Chuyên gia cũng bị giả mạo để mời chào đầu tư

Chuyên gia cũng bị giả mạo để mời chào đầu tư
2 giờ trướcBài gốc
Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hình ảnh, tên tuổi của chuyên gia tài chính nổi tiếng để lừa đảo trục lợi. Ảnh: Shutterstock.
Trong thời đại công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối, mà còn trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo.
Gần đây, một loạt vụ việc mạo danh chuyên gia kinh tế - tài chính nổi tiếng để tổ chức các khóa học đầu tư miễn phí, sau đó dụ dỗ nạn nhân đầu tư nhằm trục lợi.
Chiêu trò tinh vi đánh vào lòng tin
Mạng xã hội đang ngập tràn những quảng cáo mời chào tham gia khóa học đầu tư miễn phí với nội dung như "chuyên gia kinh tế nổi tiếng A chia sẻ bí quyết đầu tư chứng khoán an toàn và lợi nhuận cao"; "tham gia ngay lớp học miễn phí, kiếm hàng chục triệu một tháng với vốn chỉ từ 5 triệu đồng" hay "đầu tư với tỷ lệ chiến thắng tới 99%".
Hình ảnh và tên tuổi của các tiến sĩ, chuyên gia kinh tế hay các gương mặt quen thuộc trong giới tài chính được đính kèm trên các bài quảng cáo, nhằm khiến người xem dễ dàng tin tưởng.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định bản thân chưa bao giờ mở lớp giảng dạy hay kêu gọi đầu tư, đặc biệt càng không thể có tỷ lệ chiến thắng cao như vậy.
Theo ông, các chiêu trò lừa đảo đang nở rộ, lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng của người dân, hay muốn gỡ gạc những thua lỗ tài chính vào các tháng cuối năm.
"Kẻ xấu tung ra những chương trình đầu tư rồi quảng cáo lợi nhuận cao trên trời trong thời gian ngắn. Để tạo tin tưởng với nhà đầu tư nên chúng giả mạo tên tuổi và hình ảnh của những chuyên gia tài chính nổi tiếng để trục lợi bất chính", ông Hiếu chia sẻ.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết có người mạo danh, lợi dụng tên tuổi, hình ảnh và phát biểu của mình để thu hút, lôi kéo người dân bỏ tiền đầu tư tài chính. Ảnh: NVCC.
Tương tự, ông Trần Ngọc Báu - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức cung cấp dữ liệu kinh tế tài chính WiGroup - cho biết thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội đã có một số đối tượng mạo danh ông để mở lớp và nhận ủy thác vốn, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, cuộc sống và công việc cá nhân.
Ông Báu cho hay bản thân chỉ đại diện cho duy nhất WiGroup, đồng thời khẳng định không chạy quảng cáo khóa học, hội thảo trên bất cứ kênh truyền thông nào, lại càng không tư vấn hay nhận vốn từ bất cứ cá nhân nào khác.
Không chỉ TS Nguyễn Trí Hiếu hay ông Trần Ngọc Báu, nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính khác như TS Cấn Văn Lực, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng liên tục bị mạo danh để quảng bá khóa học, mời gọi tham gia các nhóm đầu tư tài chính. Những chuyên gia này đều phải lên tiếng đính chính không hề tổ chức bất kỳ khóa học nào và hoàn toàn bị mạo danh.
"Tôi mong người dân nâng cao cảnh giác và đừng tham gia những chương trình đầu tư lừa đảo này. Tham gia những chương trình này sẽ mất hết tiền và không có cách gì truy tìm những thủ phạm lừa đảo", TS Hiếu cảnh báo.
Con số đáng báo động
Báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 của Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho thấy trong năm nay, lừa đảo trực tuyến tiếp tục hoành hành. Cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo.
Thiệt hại ước tính do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm qua lên đến 18.900 tỷ đồng. Thực tế, nhiều nạn nhân bị lừa đảo nhưng số người có thể lấy lại tiền rất ít.
Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Trong đó, 3 hình thức phổ biến nhất năm qua là dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mại lớn.
Bên cạnh các kịch bản tinh vi, đối tượng lừa đảo còn sử dụng nhiều công nghệ hiện đại như deepfake để tạo video, giọng nói giả mạo nhằm xây dựng lòng tin từ nạn nhân; ứng dụng công cụ tự động (chatbot) để giao tiếp liên tục với nạn nhân; dùng phần mềm chuyên dụng trên máy tính để thực hiện cuộc gọi viễn thông, tiếp cận nhiều người cùng lúc...
Công nghệ cao khiến nhiều nạn nhân khi tiếp xúc các nội dung giả mạo đã không phân biệt được thật - giả, dẫn tới dễ bị mắc lừa.
Người dân cần cảnh giác với chiêu trò mạo danh chuyên gia để lôi kéo đầu tư. Ảnh: FBNV.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến cáo tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác và trang bị kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng.
Ông Sơn khuyên người dùng tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng. Người dân cần xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền, đồng thời có thể sử dụng ứng dụng phòng chống lừa đảo nTrust để lọc và ngăn chặn các số điện thoại lừa đảo, website độc hại.
Riêng đối với lừa đảo trên không gian mạng của các sàn forex (sàn trao đổi tiền tệ quốc tế), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã từng trả lời chất vấn của đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (đoàn Đắk Lắk).
Nhà điều hành khẳng định chưa cấp phép cho một sàn giao dịch forex nào, nếu người dân giao dịch tại các sàn này thì sẽ có hệ lụy là bị lừa đảo. Các cơ quan quản lý cũng đang phối hợp để kiểm soát, tăng cường phát hiện các sàn không được cấp phép để có biện pháp xử lý.
Hồng Nhung
Nguồn Znews : https://znews.vn/chuyen-gia-cung-bi-gia-mao-de-moi-chao-dau-tu-post1519495.html