Khởi nghiệp: 'Sân chơi' không chỉ của người trẻ

Khởi nghiệp: 'Sân chơi' không chỉ của người trẻ
11 giờ trướcBài gốc
Ông Hoàng Chuẩn bên máy rang hạt điều bằng củi do ông sáng chế. Ảnh: NVCC
Khác với hình dung của nhiều người rằng khởi nghiệp (startup) chỉ dành cho những người trẻ tuổi, trên thực tế, có những startup được sáng lập bởi những người ngoài 60, nhưng họ vẫn luôn toát lên nét linh hoạt, khỏe khoắn, tràn đầy nhựa sống và quyết liệt, bền bỉ trong công việc.
Truyền cảm hứng cho người trẻ
Ở tuổi ngoài 60, ông Hoàng Chuẩn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất Hoàng Phú vẫn kiên trì với hạt điều Bình Phước rang củi. Theo ông Chuẩn, với lợi thế có nguồn nguyên liệu từ vùng Lộc Ninh, Bình Phước, nơi sinh sống của đồng bào S’Tiêng và Khmer, công ty đã lựa chọn một hướng đi riêng, nhằm sản xuất hạt điều chế biến đảm bảo chất lượng, thơm ngon và hàm lượng dinh dưỡng cao. Ông chỉ thu mua hạt điều thuần chủng từ nông dân địa phương, chứ không nhập khẩu hạt điều nguyên liệu từ bất kỳ nơi đâu.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định, ông Chuẩn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra với các nông dân trồng điều, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
“Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phát triển tốt nhờ kinh doanh điều nguyên liệu nhập từ nước ngoài, chế biến và tái xuất khẩu, nhưng Hoàng Phú vẫn luôn kiên định với hướng đi của mình, không sử dụng nguyên liệu điều nước ngoài để chế biến. Có những năm vào dịp giáp Tết, nguyên liệu (hạt điều Bình Phước) trở nên khan hiếm. Khi không còn nguyên liệu, Hoàng Phú chấp nhận dừng sản xuất chứ không sử dụng nguyên liệu nước ngoài”, ông Chuẩn chia sẻ.
Theo ông Chuẩn, hạt điều nhập từ các quốc gia khác khi rang không có mùi thơm, vị béo như hạt điều Bình Phước. “Người tiêu dùng rất nhạy cảm. Chỉ cần một lần họ nhận ra hương vị khác, là rất khó thuyết phục họ quay trở lại mua sản phẩm của mình. Vì vậy, doanh nghiệp phải luôn tôn trọng người tiêu dùng và giữ chữ tín của mình”, ông nói.
Nhà sáng chế Nguyễn Văn Khỏe (tỉnh Đồng Nai), người từng có 4 bằng sáng chế, cũng đã xuất hiện trở lại sân chơi khởi nghiệp với kế hoạch mở thêm công ty chuyên sản xuất và kinh doanh thiết bị bẫy muỗi.
Theo ông Khỏe, ở tuổi ngoài 60, câu chuyện tuổi tác - thường gắn liền với “kinh nghiệm” - không giúp ích nhiều trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Lý do, sau nhiều năm dấn thân vào con đường khởi nghiệp, những vấp váp mà ông Khỏe gặp phải không hề ít hơn các startup trẻ tuổi.
“Tôi không còn đặt nặng chuyện được - mất của bản thân hay mục tiêu tài chính mà muốn cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội”, ông Khỏe chia sẻ.
Theo ông Khỏe, sau khi ra mắt bản dùng thử của máy bẫy muỗi trước Tết Nguyên đán 2025, ông đã cải thiện mẫu mã sản phẩm và quyết định thương mại hóa sản phẩm sau ngày 30/4 tới.
“Bản dùng thử trước đây không có phần tạo vùng tối để thu hút muỗi. Sau khi nhận phản hồi từ khách hàng, tôi đã cải tiến ở phiên bản thương mại này với phần phễu tạo vùng tối thu hút muỗi tốt hơn”, ông Khỏe cho biết thêm.
Ông Đinh Doãn Phi Hải - Giám đốc Công ty TNHH Vật tư thiết bị y tế POLARIS (TPHCM) trở thành một doanh nhân hiếm hoi khi khởi sự mảng kinh doanh mới lúc đã U70.
