Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và chiến lược Trần Thị Hồng Minh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều nút thắt trong chuyển đổi xanh. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Tại Diễn đàn "Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh” diễn ra sáng ngày 22/4, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và chiến lược cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, chuyển đổi xanh đã trở thành xu thế tất yếu.
“Chuyển đổi xanh không chỉ là chìa khóa để duy trì lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường và tiếp cận nguồn vốn, mà còn là nền tảng để nâng cao năng lực nội tại và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia,” bà Trần Thị Hồng Minh nhận định.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã tích cực thực hiện chuyển đổi xanh như Vingroup trong phát triển hệ sinh thái xe điện, Vinamilk, TH True Milk, Masan trong công bố lộ trình giảm phát thải, đầu tư và năng lượng tái tạo…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức độ triển khai chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chưa chủ động xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn phục vụ cho các mục tiêu phát triển xanh…
Tại diễn đàn do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp tổ chức, theo bà Trần Thị Hồng Minh, những hạn chế nêu trên bắt nguồn từ nhiều nút thắt của chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp. Cụ thể, về kiến thức và năng lực, theo khảo sát "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh" do Ban phát triển kinh tế tư nhân thực hiện với hơn 2.734 doanh nghiệp cho thấy, 46,8% doanh nghiệp thiếu nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải, chuyển đổi xanh.
Ở TP HCM, chỉ khoảng 12% doanh nghiệp sở hữu đội ngũ nhân sự có chuyên môn về ESG (môi trường, xã hội và quản trị), gây trở ngại trong việc triển khai chiến lược phát triển bền vững.
Bà Minh cho rằng, chuyển đổi xanh phải gắn liền với việc áp dụng các tiêu chuẩn, công nghệ và mô hình quản trị mới. Nhưng nhiều doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu, không có cơ sở dữ liệu tham khảo, không tiếp cận được chuyên gia tư vấn, dẫn đến tình trạng triển khai rời rạc.
Tình trạng này càng nghiêm trọng khi doanh nghiệp đối mặt với sự thay đổi liên tục trong các quy định về tiêu chuẩn môi trường quốc tế, như CBAM, Quy định chống phá rừng (EUDR), hay ESG trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, đối với các ngành có mức phát thải cao như dệt may, khoảng 40% thiết bị trong ngành này đã lỗi thời, khiến việc giảm phát thải carbon trở nên khó khăn hơn.
Về công nghệ và cơ sở hạ tầng cho chuyển đổi xanh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ sản xuất truyền thống, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu tối ưu hóa năng lượng và kiểm soát phát thải. Nhiều công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực môi trường lại có chi phí cao, thời gian hoàn vốn dài và đòi hỏi nhân sự có trình độ kỹ thuật chuyên sâu trong khi phần lớn doanh nghiệp SMEs chưa thể đáp ứng.
Cơ sở hạ tầng hỗ trợ chuyển đổi xanh cũng chưa được đầu tư đồng bộ, gây trở ngại cho nhiều sáng kiến xanh từ phía doanh nghiệp.
“Điển hình là hệ thống lưới điện dành cho năng lượng tái tạo. Hệ thống lưới điện hiện nay chủ yếu được thiết kế theo mô hình một nên việc tiếp nhận điện mặt trời áp mái phân tán, quy mô nhỏ, thiếu ổn định về công suất và không đồng đều theo thời gian, điều này đã tạo ra tình trạng quá tải cục bộ và khó kiểm soát chất lượng điện năng tại nhiều khu vực,” bà Trần Thị Hồng Minh nhận định.
Về chính sách và quy định, Việt Nam hiện vẫn chưa có một định nghĩa pháp lý chính thức về “doanh nghiệp xanh”, cũng như khung tiêu chí xếp hạng mức độ xanh hóa của doanh nghiệp.
Các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14001 (hệ thống quản lý môi trường), GHG Protocol (tính toán phát thải khí nhà kính), hay bộ nguyên tắc ESG mới chỉ được khuyến khích áp dụng trên cơ sở tự nguyện, chưa được khuyến khích thực hiện gắn với ưu đãi cụ thể.
Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh như tín dụng xanh, miễn giảm thuế môi trường, trợ giá công nghệ sạch hoặc chứng nhận sản phẩm thân thiện môi trường hiện vẫn còn manh mún, ngắn hạn và khó tiếp cận.
Về văn hóa doanh nghiệp và nhận thức, trong nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp SMEs, không ít lãnh đạo vẫn đặt nặng mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn và hiệu quả kinh doanh trước mắt, và chưa thực sự coi yếu tố môi trường là ưu tiên chiến lược trong dài hạn.
Đặc biệt, trong vấn đề tài chính, theo bà Minh, các công nghệ phục vụ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải tiên tiến hoặc triển khai năng lượng tái tạo đều đòi hỏi mức chi phí đầu tư lớn so với năng lực tài chính thông thường của doanh nghiệp Việt. Nhiều khoản đầu tư không chỉ nằm ở thiết bị, công nghệ, mà còn bao gồm chi phí tái cấu trúc quy trình sản xuất, đào tạo nhân lực, chuyển đổi hệ thống quản lý và vận hành.
Mặt khác, Việt Nam đã có một số chương trình tài chính xanh như Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, các khoản vay từ ADB, WB…, nhưng khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh.
Khác với đầu tư thông thường vào thiết bị hoặc mở rộng sản xuất có thể mang lại lợi nhuận nhanh chóng, các dự án chuyển đổi xanh như xử lý khí thải, tái chế nước, sử dụng năng lượng tái tạo, hoặc số hóa vận hành để giảm phát thải..., thường có chu kỳ hoàn vốn kéo dài từ 5 –10 năm.
“Trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp với dòng tiền eo hẹp, thì việc phân bổ một phần ngân sách lớn vào các dự án “lợi ích lâu dài” là điều không dễ dàng,” theo bà Trần Thị Hồng Minh.
Giám đốc Trung tâm đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Bàn thêm về vấn đề tài chính cho chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, dưới góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã đưa ra một số giải pháp nhằm mục đích tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, góp phần vào phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Trong đó, Chính phủ cần xây dựng và thiết lập khung chính sách tài chính xanh tích hợp, bao gồm tín dụng, tái cấp vốn, chính sách tài khóa và tài chính cho khu vực tư nhân, ngân hàng và tài chính xanh, cũng như thị trường vốn để chuyển dòng vốn vào nền kinh tế xanh và các chương trình biến đổi khí hậu.
Theo ông Sơn, Việt Nam đã xây dựng chiến lược và thành lập ban chỉ đạo quốc gia để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên, cần xây dựng khung chính sách, công cụ và sản phẩm tài chính xanh để dòng vốn được phân luồng phù hợp và đầy đủ.
Ông Sơn cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn, tập trung tín dụng trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao); tăng cường nguồn vốn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật...
Lê Hồng Nhung