Chuyên gia nhận định mức độ ảnh hưởng bởi các trận động đất lớn xảy ra từ xa

Chuyên gia nhận định mức độ ảnh hưởng bởi các trận động đất lớn xảy ra từ xa
4 ngày trướcBài gốc
Tòa nhà bị sập do động đất tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/3/2025. (Ảnh: Straits Times/TTXVN)
Trận động đất có độ lớn 7,7 (theo ghi nhận của Cục khảo sát địa chất Mỹ) xảy ra ở Myanmar vào đầu giờ chiều 28/3, đã gây thiệt hại nặng nề tại Thái Lan. Tại Việt Nam, người dân ở nhiều địa phương như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng cảm nhận rung lắc mạnh, tuy nhiên không ghi nhận thiệt hại.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sỹ - Nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái Đất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết trận động đất trên rất lớn, nên vùng ảnh hưởng có thể kéo dài hàng nghìn kilômét.
Theo ông Xuân Anh, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào cường độ, độ lớn, khoảng cách đối với trận động đất và nền đất ở khu vực xảy ra động đất.
Tuy nhiên, hệ thống quan trắc của Việt Nam đầu chiều nay ghi nhận trận động đất trên có độ lớn 7,6 và nhận định “cấp độ rủi ro thiên tai bằng 0” - tức là ít có khả năng gây thiệt hại đối với Việt Nam.
Với Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, thông thường những trận động đất lớn ở xa (xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam - như trận động đất vừa xảy ra) vẫn có tác động đến các công trình nhà cao tầng và cảm nhận được rung lắc.
Vị Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, cũng cho biết trận động đất xảy ra ở Myanmar vào đầu giờ chiều nay, không bất thường, bởi trong lịch sử ở Myanmar cũng đã có những trận động đất rất mạnh.
“Sau một thời gian tích lũy năng lượng đủ lớn, nó sẽ giải phóng thành những trận động đất như vậy và ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh,” ông Xuân Anh nói. Theo giới chuyên gia, sau khi xảy ra trận động đất lớn, trong một số trường hợp vẫn có thể xảy ra các trận động đất nhỏ hơn.
Về khả năng cảnh báo sớm động đất, để hạn chế mức độ ảnh hưởng cũng như thiệt hại do động đất gây ra, lãnh đạo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, cho biết hiện Việt Nam chỉ cảnh báo được động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó và khó dự báo được thời gian xảy ra động đất.
Ngay như ở Nhật Bản, có những trận động đất xảy ra gây thiệt hại rất lớn, nhưng thời gian xảy ra động đất gần như không thể dự báo sớm.
Theo quy định về phân loại động đất, thì động đất có độ lớn từ 7,0-7,9 là loại động đất lớn, gây hư hại nhiều hoặc tất cả các công trình xây dựng trên nhiều vùng. Vì vậy, một số công trình có thể sẽ bị sụp đổ một phần hoặc sụp đổ hoàn toàn hoặc bị hư hại nghiêm trọng.
Những trận động đất lớn cũng có thể khiến các công trình được thiết kế tốt bị hư hại; người dân cảm nhận được động đất trên những vùng rất rộng lớn.
Ở một diễn biến khác, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó giáo sư - Tiến sĩ Cao Đình Triều - Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam) cũng từng cho rằng bên cạnh các dư chấn động đất từ nước ngoài, trong những năm qua, tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đã xảy ra hàng loạt trận động đất kích thích.
Trong lịch sử, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện trận động đất mạnh lên tới 6,9 tại lòng chảo Điện Biên (năm 1935). Vì thế, tác động bởi dư chấn của những trận động đất lớn xảy ra ở trong nước cũng là mối nguy cơ tiềm ẩn.
Từ thực tế trên, ông Triều cho rằng thời gian tới, Việt Nam cần để ý hơn tới câu chuyện kháng chấn đối với các công trình xây dựng, nhất là đối với công trình dân sinh (như chung cư cao tầng,…) để đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra, ảnh hưởng tới người dân./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-nhan-dinh-muc-do-anh-huong-boi-cac-tran-dong-dat-lon-xay-ra-tu-xa-post1023389.vnp