Chuyển đổi xanh, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng – Đường đến Netzero 2050 (Bài 1)

Chuyển đổi xanh, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng – Đường đến Netzero 2050 (Bài 1)
3 giờ trướcBài gốc
LỜI TÒA SOẠN
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng cao, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ và mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng gây hại cho môi trường như than đá, dầu mỏ, khí đốt cũng đang dần cạn kiệt, đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững.
Vì vậy, chuyển đổi năng lượng xanh không chỉ là nhiệm vụ mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng để Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26.
Để giúp độc giả có cái nhìn toàn diện về sự nỗ lực chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam trong những năm qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài “Chuyển đổi xanh, Giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng hướng đến mục tiêu Netzero 2050”. Tại đây, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đưa ra những tham vấn, mô hình, bài học về chuyển đổi xanh, giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng. Thông qua tuyến bài này, Tạp chí Kinh tế Môi trường mong muốn góp phần tuyên truyền, khuyến khích xã hội sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả.
Chuyển đổi năng lượng xanh là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ môi trường. Bằng việc tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, nước... để giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bên cạnh đó còn bảo vệ môi trường tự nhiên khỏi những tác động tiêu cực của việc khai thác nhiên liệu hóa thạch. Việc chuyển đổi năng lượng xanh cũng sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới cho kinh tế.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện cam kết của Việt Nam và phân công các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực. Trong đó, quá trình chuyển dịch năng lượng được Chính phủ đặc biệt chú trọng.
Trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 nhằm đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng thời gian qua.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021.
Trong đó, đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, cần thực hiện xong trước cuối năm 2025 và trong trung và dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là có những yêu cầu cụ thể đối với việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển điện lực nói chung, như: sửa đổi Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...; về chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia và các quy hoạch, kế hoạch liên quan; về cơ chế, chính sách về thị trường năng lượng; giá điện, than, khí và xăng dầu; đầu tư phát triển các phân ngành năng lượng; về việc bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư và nguồn vốn thực hiện các dự án năng lượng; về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hay như trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đã đưa ra những định hướng về chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững: “Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỉ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia”. Đây là định hướng toàn diện, tổng thể đối với việc chuyển đổi ngành năng lượng để góp phần vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia
Mục tiêu xanh hóa ngành năng lượng được thể hiện rõ trong Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023. Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Theo đó, Quy hoạch điện VIII quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.
Về mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050; bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN; phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Đối với chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%; Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050; Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất; Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, dự kiến đến 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.
Bên cạnh đó, phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu; Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000 MW.
Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch điện VIII cũng đã xác định các phương án phát triển nguồn điện, phương án phát triển lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, định hướng phát triển điện nông thôn, phát triển sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, nhu cầu vốn đầu tư...
Nhìn vào Quy hoạch điện VIII, có thể thấy, giai đoạn 2030 -2045, hệ thống năng lượng/hệ thống điện Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng.
Với quan điểm phát triển xanh, bền vững nguồn năng lượng tái tạo, 5 năm gần đây, đầu tư năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam phát triển vượt bậc.
Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), trong năm 2023, tổng công suất sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt 21,6 GW. Trong đó, năng lượng mặt trời chiếm hơn một phần ba tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt tại Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất các nhà máy điện tái tạo và thủy điện đạt gần 45.000 MW, chiếm 55,6% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam (79.000MW). Trong đó, điện gió là 4.864MW, điện mặt trời mái nhà khoảng: 8.600MW, điện mặt trời trang trại: trên 9.000MW, thủy điện: trên 22.000MW, điện sinh khối: 385MW. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đứng trong Top 10 quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất trên thế giới.
Trong giai đoạn 2021-2022, một số nhà tài trợ lớn nhất cho các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã đồng ý chấm dứt tài trợ mới cho các nhà máy điện than quốc tế. Việt Nam cũng đã nhận được tài trợ từ nước ngoài để hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ nhiệt điện than sang năng lượng tái tạo và giúp nâng cấp mạng lưới truyền tải và phân phối.
Nhìn chung, nhận thức được tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi xanh, Việt Nam đã và đang mở đường để thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0. Và Quy hoạch điện VII, được mong đợi sẽ giúp Việt Nam sớm hoàn thành lộ trình tăng trưởng xanh trong những năm tới.
Nội dung:Hà Lan
Đồ họa:Hải An
(Còn nữa...)
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/chuyen-doi-xanh-giam-phat-thai-tiet-kiem-nang-luong-duong-den-netzero-2050-bai-1-93455.html