Có một thời, ông Hải được biết đến với danh xưng “vua đồ lót” khi sở hữu thương hiệu vượt qua nhiều đối thủ trên thị trường. Tuy nhiên, các thương hiệu mới trong và ngoài nước liên tục xuất hiện, chi mạnh tiền quảng cáo và dần chiếm lĩnh thị trường. Thua lỗ, ông Hải rời bỏ lĩnh vực sản xuất này.
Rồi ông được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Ngoài thuốc, ông Hải kết hợp nâng cao sức khỏe bằng cách tăng cường thể dục, đạp xe. Trải qua cơn đau xương lúc đạp xe, ý tưởng về chiếc đai bó gối xuất hiện trong đầu ông Hải. Thế là, với vốn liếng tích cóp được, ông dồn tất cả vào khởi nghiệp lần nữa.
Tìm hiểu kỹ thị trường, ông Hải nhận thấy đa phần các sản phẩm bán trên thị trường hiện nay đều có xuất xứ nước ngoài. Nếu hàng xuất xứ từ Trung Quốc, giá rất rẻ; ngược lại, nếu nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc và một số nước châu Á, giá cả lại rất cao. Từ đó, ông cần mẫn lên mạng tìm kiếm thông số kỹ thuật.
Các sản phẩm đầu tiên như bó gối, đai lưng... ra đời. Sản phẩm ban đầu chưa vừa ý, ông Hải dồn tiền tỷ để nhập máy may tự động, máy cắt bằng tia laser, bỏ qua nhiều lời can ngăn để hoàn thiện sản phẩm. Đến nay, không khó để thấy các sản phẩm do ông Hải cùng đội ngũ làm ra có mặt ở các hiệu thuốc trên cả nước và được đón nhận rất tốt.
Nhà sáng chế Nguyễn Văn Khỏe bên máy bắt muỗi do ông sáng chế. Ảnh: NVCC
Tạo dựng “nền kinh tế tóc bạc”
Những tấm gương khởi nghiệp ở tuổi 60 - 70 như các ông Hoàng Chuẩn, Nguyễn Văn Khỏe, Doãn Phi Hải… không chỉ là câu chuyện truyền cảm hứng cho những người trẻ, mà còn cho thấy tiềm năng rất lớn của “nền kinh tế tóc bạc”.
Vì vậy, để khuyến khích những người cao tuổi khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký ban hành Quyết định 379/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm”.
Đề án nêu rõ sẽ xây dựng mô hình người cao tuổi tham gia chuyển đổi số trong lao động sản xuất, quản lý, phát triển xã hội và trong các hoạt động của Hội Người cao tuổi; hỗ trợ các điều kiện để xây dựng mô hình người cao tuổi tham gia chuyển đổi xanh trong lao động sản xuất, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; hỗ trợ các điều kiện để xây dựng mô hình hộ gia đình trồng cây xanh và bảo vệ môi trường.
Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2025 - 2030 là phấn đấu 90% cán bộ, hội viên, người cao tuổi được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; phấn đấu 50% người cao tuổi thành thạo các kỹ năng số cơ bản, bao gồm: Dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng và sử dụng các nền tảng số khác tùy theo đặc thù của địa phương.
Mục tiêu cũng bao gồm việc trồng ít nhất 100 triệu cây xanh, mỗi tỉnh có ít nhất 5 mô hình của người cao tuổi về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, 3 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn. Ít nhất 1.260 người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, 500 mô hình người cao tuổi khởi nghiệp, ít nhất 100.000 người có việc làm thông qua các mô hình người cao tuổi khởi nghiệp.
Đến năm 2035, phấn đấu 100% cán bộ, hội viên, người cao tuổi được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; Phấn đấu 70% người cao tuổi thành thạo các kỹ năng số cơ bản, bao gồm: Dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng và sử dụng các nền tảng số khác tùy theo đặc thù của địa phương. Theo quyết định nêu trên, nhiều bộ, ngành cũng được yêu cầu phối hợp hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp.
Dự báo của Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê - Bộ Tài chính), đến năm 2035, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số già, với hơn 21 triệu người cao tuổi, chiếm gần 20% tổng dân số. Theo các chuyên gia, trong vòng 10 năm tới, sẽ có hàng triệu người cao tuổi có nhu cầu khởi nghiệp, dạy nghề và tìm việc làm mới. Vì vậy, nếu phát huy tốt, người cao tuổi sẽ là lực lượng lao động quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Quốc Hải
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/khoi-nghiep-san-choi-khong-chi-cua-nguoi-tre-post728427.html