàn
Ghi dấu bước tiến quan trọng này là sự ra mắt Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong và các sáng kiến đột phá, điều này mở đường cho một tương lai kinh tế xanh dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ (KH&CN) tại ĐBSCL.
Động lực thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với gần 60.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trung bình hàng năm có khoảng 400 - 500 dự án khởi nghiệp và là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp khoảng 1/3 tổng GDP nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt nhiều thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu, đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi nền kinh tế của vùng.
Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần thứ II năm 2024 được tổ chức nhằm cụ thể hóa chủ trương Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.
Điểm nhấn của Diễn đàn lần II là khởi xướng tổ chức Cuộc thi sáng kiến Mekong lần thứ nhất, tiếp nhận sáng kiến từ các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức khắp cả nước và vùng ĐBSCL để chọn được các sáng kiến tiêu biểu, nổi bật, có khả năng nhân rộng và phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội - đóng góp cho mục tiêu chuyển đổi xanh của khu vực, hướng tới phát triển kinh tế ĐBSCL theo hướng bền vững - thích ứng biến đổi khí hậu.
Tại Diễn đàn, Đồng Tháp khởi xướng sáng kiến thành lập Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong, gồm các nhóm công tác nông nghiệp xanh, du lịch xanh, thanh niên Mekong xanh với mục tiêu hình thành lực lượng, đẩy mạnh hợp tác công - tư, góp phần hiện thực hóa các giải pháp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định, ở góc độ Ban Tổ chức, tỉnh nhận thấy, một số mục tiêu lớn đặt ra cho Diễn đàn đã hoàn thành và đáp ứng bước đầu mong mỏi của tổ chức, DN tham gia diễn đàn. Diễn đàn đã thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” để hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả 2 khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng DN khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo; hình thành Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong sẽ được duy trì và phát triển trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo để hỗ trợ, phát triển DN và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh trên địa bàn.
Các sản phẩm chế biến từ sen được trưng bày tại Diễn đàn thu hút sự quan tâm, mua sắm của khách hàng
Để hiện thực hóa các ý tưởng tại Diễn đàn
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, với quy mô mở rộng, đổi mới so với Diễn đàn lần I, Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần thứ II năm 2024 sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy nhận thức và các mục tiêu ĐMST, tìm lời giải cho các định hướng kinh tế đặc thù và bền vững của khu vực ĐBSCL dựa trên nỗ lực và sự hợp tác nguồn lực hiệu quả của cả 2 khu vực công và tư.
Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đánh giá cao cách làm sáng tạo, có tính kế thừa và mục tiêu rõ ràng của Diễn đàn, góp phần giải quyết các vấn đề từ thực tiễn. Đây không chỉ là minh chứng cho sự thành công mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, Diễn đàn đã đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật là sự ra mắt Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong - một sáng kiến hợp tác công - tư nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế khu vực.
Để hiện thực hóa các ý tưởng tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị, các địa phương vùng ĐBSCL tập trung vào một số định hướng trọng tâm như: tích cực nghiên cứu và đề xuất cơ chế đặc thù, thí nghiệm, thử nghiệm, đồng thời gắn kết các cơ chế này với các chương trình, dự án lớn đã và đang triển khai tại khu vực nhằm tích hợp năng lực ĐMST vào các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và Quốc gia; cần nhận diện và tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp và ĐMST theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thị trường KH&CN, DN KH&CN; thực hiện các giải pháp cải tiến nhằm nâng cao Chỉ số ĐMST (PII) của từng địa phương.
Du khách tham quan sản phẩm OCOP trưng bày tại Diễn đàn
Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng nhấn mạnh, việc tăng cường liên kết vùng, đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN thông qua phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách; huy động các trường, viện nghiên cứu, chuyên gia, DN trong và ngoài nước tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn của khu vực; nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bộ KH&CN đang xây dựng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo và các quyết định liên quan, tập trung vào các cơ chế chính sách đột phá nhằm thúc đẩy hệ sinh thái DN sáng tạo. Đồng thời, Bộ đã ban hành Chương trình KH&CN cấp Quốc gia giai đoạn đến năm 2030, các địa phương cần tích cực tham gia để tận dụng nguồn lực, đẩy nhanh mục tiêu phát triển kinh tế xanh của khu vực.
MN
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/kinh-te/khoi-dong-tuong-lai-xanh-cho-vung-dong-bang-song-cuu-long-127208.aspx