Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày
Mệt mỏi
Bữa sáng cung cấp dinh dưỡng và năng lượng cho não và cơ thể hoạt động. Cơ thể thiếu chất dinh dưỡng làm chậm quá trình trao đổi chất gây mệt mỏi, không tỉnh táo, giảm khả năng tập trung và ghi nhớ.
Nguy cơ béo phì
Nhiều người thường nghĩ bỏ bữa sáng giúp giảm cân, đây là quan niệm sai lầm bởi những người không ăn sáng thường có xu hướng thèm ăn, ăn nhiều hơn vào bữa trưa và tối để bù đắp phần dinh dưỡng thiếu trong buổi sáng.
Ăn vặt thêm vào các bữa chính này dễ gây dư thừa năng lượng, lâu ngày dẫn đến thừa cân, béo phì.
Tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính
Bữa sáng giúp khởi động quá trình chuyển hóa của cơ thể, duy trì mức đường huyết ổn định. Khi bỏ bữa sáng, cơ thể phải đối mặt với tình trạng hạ đường huyết tạm thời, dẫn đến phản ứng bù trừ bằng cách giải phóng nhiều hormone để duy trì mức đường huyết.
Sự dao động đường huyết lớn trong ngày làm tăng đề kháng insulin - yếu tố nguy cơ chính gây bệnh đái tháo đường type 2. Cơ thể trải qua tình trạng nhịn ăn kéo dài, dẫn đến giải phóng quá mức các cytokine gây viêm, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính.
Viêm loét dạ dày
Khi bỏ bữa, dịch vị dạ dày vẫn được tiết ra nhưng không có thức ăn để trung hòa. Axit trong dịch vị có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng.
Thói quen bỏ bữa sáng liên quan đến tăng nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa như ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan và đường mật.
Sỏi mật
Khi ăn, túi mật co bóp để giải phóng mật vào ruột giúp tiêu hóa thức ăn. Bỏ bữa trong thời gian dài khiến cho túi mật không được kích thích co bóp thường xuyên. Điều này dẫn đến mật bị ứ đọng trong túi mật, tạo điều kiện cho cholesterol, muối mật kết tinh, hình thành sỏi.
Thói quen này cũng làm giảm nhu động ruột, tăng nguy cơ táo bón và đào thải cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể qua phân chậm hơn. Cholesterol lắng đọng trong mật cũng góp phần làm tăng nguy cơ sỏi mật.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người ăn sáng lành mạnh, cân bằng và giàu dinh dưỡng gồm đủ 4 nhóm thực phẩm chứa chất đạm (trứng, sữa, thịt nạc, đậu đỗ), carbohydrat phức hợp (yến mạch, gạo lứt, kiều mạch, bánh mì nguyên cám, khoai lang, ngô), chất béo tốt (các loại hạt, quả bơ, dầu ô liu), các loại rau quả.
TB (tổng hợp)