Chuyên gia Việt khắp thế giới tiết lộ bí quyết để TPHCM 'kéo' nhân tài về nước

Chuyên gia Việt khắp thế giới tiết lộ bí quyết để TPHCM 'kéo' nhân tài về nước
3 giờ trướcBài gốc
Lời tòa soạn:
Sau 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, TPHCM đã chuyển mình, trở thành trung tâm kinh tế năng động bậc nhất cả nước. Nơi đây, dòng chảy đổi mới không ngừng len lỏi vào từng lĩnh vực - từ hạ tầng, công nghệ cho đến cách người dân sống, làm việc và kết nối với thế giới.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng cũng kéo theo những bài toán không dễ giải: áp lực dân số, hạ tầng quá tải, biến đổi khí hậu, khoảng cách phát triển giữa nội thành và vùng ven…
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang triển khai nhiều quyết sách lớn để tạo thế và lực mới cho đất nước, TPHCM - với vai trò là đầu tàu - cũng cần nhanh chóng "giải” những bài toán của riêng mình với một tầm nhìn dài hạn, bao quát và thực tiễn.
VietNamNet giới thiệu loạt bài “TPHCM: Tháo gỡ những điểm nghẽn để vươn mình trong tương lai”. Đây là tập hợp các đề xuất và tư vấn chiến lược từ các chuyên gia làm việc lâu năm ở các quốc gia phát triển, có góc nhìn toàn cầu nhưng luôn đau đáu với tương lai của thành phố. Tất cả đều chung một mong muốn: TPHCM sẽ trở thành một đô thị thông minh, đáng sống, hài hòa với thiên nhiên, mang bản sắc riêng trong dòng chảy toàn cầu hóa.
Bài 1: TPHCM: Nửa thế kỷ phát triển quá nhanh và những 'vết thương' cần 'chữa lành'
Bài 2: Chuyên gia tập đoàn đa quốc gia hiến kế định vị thương hiệu cho TPHCM
Bài 3: Để TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế hội tụ giới siêu giàu như Dubai
Bài 4: Đã đến lúc TPHCM khai thác ‘mỏ vàng’ sông Sài Gòn bằng các đại lộ, metro ven sông
Năm 1965, GDP trên đầu người của Hàn Quốc là 106 USD. Thời điểm đó, Việt Nam cũng có GDP đầu người tương đương Hàn Quốc, thậm chí có thể còn nhỉnh hơn.
Đến năm 2022, Việt Nam đạt GDP đầu người 4.116 USD, trong khi con số này ở Hàn Quốc đã là 32.394 USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng để có bước phát triển vượt bậc ấy, Hàn Quốc đã thực sự rất nghiêm túc với bài toán thu hút nhân tài về nước, đặc biệt để phát triển các ngành như bán dẫn, điện tử… từ cách đây 40 năm.
Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng với vai trò là “đầu tàu” kinh tế của cả nước nên làm gì để giải bài toán này trong những năm tới, đặc biệt khi thành phố sẽ được mở rộng cả về quy mô, dân số và không gian kinh tế?
VietNamNet trò chuyện với các chuyên gia của tổ chức AVSE - những người làm việc nhiều năm ở các quốc gia trên thế giới - để nghe chia sẻ những e ngại, rào cản cũng như mong muốn của họ về câu chuyện quen thuộc - trở về để cống hiến.
TS Huỳnh Đạt Vũ Khoa: Lời mời phải đi cùng với tầm nhìn dài hạn
Sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa TPHCM, TS Huỳnh Đạt Vũ Khoa ra nước ngoài học tập và làm việc đến nay đã 25 năm. Hiện tại, ông làm việc tại Viện Địa kỹ thuật Na Uy, chuyên ngành ổn định công trình, thường xuyên làm các dự án về năng lượng (điện gió, dầu khí…). Là một người con của Sài Gòn, ông Khoa sinh ra, lớn lên và học tập ở quê nhà suốt 23 năm đầu đời, nhưng thời gian này chưa dài bằng quãng thời gian ông học tập và sinh sống ở nước ngoài tính tới nay.
