Chuyên gia chỉ cách nhận biết dầu ăn giả bằng mắt thường

Chuyên gia chỉ cách nhận biết dầu ăn giả bằng mắt thường
6 giờ trướcBài gốc
Công nghệ làm giả dầu ăn ngày càng tinh vi
Ngày 27/4, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, quá trình trinh sát Phòng cảnh sát kinh tế phát hiện Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tại khu Đồng Đồi, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, sản xuất lượng lớn mì chính, dầu ăn, hạt nêm, bột canh có dấu hiệu giả. Đây đều là các sản phẩm thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân nên cảnh sát tập trung triệt phá.
Đột kích xưởng và kho hàng của công ty, cảnh sát tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả; gần 84 tấn phụ gia các loại; hơn 1,5 triệu vỏ bao bì, can nhựa... và dây chuyền sản xuất đóng gói.
Các loại gia vị gồm hạt nêm, dầu ăn giả vừa bị phát hiện và thu giữ.
Thực tế, toàn bộ nguyên liệu được Công ty Famimoto thu mua trong nước, chủ yếu từ Công ty TNHH Thương mại Quang Thanh (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Sau đó, Famimoto tiến hành phối trộn, sang chiết, đóng gói, tự công bố sản phẩm mà không qua bất kỳ kiểm định chất lượng nào từ cơ quan chức năng. Theo kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, thành phần và hàm lượng dinh dưỡng trong các sản phẩm của Famimoto đều không đạt tiêu chuẩn so với những gì công ty này công bố trên nhãn mác.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, dầu là nguồn chất béo quan trọng trong nhóm dinh dưỡng chính, cung cấp năng lượng thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Thiếu dầu trong khẩu phần có thể khiến trẻ chậm phát triển, biếng ăn, còi xương hoặc dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều dầu có thể dẫn đến thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Vì vậy, việc cân đối lượng dầu tiêu thụ là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
Các chiêu thức sản xuất dầu ăn giả rất tinh vi. Đối với loại dầu thực vật thông thường, hạn sử dụng ghi trên bao bì thường là 18 tháng, thậm chí lâu hơn. Nhưng thực tế, hạn sử dụng này chỉ dành cho dầu ăn chưa mở nắp, dầu ăn sau khi mở nắp đã tiếp xúc với không khí, bụi bặm, tạo ra các gốc tự do peroxide, rất dễ hỏng. Nhất là với những loại dầu kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, quá trình dầu biến đổi chất xảy ra nhanh hơn.
Việc sử dụng dầu ăn hư hỏng có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, thậm chí đẩy nhanh quá trình lão hóa, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho mọi người, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm một cách kỹ lưỡng, chú ý đến nguồn gốc, nhãn hàng hóa được ghi trên sản phẩm và mua tại các cửa hàng, siêu thị uy tín.
Có nhận biết được dầu ăn giả bằng mắt thường?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hiện nay, nhiều người lo ngại về tình trạng dầu ăn giả xuất hiện trên thị trường. Loại dầu này chủ yếu được làm cặn dầu thải chiên đi chiên lại nhiều lần từ các nhà hàng quán ăn hay thịt lợn thừa trong các lò mổ và mỡ gia cầm. Sau khi thu gom chúng được tinh chế thành phẩm như dầu ăn bình thường.
Thực tế, việc phân biệt dầu thật, giả bằng mắt thường hay dựa vào bao bì là rất khó do công nghệ làm giả ngày càng tinh vi. Thông tin về các chất độc hại hoặc hình thức gian lận trong dầu ăn vẫn chưa được làm rõ.
Một số người có thể nhận biết dầu kém chất lượng qua mùi và vị; dầu chuẩn sẽ không có mùi lạ, không ôi, không hôi và giữ được hương thơm đặc trưng của lạc, vừng hoặc các loại nguyên liệu tự nhiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kinh nghiệm này.
Màu sắc của dầu cũng là yếu tố nên chú ý; dầu chất lượng thường có màu vàng nhạt, sáng rõ, không đen hoặc đục. Dù vậy, các thủ đoạn pha trộn hoặc sử dụng bao bì giả khiến việc phát hiện dầu kém chất lượng càng khó khăn hơn.
Theo Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia dầu ăn chất lượng tốt có độ sánh, mùi thơm nhẹ, màu vàng có độ óng và trong suốt. Nếu dầu ăn có mùi khét, mùi tanh, mùi hôi, có cặn vẩn hay màu sắc lạ là dầu kém chất lượng. Người tiêu dùng nên lựa chọn những loại dầu ăn chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Dầu ăn tốt phải là dầu khi xào nấu lên không bị đóng váng, đóng các mảng trắng, cặn mỡ trên thực phẩm khi nguội.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên, ngoài việc phân biệt dầu ăn bằng cách quan sát, nếm thử vị, các bà nội trợ cũng có thể phân biệt dầu ăn thật - giả bằng cách lấy một chút nước i-ốt nhỏ vào bát dầu ăn, nếu thấy xuất hiện màu xanh lam nổi lên, chứng tỏ dầu ăn đã bị pha trộn tạp chất có chứa tinh bột. Đun nóng dầu ăn lên tới nhiệt độ 150 độ C rồi để nguội. Nếu dầu có lắng cặn là dầu đã bị pha tạp chất. dầu càng nhiều lắng đọng, chứng tỏ càng nhiều tạp chất.
Bác sĩ khuyến cáo để hạn chế nguy cơ, nên chọn mua những nơi có uy tín, đáng tin cậy, hợp vệ sinh và còn thời hạn sử dụng. Mọi người nên hạn chế ăn quán ăn vỉa hè, sử dụng dầu chiên đi chiên lại, nguy cơ biến tính, gây hại sức khỏe. Khi nấu, bạn không nên chiên dầu ở nhiệt độ quá cao, nguy cơ cháy khét thức ăn. Nên dùng dầu ăn phù hợp độ tuổi.
Nên bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát, để dầu ở lọ sành, chai thủy tinh sạch và khô ráo, tránh đựng trong đồ vật bằng kim loại. Không cất nơi quá nóng, tránh ánh sáng, đậy kín chai sau mỗi lần dùng.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chi-cach-nhan-biet-dau-an-gia-bang-mat-thuong-169250429205614765.htm