Chuyên gia: Có thể cúng ông Công ông Táo bất cứ ngày, giờ nào

Chuyên gia: Có thể cúng ông Công ông Táo bất cứ ngày, giờ nào
5 giờ trướcBài gốc
Không nhất thiết phải cúng Táo Quân vào ngày 23 tháng Chạp
Theo quan niệm người Việt, mỗi năm đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc của mình là coi sóc bếp lửa cho các gia đình nơi trần thế. Vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình sẽ bày lễ cúng Táo Quân, trong đó có trang phục mũ áo, cá chép.
Vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình sẽ bày lễ cúng Táo Quân. Ảnh: Mai Nguyễn.
Tuy nhiên, cúng Táo Công vào giờ nào cho linh ứng là điều khiến nhiều người băn khoăn. Một số người cho rằng, phải cúng trước lúc 11h trưa để Táo Công nhận lễ, rồi “về Trời” cho kịp cuộc “họp giao ban cuối năm” trên Thiên Đình. Một số quan niệm lại cho rằng, phải chọn ngày đẹp, thậm chí giờ đẹp để cúng.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng- UIA cho biết, con người đã trải qua rất nhiều sự ngộ nhận. Chẳng hạn, cho rằng “trời tròn, đất vuông, Trái Đất là trung tâm vũ trụ, Mặt Trời quay quanh Trái Đất”. Nếu ai nói sai sẽ bị đưa lên giàn thiêu. Rồi khi Mặt Trăng bị che khuất thì cho rằng Mặt Trăng đã bị gấu ăn mất, tên gọi hiện tượng này là “nhật thực”, “nguyệt thực” cũng từ đây mà ra. Và khi có “nhật thực”, “nguyệt thực” thì vội mang kèn trống , thanh la ra gõ xua đuổi, để gấu sợ mà nhả mặt trăng ra. Người xưa, chỉ cần một vài hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên như thế là đã nảy sinh ra tư duy quy nạp, niềm tin tâm linh. Điều này, thế hiện trong cả việc cúng lễ.
Với tư duy “trần sao âm vậy”, dẫn đến việc cúng lễ, cúng đồ mã mà không hề biết rằng “người âm” đâu còn cái thân, đâu còn cái dạ dày để ăn những thứ như thế giới trần gian. Theo ông Khanh, con người sau khi chết, hồn lìa khỏi xác, nếu có ăn, chỉ còn “ăn” bằng tâm tưởng, thọ nhận bằng thần thức kiểu như “giáo cụ trực quan” chứ không phải ăn thật.
Khi chết đi, “người âm” chỉ tồn tại dưới dạng thân trung ấm, không còn cái thân tứ đại vật lý (đất, nước, gió, lửa) như cõi trần thì sao dùng được quần áo, vàng mã? Hơn nữa, cho dù có thể gửi được tiền xuống đó thật, thì “ngân hàng cõi âm” có chấp nhận cái mớ tiền giả ấy không? Nếu một xã hội mà nhà nào cũng tự in tiền thì mệnh giá tiền tệ sẽ lưu thông ra sao? Sao lại có thể lấy tư duy “tiêu tiền” của cõi trần gian mà áp đặt bắt thế giới siêu hình cũng tuân theo?
Lại còn phương tiện giao thông, “thế giới âm” di chuyển trong không gian nhanh hơn cả ý nghĩ, thì sao lại còn sắm ngựa, xe, ô tô, máy bay, chưa kể lại còn sắm cả hình nhân thế mạng, đeo khẩu trang, rồi sắm cả đồ mã vắc xin để cho “người âm” tiêm phòng dịch COVID…
Như vậy, không những lắp ghép cấu tạo vật chất của cảnh giới "cõi âm" giống như cõi trần, mà còn coi cấu tạo vật chất của cảnh giới cõi Trời cũng giống như cảnh giới của cõi trần gian. Một khi nhận thức về vũ trụ quan còn lạc hậu, còn suy diễn theo cảm tính thì con người ứng xử với thiên nhiên, với vũ trụ bằng lòng tin tín ngưỡng, mà không hề dựa vào khoa học kiểm chứng, rồi dần dần lòng tin tín ngưỡng biến thành tập tục văn hóa của cộng đồng xã hội.
“Cho nên, có thể cúng Táo quân vào bất cứ ngày nào, giờ nào cũng được. Nhưng làm vào ngày 23 tháng Chạp như một ngày quy ước để mọi người trong gia đình cùng sắp xếp thời gian để về tham gia gặp mặt giao lưu truyền thống”, ông Khanh cho hay.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ý nghĩa Tâm linh trong việc cúng Táo quân
Theo TS Vũ Thế Khanh, cúng Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam xuất xứ có nguồn gốc theo Đạo Lão của Trung Quốc là cúng ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ (thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc), nhưng khi du nhập vào nước ta đã được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà". Tuy vậy, người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc Ông Táo, Bà Táo.
Đối với quan niệm của người Việt, tục thờ các vị Táo quân trong nhà gắn liền với tín ngưỡng của nhà nông. Đó là tín ngưỡng phồn thực, cầu mong mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, sung túc, đầm ấm. Cùng với đó, là tín ngưỡng thờ đa thần, tục thờ Táo quân thực chất là tục thờ thần Lửa (vì theo quan niệm, lửa là khởi đầu cho một chu kỳ sống của vạn vật hữu linh). Ngoài ra, dựa trên nền tảng sản phẩm của thâm canh nông nghiệp lúa nước;
Lễ cúng Táo quân thể hiện sự tri ân (lòng biết ơn) với các bậc nhân thần, thiên thần, các bậc tiền bối, thần linh đã trợ duyên “mưa thuận gió hòa” cho trần gian trong việc mưu sinh.
Lễ cúng cũng thể hiện sự trân trọng, quý kính, đề cao sự nhân ái, thủy chung, thương yêu đùm bọc và gắn kết các thành viên trong gia đình người Việt. Đồng thời nhắc nhở mọi người tin theo Nhân Quả, luôn làm các điều thiện, lánh xa điều ác, và luôn ý thức rằng có Táo quân (sứ giả nhà Trời) giám sát mọi việc làm của chốn trần gian bất cứ lúc nào.
Cúng Táo quân không nhằm mục đích “cầu xin” vụ lợi (theo kiểu há miệng chờ sung), cầu xin che giấu tội lỗi, mà là thể hiện sự dũng cảm sám hối, cam kết làm lành tránh ác, thành kính tri ân trong sáng.
“Đã là lòng thành kính thì về mặt hình tướng phải chọn nơi sang trọng nhất, thanh tịnh nhất để làm nơi cúng tế. Còn về mặt tâm linh thì lễ vật đẹp nhất, thanh tịnh nhất, trang trọng nhất chính là sự quý kính, hiếu thuận, tri ân và Thiện Tâm để dâng lên các chư vị thiên thần hộ pháp của thế giới tâm linh”, ông Khanh lý giải.
Mai Nguyễn
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/chuyen-gia-co-the-cung-ong-cong-ong-tao-bat-cu-ngay-gio-nao-2074525.html