Động thái này sẽ giúp quy trình thẩm định chuỗi cung ứng chống phá rừng đơn giản hơn, giảm gánh nặng hành chính, chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và nhà nhập khẩu ở châu Âu đối với bảy mặt hàng chính gồm ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gia súc (bò) và gỗ.
Một khu vực rừng bị phá để lấy đất sản xuất nông nghiệp ở Humaitá, bang Amazonas, Brazil. EU phân loại Brazil có rủi ro phá rừng ở mức tiêu chuẩn cùng với Malaysia và Indonesia. Ảnh: Getty Images
Hôm 22-5, EC chính thức công bố bảng xếp hạng rủi ro chống phá rừng đối với các đối tác thương mại nhằm thực hiện Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). Quy định này yêu cầu các bên liên quan phải phải chứng minh bảy mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu vào EU gồm dầu cọ, đầu nành, gỗ, ca cao, cà phê, gia súc (bò) và cao su không được sản xuất từ đất rừng bị phá sau năm 2020. Quy định có hiệu lực đối với doanh nghiệp lớn vào cuối năm 2025 và doanh nghiệp nhỏ kể từ tháng 6-2026.
Tổng cộng có 140 quốc gia được xếp loại rủi ro phá rừng thấp, bao gồm tất cả các quốc gia thành viên EU. Việt Nam cũng nằm trong danh sách này.
Khoảng 50 quốc gia bao gồm Indonesia và Malaysia, hai nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu, cũng như Brazil, nhà sản xuất đậu nành và thịt bò lớn, được phân loại rủi ro phá rừng ở mức tiêu chuẩn (trung bình).
Chỉ có bốn quốc gia được đánh giá có rủi ro phá rừng cao gồm Belarus, CHDCND Triều Tiên, Myanmar và Nga. Theo Global Forest Watch, từ năm 2020 đến năm 2024, Nga đã mất 5,59 triệu hecta rừng tự nhiên. Theo tổ chức phi chính phủ Earthsight, các quốc gia này chỉ chiếm 0,07% lượng hàng hóa nhập khẩu vào EU có liên quan đến EUDR.
Phân loại rủi ro phá rừng có thể thay đổi và đợt đánh giá lại theo định kỳ được EC lên lịch vào năm 2026.
Việc một quốc gia được phân loại là rủi ro cao, tiêu chuẩn hay thấp về phá rừng có thể ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định tìm nguồn cung ứng hàng hóa của châu Âu.
Các quốc gia được xếp hạng rủi ro phá rừng thấp sẽ được hưởng quy trình thẩm định chuỗi cung ứng đơn giản hơn, giảm gánh nặng hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, tỷ lệ kiểm tra hàng năm đối với số doanh nghiệp đưa bảy mặt hàng trên vào EU chỉ là 1%, giúp giảm thời gian và chi phí xuất khẩu. Tỷ lệ này sẽ tăng lên lần lượt 3% và 9% đối với các quốc gia có rủi ro phá rừng tiêu chuẩn và cao. Riêng đối với các quốc gia có rủi ro cao, nhà chức trách cũng sẽ kiểm tra 9% lượng hàng của mỗi sản phẩm liên quan.
Do đó, với nhà nhập khẩu của EU, việc tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia có rủi ro phá rừng thấp sẽ đơn giản hơn nhiều so với các quốc gia có rủi ro cao.
Theo EC, việc phân loại rủi ro phá rừng sẽ khuyến khích các quốc gia cải thiện tính bền vững của hệ thống sản xuất nông nghiệp và giảm thiểu tác động phá rừng.
Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOC) chỉ trích mạnh mẽ quyết định của EU xếp Malaysia vào nhóm quốc gia có rủi ro tiêu chuẩn, gọi động thái này là không hợp lý và gây bất lợi cho hợp tác toàn cầu về tính bền vững.
MPOC bày tỏ sự thất vọng về cách phân loại của EC, đặc biệt là khi một số quốc gia thành viên EU có hồ sơ yếu kém về bảo tồn rừng được phân loại rủi ro thấp về phá rừng
Dato' Carl Bek-Nielsen, Chủ tịch MPOC nhấn mạnh sự không nhất quán trong cách tiếp cận của EC.
“Các công ty dầu cọ và hộ nông dân nhỏ của Malaysia đã có những bước tiến đáng kể trong việc giảm thiểu tình trạng mất rừng và suy thoái rừng nguyên sinh, đặc biệt là thông qua chương trình chứng nhận Dầu cọ bền vững Malaysia (MSPO) được triển khai từ năm 2020”, ông nói.
Tổ chức môi trường Mighty Earth mô tả bảng phân loại rủi ro phá rừng của EC là “một trò hề”, lập luận rằng nhiều quốc gia có mức độ phá rừng tồi tệ nhất đã không bị đưa ra danh sách quốc gia có rủi ro cao.
Tổ chức này phản đối việc xếp hạng rủi ro thấp dành cho Canada, Ghana, Papua New Guinea và Romania vì bỏ qua bằng chứng về nạn phá rừng, suy thoái rừng liên quan đến các hàng hóa mà EU nhập khẩu từ các quốc gia đó.
“Danh sách rủi ro phá rừng được công bố hôm nay cho thấy rằng EC phân loại dựa trên sự thiên vị và mặc cả chính trị”, Julian Oram, giám đốc chính sách của Mighty Earth nói.
Food Navigator, Business Today
Khánh Lan