Ngày 25/2, UBND TP.HCM phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Anh tại TP.HCM tổ chức Hội thảo "Giải pháp triển khai mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại TP.HCM".
Tại hội thảo, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhìn nhận, để phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong 10 năm tới, TP.HCM cần đặt ra 4 mục tiêu chính. Cụ thể: đạt hơn 350km đường sắt đô thị; tiết kiệm 30% tổng chi phí toàn hệ thống; nội địa hóa 70% tổng mức đầu tư và tạo nguồn từ nhượng quyền TOD.
“Ví dụ, một khu đô thị nén ở Hà Nội trên khu đất 20ha cung cấp 12.500 căn hộ với tổng diện tích sàn 1 triệu m². Giả sử Nhà nước thu được qua đấu giá nhượng quyền phát triển khu đô thị thị TOD này là 5 triệu đồng thì tổng thu ngân sách thu về sẽ là 5.000 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD. Số tiền này đủ xây metro ngầm hoàn toàn dưới đất”, ông Đông thử làm phép tính.
Tuy nhiên, ngoài tiền thì thể chế và thủ tục cũng là những mấu chốt quan trọng trong quá trình thực hiện giao thông đô thị.
Nhiều thách thức
Theo ông Phan Công Bằng, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, TP đã lên kế hoạch cho lộ trình thực hiện 550km đường sắt đô thị. Trong đó, đến năm 2035 sẽ hoàn thiện 355 km (đã bao gồm 17km tuyến Metro số 1). Đến năm 2045 sẽ hoàn thành khoảng 200km còn lại.
Để triển khai được theo đề án này, cơ chế đã có rất nhiều đột phá như không phải thực hiện chủ trương đầu tư sẽ giảm được thời gian đầu tư và giảm chi phí. Hiện tuyến metro số 2 của TP.HCM đã đủ điều kiện để triển khai ngay theo các cơ chế mới vì đã giải phóng mặt bằng xong.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: Lương Ý)
“Làm sao phải vận hành cơ chế linh hoạt và đẩy nhanh được tiến độ. Nếu chúng ta cứ làm theo quy trình cũ, cách làm cũ thì rất khó hoàn thành 355 km từ nay đến năm 2035”, ông Bằng nói.
Ngày 19/2, Quốc hội thông qua NQ188 trao cơ chế đặc thù cho TP.HCM và Hà Nội phát triển mạng lưới đường sắt đô thị. Theo Tiến sĩ Trần Du lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn NQ98, đây chính là cơ hội để 2 thành phố lớn làm một vấn đề rất lịch sử và sẽ là khung pháp lý để TP.HCM triển khai một vấn đề lớn làm thay đổi cả TP trong 10-15 năm tới.
Tuy nhiên, ông Lịch cũng chỉ ra 5 thách thức mà khi thực hiện mô hình TOD mà TP.HCM phải đối mặt.
Thứ nhất là quy trình hiện nay vẫn còn chồng chéo, thủ tục rườm rà. Dù nghị quyết của Quốc hội đã rút ngắn một số nội dung nhưng nếu không thay đổi cách làm thì rất khó mà thực hiện được.
Thứ hai là vấn đề quy hoạch. Quy hoạch chung sắp tới sẽ được phê duyệt nhưng làm sao để để bổ sung các tuyến TOD này vào từng phân khu, từng nơi, từng địa bàn là một vấn đề rất khó, mất nhiều thời gian.
“Chúng ta muốn vẽ một bức rất đẹp về quy hoạch TP.HCM nhưng bản thân nó hiện nay không phải là tờ giấy trắng mà là một tờ giấy đã vẽ lung tung rồi. Đó là một bài toán cực kỳ phức tạp. Vấn đề thứ 3 là giải tỏa đền bù, tạo quỹ đất. Với giá đất hiện nay, chỉ công bố quy hoạch thôi, đất đã bị đẩy giá rồi. Giải tỏa để làm tuyến đường đã khó, giải tỏa để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ nhà ở lại cực kỳ khó”, ông Lịch nhận định.
2 thách thức nữa mà TP.HCM phải đối mặt là bài toán huy động vốn và phát triển công nghiệp đường sắt, phát triển công nghiệp phụ trợ trong mục tiêu phát triển đường sắt lần này.
“Đây là mục tiêu rất lớn. Nếu không thay đổi hoàn toàn về tư duy phát triển mà làm theo cách cũ như thì chúng ta làm 15km đường sắt đô thị trong 20 năm”, ông Lịch nhấn mạnh.