TS Khoa cho biết từng nhận được lời mời về Việt Nam làm việc, thậm chí là cơ hội lớn trong lĩnh vực năng lượng biển và năng lượng tái tạo. Nhưng sau khi cân nhắc, hiện tại, ông vẫn ở Na Uy.
TS Huỳnh Đạt Vũ Khoa đang làm việc tại Viện Địa kỹ thuật Na Uy. Ảnh: NVCC
Với vị tiến sĩ này, để thu hút người giỏi trở về nước làm việc cần có 4 yếu tố.
"Thứ nhất, chúng ta cần có một môi trường làm việc chuyên nghiệp, cạnh tranh và có sự đổi mới sáng tạo. Nhân tài người Việt làm việc trong môi trường công nghệ cao, tài chính, công nghệ… rất nhiều. Họ cần một hệ sinh thái có thể tích hợp sự đổi mới để phát huy năng lực của mình.
Sau khi mở rộng, TPHCM sẽ có những khu công nghệ cao, khu khởi nghiệp của một siêu đô thị, sẽ phát triển các ngành năng lượng, logistics… Đó chính là những yếu tố mà thành phố có thể tận dụng để thu hút, xây dựng môi trường làm việc lý tưởng cho người tài.
Thứ hai, một yếu tố khá quan trọng khi trở về là "được trao quyền". Họ phải được tham gia những dự án mà họ mong muốn hỗ trợ và có tiếng nói trong quá trình tham gia. Đây là một việc không dễ làm. Môi trường làm việc ở các nước châu Âu mà tôi từng trải nghiệm làm rất tốt việc này.
Yếu tố thứ 3 là chất lượng cuộc sống, cụ thể là một môi trường sống sạch, an toàn, đủ tiện nghi tối thiểu, mức ô nhiễm trong giới hạn (nếu có)…
Cuối cùng là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các thủ tục về mặt pháp lý, hành chính. Tốt nhất là hạn chế tối đa những cản trở về mặt thủ tục hành chính” - ông Khoa cho hay.
Vị tiến sĩ cho rằng nhiều người hay nhắc đến đãi ngộ, lương bổng trong chuyện thu hút nhân tài về nước. Nhưng theo ông, đó là vấn đề quan trọng nhưng không phải điều kiện tiên quyết.
Đãi ngộ với ông không chỉ là sự hạn hẹp về con số mà còn rộng lớn hơn: là cơ hội phát triển sự nghiệp, tiếp cận những dự án quan trọng, có ảnh hưởng lớn mà mình kỳ vọng.
"Quan trọng nhất, khi các đơn vị trong nước gửi lời mời trở về hãy nghĩ đến bài toán dài hạn, nhất là với những người đã có gia đình, cuộc sống tương đối ổn định ở nước ngoài.
Tương lai lâu dài của công việc đó, vị trí đó sẽ ảnh hưởng tới quyết định của họ. Họ muốn thấy được cam kết rõ ràng từ phía chính quyền và doanh nghiệp về cách sử dụng nhân lực để giải quyết những bài toán lớn theo kỳ vọng của họ, thay vì chỉ là những lời mời mang tính hình thức, ngắn hạn vài năm” - ông Khoa nhấn mạnh.
TS Đinh Thanh Hương: Tôn trọng cái tôi của người tài
TS Đinh Thanh Hương là Giám đốc điều hành Tri thức và Dự án của tổ chức AVSE Global. Bà cho rằng bài toán thu hút nhân tài của TPHCM cũng là bài toán của quốc gia. Những trăn trở của quốc gia cũng là những trăn trở của thành phố. Những chính sách lớn của quốc gia cũng là những chính sách lớn mà TPHCM cần.
Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng là một sự kiện do tổ chức AVSE khởi xướng và phát triển. Ảnh: AVSE
Về chuyện đãi ngộ, bà Hương cho rằng có thể phân ra những nhóm khác nhau. Bà biết có những nhà khoa học bậc cao thực sự không cần phải lo lắng về tài chính khi trở về, thậm chí họ có thể mang theo rất nhiều tiền về.
Nhưng có những người trẻ hơn vẫn đang trong giai đoạn phát triển của sự nghiệp. Họ cần được trả một mức tài chính nhất định.
