Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: Hoàng Anh.
Cần xóa bỏ định kiến với doanh nghiệp tư nhân
Liệu có một định kiến vô hình đang ẩn sâu bên trong các rào cản, đã cản trở kinh tế tư nhân phát triển trước đây, thưa bà?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Từ thời phong kiến của Việt Nam, trong xã hội đã tồn tại thứ bậc: 'sĩ – nông – công – thương'. Trong đó, doanh nghiệp, thương nhân đứng cuối trong bốn tầng lớp của xã hội.
Thời xưa, dân ta luôn sợ đói, nên tâm niệm “có thực mới vực được đạo” và “hết gạo chạy rông - nhất nông nhì sĩ”.
Khi xã hội đã quan niệm như vậy từ xa xưa, dĩ nhiên nó sẽ kéo theo những ảnh hưởng lâu dài đến hiện tại.
Nhìn vào lịch sử, có thể thấy, sau thời đại phong kiến là thực dân, rồi đến chiến tranh bảo vệ đất nước, chỉ vài chục năm gần đây chúng ta mới thực sự có hòa bình. Nhưng từ khi thống nhất, đất nước lại chuyển sang cơ chế kế hoạch hóa tập trung, phải đến Đổi mới năm 1986 mới thực sự có sự chuyển biến – bắt đầu công nhận nền kinh tế nhiều thành phần.
Tuy vậy, cũng phải mất 5 năm nữa mới ra được Luật Doanh nghiệp tư nhân đầu tiên vào năm 1990 – 1991. Nhưng ngay cả lúc đó, luật vẫn quy định rằng, doanh nghiệp chỉ được làm những gì nhà nước cho phép. Chưa có quyền tự do kinh doanh. Phải đến Luật Doanh nghiệp 1999 quy định mới thay đổi, trao cho người dân quyền tự do kinh doanh.
Thực ra, ngay trong Hiến pháp năm 1946 đã có quy định trao quyền tự do kinh doanh cho người dân. Nhưng phải mất hơn nửa thế kỷ, đi qua nhiều giai đoạn lịch sử, điều này mới thực sự được thực hiện.
Từ Luật Doanh nghiệp 1999, đất nước đã có những bước cải cách quan trọng về kinh tế tư nhân, nhưng con đường cải cách vẫn gập ghềnh, nhiều trắc trở. Ví dụ như các đợt rà soát, bãi bỏ các giấy phép con khi thi hành Luật Doanh nghiệp 1999, thế nhưng, chỉ được vài năm, các thủ tục lại nảy nở trở lại.
Đến cuối năm ngoái, Chính phủ rà soát thì phát hiện có tới 15.802 điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Điều đó cho thấy, định kiến chỉ là một phần cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, nhưng không phải tất cả.
Thực tế thì hầu hết gia đình, kể cả những người làm công chức, cũng đều có người thân làm kinh doanh. Họ hiểu được vai trò và khó khăn của doanh nghiệp. Nếu định kiến thật sự sâu sắc thì người ta đã không cho con em mình đi làm kinh tế.
Và nếu thực sự còn định kiến, người ta đã tẩy chay từ cả việc mua hàng hóa sản xuất trong nước rồi. Nhưng không, doanh nghiệp tư nhân vẫn đang vận hành, sản xuất, kinh doanh đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng, hàng tiêu dùng trong nước và tham gia ngày càng nhiều vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn” thành công trong suốt 20 năm qua là một ví dụ. Cùng với đó là biết bao chương trình, giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp khác nữa.
Trong hoạt động xuất khẩu của nước ta, doanh nghiệp tư nhân Việt cũng đã cạnh tranh rất tốt bên cạnh FDI trên các thị trường quốc tế, đặc biệt trên các lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp nhẹ, thủ công và nông lâm thủy sản hay dịch vụ du lịch, xây dựng, và những năm gần đây cả các sản phẩm công nghệ cao.
Vậy còn nguyên nhân nào khác đã kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thưa bà?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Xin nói thẳng, lâu nay tôi vẫn cảm nhận có sự e ngại nào đó từ cấp cao nhất. Bất đẳng thức “doanh nghiệp nhà nước>FDI>tư nhân trong nước” vẫn dai dẳng thể hiện trong cách xử sự với doanh nghiệp ở mọi ngành, mọi cấp, rõ nhất trong việc phân bổ các nguồn lực, quyền kinh doanh và môi trường cạnh tranh.
