Luật Điện lực (sửa đổi): Tạo lập hành lang pháp lý cho năng lượng tái tạo

Luật Điện lực (sửa đổi): Tạo lập hành lang pháp lý cho năng lượng tái tạo
3 giờ trướcBài gốc
Thi công một dự án nhiệt điện ở Đồng Nai. Ảnh minh họa: H.LỘC
Đây là dự án luật nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Còn bất cập trong chính sách
Luật Điện lực được ban hành năm 2004, sau đó được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm: 2012, 2018, 2022 và năm 2023. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ tồn tại, hạn chế trong triển khai dự án, tính đồng bộ với các luật khác, phát triển năng lượng tái tạo, phương thức tính giá điện...
Ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương, chia sẻ thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản để triển khai các chủ trương, quy hoạch, kế hoạch của Trung ương liên quan đến phát triển năng lượng nói chung và điện lực nói riêng. Nhờ đó, việc cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được đảm bảo. Hiện Đồng Nai là địa phương sử dụng điện lớn thứ 4 cả nước.
Mặc dù vậy, việc thực hiện các quy định của pháp luật trong phát triển dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, hạn chế. Điều này dẫn đến một số lưới điện 110kV, trạm biến áp vận hành trên 85% tải (mức không an toàn); nhiều công trình điện chậm đưa vào vận hành do vướng thủ tục đầu tư, mặt bằng, nguồn vốn.
Luật Điện lực được Quốc hội ban hành năm 2004, đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều. Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào tháng 10-2024.
Điển hình nhất là vướng mặt bằng, vì các dự án đường dây điện đi qua nhiều địa bàn, nhiều vị trí đất nên thời gian khảo sát và thẩm định giá đất kéo dài dẫn đến khâu giải phóng mặt bằng chậm. Bên cạnh đó, do quy định công trình lưới điện truyền tải là chỉ thu hồi đất để xây dựng vị trí trạm và móng trụ, phần hành lang dưới đường dây không thu hồi đất mà chỉ bồi thường hạn chế công năng dẫn đến đa số tổ chức, cá nhân có đất dưới hành lang lưới điện không đồng tình. Từ bất cập trong chính sách đền bù, hỗ trợ làm cho giải phóng mặt bằng chậm, kéo nguồn vốn tín dụng từ các hiệp định cho vay vốn, tài trợ vốn để thực hiện dự án bị chấm dứt.
Ông Trương Đình Quốc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, cho rằng quy định phải cập nhật chi tiết dự án điện vào bản đồ sử dụng đất, quy hoạch sử dụng/quy hoạch chung đô thị gặp nhiều khó khăn. Lý do, các quy hoạch được thực hiện chu kỳ 5 năm, tuy nhiên, thời điểm đó dự án điện chưa có kế hoạch triển khai, chưa thể thuê tư vấn để cập nhật vị trí trên bản đồ, quy hoạch.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, liên quan đến đầu tư phát triển các công trình điện tỉnh đang gặp khó khăn trong đảm bảo đồng bộ các quy hoạch: quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất. Về phát triển điện tái tạo, đây là nguồn năng lượng tỉnh khuyến khích nhằm giảm phát thải và doanh nghiệp cần để đáp ứng tiêu chí xanh trong xuất khẩu nhưng thủ tục phức tạp, chính sách thay đổi liên tục. Trong Quy hoạch điện VIII nguồn phân bổ cho tỉnh khá khiêm tốn so với tiềm năng.
Tạo lập hành lang pháp lý cho năng lượng tái tạo
Những vướng mắc trên đã được UBND tỉnh tổng hợp và có văn bản gửi Bộ Công thương, Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) từ tháng 5-2024. Đầu tháng 9-2024, khi đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khảo sát, làm việc với UBND tỉnh phục vụ thẩm tra Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị một số nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ các tồn tại từ thực tiễn của tỉnh, đảm bảo luật mới được ban hành mang tính khả thi nhất.
Ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, cho biết Quốc hội đang trong quá trình thẩm tra Dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Quá trình thẩm tra đã đi làm việc với một số địa phương, trong đó có Đồng Nai, để lắng nghe các kiến nghị, đặc biệt kiến nghị sửa đổi về cơ chế chính sách để hoàn thiện dự án luật. Những tồn tại, vướng mắc tỉnh Đồng Nai nêu ra cũng là vấn đề mà nhiều địa phương gặp phải. Nguyên nhân đến từ 2 phía là các quy định của pháp luật chưa bao quát, thậm chí giữa các luật nảy xung đột, cách tổ chức thực hiện chưa linh hoạt.
Ông Thi đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch, đầu tư để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong triển khai các dự án nói chung và dự án điện nói riêng. Nghiên cứu thêm để có đóng góp ý kiến liên quan đến nội dung phân cấp phân quyền về địa phương trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi); rà soát, đối chiếu Dự thảo luật với các luật khác để đóng góp ý đảm bảo tính đồng bộ các quy định. Đây là căn cứ rất quan trọng để hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Vào ngày 13-9, khi họp trực tiếp kết họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo luật này để trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tháng 10 tới. Phó thủ tướng lưu ý, Luật Điện lực (sửa đổi) cần tập trung 3 nhóm chính sách là: phát triển thị trường điện theo thể chế kinh tế thị trường, cạnh tranh, minh bạch từ lựa chọn các nhà đầu tư dự án điện, đến phương án tính giá điện bán cho người dùng; chuyển đổi nguồn điện năng lượng hóa thạch sang điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đối với ngành công nghiệp điện lực, đồng thời hình thành các trung tâm công nghiệp điện năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi.
Lê An
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/luat-dien-luc-sua-doi-tao-lap-hanh-lang-phap-ly-cho-nang-luong-tai-tao-8f05982/