Vì vậy, theo TS Hương, ngoài những yếu tố mà TS Huỳnh Đạt Vũ Khoa đã đề cập ở trên, hãy thử “kéo nhân tài trở về bằng lòng tự tôn dân tộc, bằng lòng yêu nước”. Đó là cách mà nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Israel đã áp dụng thành công.
TS Đinh Thanh Hương cho rằng việc "tôn trọng cái tôi của chuyên gia" là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân người tài ở lại. Ảnh: Đại học Đà Nẵng
Nữ tiến sĩ cũng đặc biệt lưu ý tới việc “tôn trọng cái tôi của các chuyên gia”.
Cái tôi, theo bà, có thể hiểu ở 3 khía cạnh.
"Thứ nhất, có những nhà khoa học đưa ra những ý tưởng rất mới, chưa ai từng nghe và chưa ai 'cảm' được. Vậy, trước tiên, phải cho họ một cơ chế để thử sức. Ý kiến của họ cần được tôn trọng ngay cả khi chưa ai hình dung ra. Họ cần có một hành lang để tiếp tục phát triển lên. Cái tôi của họ là cái tôi về ý tưởng.
Thứ hai, chúng ta hay nói về văn hóa doanh nghiệp. Ở Việt Nam là phải có những cách quan hệ nhất định, nếu không thì sẽ rất khó phát triển bình thường… Chúng ta hay nói thế nhưng trên thực tế, Việt Nam đang thay đổi rất nhiều.
Với những người ở nước ngoài trở về, đôi khi họ có những tính cách khác biệt. Họ không nắm hết được những quy tắc và cách ứng xử theo kiểu của người Việt.
Có thể họ sinh ra, lớn lên ở Việt Nam nhưng sau khi sống ở nước ngoài nhiều năm thì không còn quen nữa mà có những suy nghĩ, hành xử mang hơi hướng quốc tế. Vậy nên, thay vì đánh giá những khác biệt ấy, chúng ta hãy cởi mở với họ, miễn là cùng chung một mục tiêu phát triển” - bà Hương phân tích.
“Cái tôi” thứ ba mà TS. Hương muốn nói đến chính là ghi nhận sự đóng góp ở mức độ cá nhân.
“Đúng là chúng ta làm việc dựa trên trí tuệ tập thể. Có những công trình sau này sẽ trở thành tài sản của Nhà nước hoặc một cơ quan nào đó, nhưng việc vinh danh cá nhân một cách cởi mở, ghi nhận đóng góp và công sức chính là cách thể hiện và nâng cái tôi của các nhà khoa học và chuyên gia bậc cao” - bà góp ý.
Bà Trần Tuệ Tri: Nhân tài về nước cũng cần ‘uyển chuyển’
Bà Trần Tuệ Tri là đồng sáng lập, cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose. Bà cũng là một trong những nhân sự Việt Nam từng đảm nhận nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Samsung, P&G... Sau 15 năm sống và làm việc ở Philippines, Thái Lan, Singapore, bà trở về Việt Nam với nhiều trải nghiệm và đầy tâm huyết.
"Người trở về cũng cần linh hoạt, uyển chuyển và có tinh thần hòa nhập" - bà Tri nói. Ảnh: NVCC
Theo bà Tri, thu hút nhân tài trở về là bài toán không đơn giản. Dù TPHCM từng triển khai nhiều chương trình thu hút nhưng hiệu quả không cao.
"Lương bổng là vấn đề, nhưng không phải tất cả. Vấn đề nằm ở việc hòa nhập văn hóa" - bà nhấn mạnh.
Lấy Trung Quốc làm ví dụ, bà Tri cho biết chương trình thu hút 1.000 nhân tài cách đây 3 thập kỷ đã đặt nền móng cho sự trỗi dậy của quốc gia này trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ. Họ không chỉ thu hút được người Trung Quốc ở Mỹ, ở châu Âu trở về mà còn cả người nước ngoài sang làm việc.