Và khi có sự e ngại đó ở trên thì cấp dưới lại càng biến tướng. Họ vừa phân biệt đối xử với tư nhân, vừa che giấu những gì khu vực tư nhân làm được. Sự tuân thủ và trung thành tuyệt đối với 'tinh thần chỉ đạo', lắm khi lại biến thành sự kìm hãm.
Mặt khác, một nguyên nhân sâu xa khác là câu chuyện về lợi ích. Người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng vốn có văn hóa “trả ơn”, đó là một tập quán đẹp. Nhưng khi nó bị đẩy đi quá xa, trở thành đòi hỏi, xin - cho, thì lại sinh ra nạn tham nhũng.
Và khi tham nhũng đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đến mức phải có sự chỉ đạo trực tiếp, mạnh mẽ từ cơ quan cao nhất của Đảng để chống lại, thì thực sự là một vấn nạn, hay còn gọi là “quốc nạn”.
Nó lấn át tất cả những điều tốt đẹp khác, gây khó khăn, đòi hỏi, tước đoạt tài sản của doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Điều này không chỉ với doanh nghiệp trong nước. Ngay cả với các nhà đầu tư nước ngoài cũng tồn tại nhưng hạn chế hơn, và thường ẩn sau các công ty trung gian – tư vấn, dịch vụ – để làm những công việc cần “bôi trơn” khi thực hiện các thủ tục pháp lý, đầu tư.
Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế rất lớn so với doanh nghiệp trong nước. Họ có quyền khởi kiện nếu cơ quan quản lý làm sai. Còn doanh nghiệp trong nước, trên lý thuyết cũng được kiện, nhưng ai cũng hiểu rằng 'con kiến kiện củ khoai'. Có thể thắng, nhưng sau đó doanh nghiệp có thể bị trả đũa một cách tinh vi và khắc nghiệt hơn rất nhiều.
Khâu khó khất của "điểm nghẽn thể chế" đang dần được gỡ bỏ
Với những rào cản như thế, điều gì khiến bà tin rằng, trong lần cải cách thể chế lần này, Đảng, Chính phủ sẽ thực sự tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, mở đường cho tư nhân phát triển?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Có thể thấy rằng những định hướng và thay đổi gần đây là rất đáng mừng. Kể từ khi Tổng Bí thư đưa ra tuyên bố rằng thể chế là "điểm nghẽn của các điểm nghẽn", chúng ta đã chứng kiến một loạt phát biểu và hành động cụ thể.
Các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị như Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã lần lượt ra đời. Tới đây sẽ có nghị quyết về giáo dục và y tế nữa. Tất cả đang cho thấy một hướng đi cải cách hết sức mạnh mẽ và toàn diện, đồng bộ, nhất quán.
Trong đó, điều thuyết phục tôi nhất là việc đầu tiên Tổng Bí thư thực hiện là bắt tay ngay vào cải cách bộ máy. Đây là khâu khó nhất trong tất cả các khâu. Ban hành nghị quyết về khoa học – công nghệ hay phát triển doanh nghiệp tư nhân thì không quá khó. Nhưng đụng đến bộ máy, chính là đụng đến cấu trúc quyền lực, đến lợi ích, đến con người trong cỗ máy quyền lực các cấp thì đó thực sự là thách thức lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, đây cũng là điều bắt buộc phải làm bằng được. Vì nếu muốn tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chắc chắn không thể để chính những cỗ máy đã dựng lên thể chế cũ đứng ra tháo gỡ và xây cái mới.
Thể chế cũ là sản phẩm của tư duy, nhận thức và lợi ích của không ít người trong cỗ máy đó. Yêu cầu họ phá bỏ cái cũ đã là khó, huống hồ là xây cái mới, một mô hình khác biệt rất xa với tư duy, lợi ích của họ và những cung cách họ từng quen thuộc.
Nói thẳng ra, cải cách bộ máy chính là động chạm đến quyền lợi của nhiều người đang được hưởng từ thể chế hiện hành. Điều này ai cũng nhìn thấy, và Tổng Bí thư cũng nhìn thấy. Nếu không giải quyết khâu này thì sẽ rất khó để thực hiện các bước tiếp theo.
Trong việc cải cách này, có hai phần quan trọng nhất là tổ chức và con người. Về tổ chức, nếu không tinh gọn bộ máy, vẫn để tồn tại một hệ thống cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo về quyền hạn nhưng thiếu rõ ràng về trách nhiệm, “ai cũng có quyền nhưng không ai có trách nhiệm”, thì mọi đổi mới sẽ chỉ là hình thức.