Cần nghiên cứu thành lập hội đồng TOD
TOD là viết tắt của cụm từ Transit Oriented Development. Đây là một chiến lược quy hoạch và phát triển tích hợp giao thông công cộng và đô thị xung quanh các nhà ga/ depot nhằm thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng và nâng cao giá trị sử dụng đất.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP.HCM, quỹ đất tiềm năng phát triển theo mô hình TOD tại TP.HCM hiện còn khoảng 32.000 ha thuộc các khu vực đất nông nghiệp, đất trống không ảnh hưởng hoặc ít ảnh hưởng tới dân cư hiện trạng; khoảng 9.000 ha thuộc các khu đất công nghiệp, sản xuất, đất chuyển đổi chức năng; 23.000 khu vực đất khuyến khích tái phát triển gắn với TOD thuộc các khu vực hiện hữu, cải tạo, chỉnh trang có dân cư hoặc các khu chức năng hiện tại.
“Một trong những vấn đề cốt lõi khi phát triển TOD là cơ chế thu hồi đất, xác định giá trị quỹ đất. Hiện nay, TP.HCM đang nghiên cứu, muốn học hỏi kinh nghiệm từ các nước và giới chuyên gia, nhằm vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM. Cụ thể, giải pháp tổ chức triển khai vận dụng cơ chế như thế nào cho hiệu quả? Giải pháp phân kỳ phát triển; tổ chức nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa ra sao?”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Tùng, Phó nhóm TOD thuộc Chương trình Hạ tầng và TP Xanh (FCDO GCIP) của Bộ Ngoại Giao và Phát triển Vương Quốc Anh cho biết, nhiều quốc gia và thành phố phát triển đã xây dựng và vận hành mô hình này từ lâu như Singapore, thủ đô London (Anh), thành phố Toronto (Canada), Thẩm Quyến hay Quảng Châu (Trung Quốc).
Dù có sự khác nhau dựa trên đặc thù của các quốc gia, các địa phương nhưng đều được xây dựng dựa trên phối hợp mật thiết của khu vực công và khu vực tư nhân. Trong đó, Nhà nước sẽ xây dựng chiến lược, quy hoạch và các quy định vận hành, phát triển và khai thác.
Khu vực tư nhân được khuyến khích tham gia và đầu tư phát triển đường sắt, dự án phát triển đô thị và có nghĩa vụ thanh toán các khoản thuế, phí cho phần giá trị tăng thêm từ các dự án bất động sản theo quy định khi tuyến đường sắt được khai thác.
Từ kinh nghiệm các quốc gia, ông Tùng cũng gợi ý quy trình phát triển mô hình TOD cho TP.HCM và Hà Nội. Trong đó, cần xây dựng hội đồng phát triển TOD.
Tiến sĩ Trần Du Lịch kiến nghị TP.HCM cần thành lập Hội đồng TOD. (Ảnh: Hà Khánh)
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Trần Du Lịch kiến nghị: “TP.HCM phải lập một cơ quan lấy nền tảng từ Ban Quản lý đường sắt đô thị tức là cơ quan Hội đồng đường sắt đô thị. Trong đó, một Phó Chủ tịch TP sẽ chuyên trách 10 năm trong Hội đồng này. Và Hội đồng này phải cơ cấu làm sao để đủ quyền lực, đủ thẩm quyền quyết định mọi thứ. Chứ nay họp với ban này, mai họp với ban khác thì vô phương”.
Ông Đặng Huy Đông- Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhìn nhận: “Đây là một nhiệm vụ rất khả thi nếu chúng ta có một tư duy mới, đột phá. Song song đó, cần có một khung pháp lý mới, cho phép chọn ngay một tuyến áp dụng mô hình đã phát triển thành công metro/TOD trên giới. Thí điểm theo mô hình sandbox là thí điểm những cái mới, không sợ sai”.
Ông Đông cũng nói thêm, không nên đặt ra một bộ máy cồng kềnh trong việc thực hiện mô hình TOD. Càng nhiều những thứ mang tính hình thức, càng nhiều bước thì càng rủi ro. Càng rủi ro thì càng chần chừ, do dự. Rủi ro ở đây không phải là rủi ro về dự án mà là rủi ro về hành chính công vụ, rủi ro cho cán bộ công chức.
Hồng Liên