Xe máy liên quan tới 65 - 70% số vụ tai nạn giao thông
Phát biểu tại hội thảo "Giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho người đi mô tô, xe máy tại Việt Nam" được tổ chức sáng 12/2, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, mô tô, xe máy vẫn đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam. Theo đó, đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 77 triệu xe máy được đăng ký. Dự báo tới năm 2030 và những năm tiếp theo, xe máy sẽ vẫn được sở hữu và sử dụng.
Lý do là bởi trong điều kiện cơ sở hạ tầng đường xá còn bất cập, mức thu nhập cá nhân còn khá thấp và các dịch vụ giao thông công cộng ở nhiều tỉnh, thành chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, xe máy vẫn là lựa chọn ưu tiên, đóng vai trò quan trọng trong đời sống, sinh kế của người dân.
Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Yến
Ngay như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển nhất cả nước, hệ thống giao thông công cộng mới đáp ứng khoảng 10 - 15% nhu cầu đi lại. Trong khi đó, mật độ đường trên diện tích đất và số lượng xe buýt trên một triệu dân đến nay vẫn thấp hơn nhiều lần so với các thành phố ở châu Á.
"Nếu việc mở rộng các mạng lưới đường, phương tiện vận tải công cộng (tàu điện và xe buýt…) vẫn diễn ra với tốc độ như hiện nay, trong 10 năm tới các mức cung cấp kết cấu hạ tầng và dịch vụ giao thông công cộng sẽ vẫn rất thấp so với các thành phố trong khu vực, đồng nghĩa với việc chưa đáp ứng được nhu cầu và xe máy tiếp tục là phương tiện đi lại ưu tiên của nhiều người dân", ông Lê Kim Thành cho hay.
Cũng theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mặc dù là phương tiện chính và có nhiều ưu điểm nhưng xe máy lại có tính năng an toàn không cao như ô tô... Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, xe máy có liên quan tới khoảng 65 - 70% số vụ tai nạn giao thông.
Cùng nói về vấn đề trên, ông Lê Văn Đạt (Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải) cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2023, số vụ tử vong liên quan đến tai nạn xe máy chiếm hơn 90% tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc tỷ lệ người sử dụng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn vẫn còn cao, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Ngay tại thành phố Hà Nội cũng có khoảng 19% người lái xe máy sử dụng mũ bảo hiểm không đạt yêu cầu.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết thêm, tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, trong đó có kết quả bảo đảm an toàn giao thông với người đi xe máy.
Đặc biệt, Việt Nam thường được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điểm sáng về thực thi chính sách đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô xe máy, với tỷ lệ đội mũ lớn hơn 90%, thậm chí 95% tại nhiều địa phương. Các vấn đề kiểm soát với người đi xe máy hiện Việt Nam cũng đang làm rất tốt như nồng độ cồn hay kiểm soát tốc độ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức như: thực trạng nhóm tuổi 16-18 tuổi điều khiển xe máy dưới 50cc nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, số vụ tai nạn giao thông liên quan trẻ dưới 16 tuổi điều khiển xe hai bánh diễn biến phức tạp; nhiều vụ tai nạn giao thông do vi phạm quy tắc giao thông (đi vào điểm mù, chuyển hướng thiếu quan sát).
Mặt khác, tiêu chuẩn làn xe máy và hướng dẫn thiết kế làn dành riêng cho xe máy chưa được áp dụng một cách rộng rãi. Đáng chú ý, vẫn chưa có quy định xử phạt với trẻ dưới 6 tuổi khi ngồi trên xe mô tô, xe máy không đội mũ, chưa có tiêu chuẩn mũ bảo hiểm đi xe máy cho trẻ dưới 6 tuổi; tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em trên mô tô, xe máy còn thấp; chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ trên xe máy.
Ngoài ra, trên nhiều tuyến quốc lộ không có làn đường riêng cho xe thô sơ, trục đường đô thị đang được duy trì mô hình giao thông hỗn hợp… Đây chính là những tuyến đường mà tỷ lệ tai nạn với xe máy rất cao.
Ngoài ra, ông Minh cũng chỉ ra thực tế chương trình đào tạo không đáp ứng bối cảnh thực tế hiện nay. “Bao nhiêu năm phần thi thực hành trong chương trình đào tạo, sát hạch bằng lái xe máy vẫn chỉ yêu cầu người học đi trong vòng số 8, số 3 trong khi thực tế trên đường xe tải, ô tô chạy rầm rầm”, ông Minh nêu.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, việc đảm bảo an toàn giao thông cho xe máy hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Ảnh: Phạm Yến
Cần có làn đường dành riêng cho xe máy?
Từ những tồn tại trên, ông Trần Hữu Minh kiến nghị cơ quan quản lý cần cải thiện an toàn giao thông cho người đi mô tô, xe máy; bổ sung điều chỉnh chương trình đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe máy. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng, ban hành thông tư quy định quy trình giáo dục, đào tạo về an toàn giao thông trong trường học, trong đó bắt buộc phải tổ chức thi đối với học sinh.
Ông Lê Văn Đạt (Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải) cho rằng, cần có làn đường dành riêng cho xe máy ở những khu vực có lưu lượng phương tiện giao thông cao. Đồng thời, cần có những chính sách nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Tại các địa phương cần phát triển cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp, người đi bộ…
Tại hội thảo, một số chuyên gia cũng đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu giao thông, dự đoán rủi ro tai nạn giao thông. Từ đó, đưa ra các biện pháp phòng ngừa và cảnh báo kịp thời cho người đi xe máy...
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phát động chiến dịch truyền thông, đề nghị người tham gia giao thông tuyệt đối tuân thủ quy định "Đã uống rượu bia không lái xe" và "Không giao xe cho người không đủ điều kiện".
Chiến dịch nhằm tuyên truyền đến các bậc phụ huynh trong quản lý chặt chẽ việc sử dụng phương tiện của con em, bảo đảm chỉ giao xe khi con em đủ điều kiện theo quy định pháp luật, đủ kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện một cách an toàn.
Phong Lâm