Cùng với đó, chức năng và nhiệm vụ của từng cơ quan cũng cần quy định rõ dựa trên nguyên tắc “mỗi việc chỉ giao cho một người” để thực thi một cách hiệu quả, đề cao trách nhiệm giải trình.
Thứ hai là về nhân sự. Việc lựa chọn, sắp xếp lại con người trong bộ máy, cả những người cũ và những người mới, để phù hợp với tinh thần và yêu cầu cải cách cũng là một bước vô cùng quan trọng mà không ít khó khăn.
Vậy mà, tất cả những bước này đang được tiến hành cùng một lúc, từ cấp cao nhất: Trung ương, tổ chức nội bộ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành cho đến địa phương.
Bởi nếu chỉ thay đổi ở Trung ương mà không thay đổi được ở địa phương thì cũng dễ bị vô hiệu hóa. Cấp dưới, sát với dân nhất mà chưa theo được tinh thần mới, chưa được tổ chức lại để vận hành theo hướng mới, thì sẽ trở thành lực cản.
Con người bao giờ cũng là nhân tố quan trọng nhất ở bất cứ xã hội nào, tổ chức nào. Trong bộ máy nhà nước các cấp, nhân tố con người càng quan trọng hơn, vì sẽ quyết định vận mệnh của cả một quốc gia, một dân tộc.
Đất nước đi vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, cần có những con người với tư duy mới, nhận thức mới về thời cuộc, về những thay đổi vô tiền khoáng hậu trong thế giới ngày nay, kể cả so với khi nước ta bắt đầu Đổi mới cách đây gần 40 năm hay khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cách đây gần 20 năm. Từ đó để hiểu nước ta đang ở đâu, đang đứng trước những vận hội, thách thức gì và cần phài làm gì, làm như thế nào để vươn lên thật mạnh, thật hiệu quả trong những năm tới.
Rất may là chúng ta đã hành động rất nhanh, gọn và đồng bộ.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, Chính phủ, Quốc hội trong lần cải cách này là điểm đặc biệt. Những gì cần làm ngay thì Chính phủ, Quốc hội làm ngay, rất nhanh chóng, quyết liệt, để các Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống. Đó là điều rất quý.
Bà có khuyến nghị để Nghị quyết 68 thực sự phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tinh thần của Nghị quyết 68 là rất đáng mừng. Điều chờ đợi hiện nay là phải luật hóa những quy định này vào trong hệ thống pháp luật. Làm sao để đặt ra một nguyên tắc cao nhất – rằng luật, nghị định, thông tư ban hành ra chỉ được đưa ra những quy định thuận lợi hơn so với tinh thần của nghị quyết này. Tuyệt đối không được trói lại, không được “rơi vãi” đi, không được gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước đó, đã từng có nhiều nghị quyết được ban hành, nhưng sau đó, các bộ, ngành thường dùng rất nhiều tiểu xảo ở luật và văn bản dưới luật để gây khó cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vốn rất sợ các nghị định, thông tư, vì đó là nơi cài cắm nhiều nhất các quy định bất hợp lý, hoặc do lợi ích, hoặc do tư duy cũ kỹ của một số cơ quan, đơn vị.
Nghị quyết đã khẳng định “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất” với rất nhiều định hướng, nội dung cụ thể. Chính vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần phải có các quy định nêu rõ các chính sách, ràng buộc về pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các bên, các đối tượng liên quan một cách minh bạch, nhất quán, đồng bộ, khả thi, có trách nhiệm giải trình rõ ràng.
Làm sao để không còn có thể lách, không thể quy định và thực thi khác với tinh thần của nghị quyết. Và cũng cần lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, của nhân dân trong quá trình soạn thảo, ban hành và nhất là thực thi các văn bản pháp quy, trên tinh thần phát huy sức mạnh, ý chí và sự đồng tâm nhất trí của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, của toàn dân trong việc thực thi các nghị quyết quan trọng nói trên của Đảng.
Trên tinh thần đó, tôi rất tin tưởng chúng ra sẽ có những thay đổi thực sự mạnh mẽ, mang tính bước ngoặt đối với phát triển kinh tế tư nhân và tăng trưởng kinh tế ở nước ta trong những năm tới.
Xin cảm ơn bà!
Phương Linh