Điểm đặc biệt trong cách tiếp cận của Trung Quốc là sự linh hoạt: nhân tài không nhất thiết phải về ngay, đặc biệt là các giáo sư, mà có thể tham gia theo dạng dự án ngắn hạn. Việc này giúp nhân tài vừa duy trì công việc ở nơi đang sinh sống vừa đóng góp cho đất nước.
"Ban đầu nên làm theo dự án để xem mình có phù hợp không, có hòa nhập được không, điều đó quan trọng hơn nhiều so với việc bắt buộc trở về hẳn" - bà nói.
Bà Tri cũng đề xuất việc khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia thu hút nhân tài thay vì chỉ dừng ở khu vực công.
"Kinh tế tư nhân nên có chính sách mới mẻ, tích cực hơn để kêu gọi nhân tài" - bà Tri lưu ý.
Bà đồng thời cảnh báo về tâm lý sai lệch khi đánh đồng giá trị nhân tài: "Không phải ai từ nước ngoài về cũng giỏi. Vấn đề là họ học gì, làm được gì. Nếu không rõ ràng vấn đề này, sẽ sinh ra sự bất công như nhân sự trong nước cống hiến nhiều nhưng lương thấp hơn người từ nước ngoài về.
Ngược lại, người trở về cũng cần linh hoạt, uyển chuyển và có tinh thần hòa nhập. Đừng mang y nguyên cách làm việc ở nơi khác về Việt Nam. Hãy lựa chọn những điều hay, phù hợp với văn hóa Việt Nam để đóng góp chứ không phải để trở về với tâm lý để được ngưỡng mộ".
"Tôi từ Singapore về Việt Nam, thấy rõ nhiều khác biệt. Nhưng tôi phải xác định cái nào hay thì giữ, cái nào phù hợp thì mang vào chứ không thể đòi hỏi môi trường trong nước phải giống bên kia, và không mang y nguyên cách làm việc của bên kia về nước.
Mình phải bắt đầu bằng việc nhìn ra cái hay của Việt Nam, sau đó đem cái hay của mình vào để làm cho tổ chức tốt hơn. Đừng nghĩ rằng Việt Nam là dở hết, chỉ có bên kia là hay. Điều đó hoàn toàn không đúng.
Khi làm như vậy, những người bên trong cũng cảm thấy rằng mình đang thấu hiểu, và mình vào đây là để tạo ra giá trị chứ không phải để chứng tỏ điều gì. Mục đích sau cùng là cùng nhau tạo ra giá trị” - bà chia sẻ.
Ngược lại, theo bà Tri, người ở bên trong cũng phải hiểu lý do tại sao những người kia lại ở đây và xác định tinh thần học hỏi, mở lòng ra để học hỏi chứ đừng đóng lại.
“Điều đó rất quan trọng và là vấn đề của quản trị nhân sự, văn hóa doanh nghiệp” - bà Tri khẳng định.
Chất lượng con người là yếu tố cốt lõi của tăng trưởng bền vững. TPHCM sở hữu Đại học Quốc gia TPHCM, hơn 100 trường cao đẳng và đại học, các trường quốc tế uy tín, các khu công nghệ cao, bệnh viện tuyến đầu, và nguồn nhân lực dồi dào.
Thành phố cần xây dựng các "thành phố tri thức" (Knowledge City) như One North của Singapore, Oxford City (Anh Quốc). Đây là mô hình kết hợp đại học, chính quyền, doanh nghiệp, startup, và người dân (có trình độ cao), tạo thành các Innovation Hub.
Việc đào tạo, thu hút, giữ chân nhân tài diễn ra trong môi trường đại học gắn với thị trường, thành phố, và cộng đồng. Với thế mạnh hiện nay, TPHCM có thể thiết lập “University City” (khu đô thị đại học - khoa học - sáng tạo) và “Medical Village” (Làng Y - du lịch chữa bệnh quốc tế) là những trụ cột trong không gian tri thức.
TS Bùi Mẫn, kỹ sư cao cấp, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services, Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất)
Nguyễn Thảo
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chuyen-gia-viet-khap-the-gioi-tiet-lo-bi-quyet-de-tphcm-keo-nhan-tai-ve-nuoc-2390263.html