Chuyên gia kinh tế trưởng của WB cảnh báo về rủi ro nợ công tại các thị trường mới nổi
Vị này cho biết, sau loạt động thái áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các chuyên gia kinh tế trên toàn cầu đang đồng loạt điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng, đặc biệt đối với các nền kinh tế phát triển, trong khi các nước đang phát triển ít bị ảnh hưởng hơn trong ngắn hạn.
Tại các cuộc họp vừa qua của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, lo ngại về hệ lụy kinh tế từ mức thuế cao kỷ lục của Mỹ, cùng với các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc, EU, Canada và nhiều quốc gia khác đã trở thành tâm điểm thảo luận.
IMF hôm thứ Ba đã mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng đối với Mỹ, Trung Quốc và phần lớn các nền kinh tế khác, đồng thời cảnh báo rằng căng thẳng thương mại leo thang có thể tiếp tục làm suy giảm đà phục hồi toàn cầu. Tổ chức này hiện dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 chỉ đạt 2,8%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1.
Trong khi WB chưa công bố báo cáo dự báo hai lần mỗi năm (dự kiến vào tháng 6), ông Gill cho biết giới kinh tế học toàn cầu đã hình thành đồng thuận về việc cắt giảm đáng kể kỳ vọng tăng trưởng và thương mại. Các chỉ số đo lường mức độ bất định - vốn đã ở mức cao hơn nhiều so với một thập kỷ trước - tiếp tục tăng mạnh sau quyết định áp thuế của Mỹ hôm 2/4.
So với các cú sốc như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 hay đại dịch COVID-19, thì tình cảnh hiện tại có nguyên nhân chủ yếu từ chính sách, và do đó hoàn toàn có thể bị đảo ngược, ông Gill nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm thứ Năm.
Ông cho rằng, cuộc khủng hoảng lần này sẽ khiến tăng trưởng tại các thị trường mới nổi tiếp tục suy giảm, từ mức khoảng 6% cách đây hai thập kỷ, hiện chỉ còn khoảng 1,5%, thấp hơn đáng kể so với mức 8% từng ghi nhận trong những năm 2000. Đồng thời, dòng vốn danh mục và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang sụt giảm, tương tự các giai đoạn khủng hoảng trước.
“FDI từng chiếm 5% GDP trong thời kỳ thịnh vượng của các thị trường mới nổi. Hiện nay, tỷ lệ này chỉ còn 1%, và cả dòng vốn danh mục lẫn FDI đều đang suy yếu trên diện rộng”, ông cho biết.
Cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nợ diện rộng
Theo ông Gill, gánh nặng nợ công hiện nay đang ở mức đáng lo ngại: một nửa trong số khoảng 150 quốc gia đang phát triển và thị trường mới nổi đã rơi vào hoặc có nguy cơ rơi vào tình trạng không thể thanh toán nợ đúng hạn. Tỷ lệ này đã tăng gấp đôi so với năm 2024 và có thể tiếp tục leo thang nếu kinh tế toàn cầu chậm lại.
“Nếu tăng trưởng toàn cầu suy giảm, thương mại chững lại, lãi suất duy trì ở mức cao và các quốc gia không thể xoay sở tài chính, nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ sẽ lan rộng, kể cả với các nước xuất khẩu hàng hóa”, ông cảnh báo.
Tỷ lệ chi phí lãi vay ròng trên GDP - một chỉ báo phản ánh áp lực trả nợ - hiện ở mức 12% đối với các thị trường mới nổi, cao hơn so với 7% năm 2014, đưa chỉ số này quay trở lại mức cao từng ghi nhận trong những năm 1990. Đối với các quốc gia nghèo, con số này còn cao hơn: chi phí trả nợ chiếm tới 20% GDP hiện nay, so với mức 10% cách đây một thập kỷ.
"Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách cho giáo dục, y tế và các chương trình phát triển khác bị cắt giảm mạnh", ông nói thêm và nhận định: "Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, lãi suất có khả năng duy trì ở mức cao, điều này sẽ khiến gánh nặng nợ công gia tăng nếu các quốc gia buộc phải đảo nợ".
Ông Gill khuyến nghị các nước đang phát triển cần nhanh chóng và chủ động đàm phán với Mỹ để cắt giảm thuế suất của chính họ, không chỉ nhằm tránh bị áp thuế cao từ phía Mỹ mà còn tạo tiền đề cho việc mở rộng các ưu đãi thuế quan sang những quốc gia khác.
Theo ông, đây là thời điểm hợp lý để hành động, bởi sức ép từ phía Mỹ có thể giúp giảm bớt phản ứng trong nước. Mô hình phân tích của WB chỉ ra rằng những động thái như vậy có thể mang lại tác động tích cực đáng kể tới tăng trưởng kinh tế.
Đại Hùng