Thời gian gần đây, một số tỉnh, thành trên cả nước gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm như: tay chân miệng, sởi... Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 76.000 ca nghi sởi, trong đó, có hơn 8.500 ca dương tính. Hầu hết số ca mắc sởi tăng nhanh ở các tỉnh phía Bắc. Tại khu vực phía Nam, lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 3.700 ca mắc bệnh tay chân miệng, đáng chú ý là giữa tháng 4, số ca mắc tay chân miệng tăng 35,5% so với trung bình các tháng trước đó.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát một ca nghi mắc sởi tại BVĐK TX Kỳ Anh.
Tại Hà Tĩnh, nhờ chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch nên từ đầu năm đến nay chỉ ghi nhận 3 trường hợp sốt xuất huyết vãng lai, trên 800 ca mắc sởi và gần 4.000 ca mắc cúm, không có trường hợp tử vong. Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm như: thủy đậu, tay chân miệng, quai bị, tiêu chảy... diễn ra rải rác không thành dịch.
Tuy nhiên, theo dự báo của ngành y tế, bước vào mùa hè, thời tiết nắng nóng sẽ là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus gia tăng và cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện, bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm.
Tại BVĐK tỉnh, hiện có trên 10 bệnh nhân mắc sởi đang được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm và Khoa Nhi. Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều theo quy định.
Bác sỹ Dương Văn Giáp - Phó Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh thăm khám cho một bệnh nhân bị mắc sởi.
Bác sỹ Dương Văn Giáp – Phó Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh cho biết: “Các bệnh nhân vào điều trị tại khoa được bố trí phòng cách ly riêng để tránh lây nhiễm chéo. Do phát hiện muộn nên việc điều trị cho các bệnh nhi sẽ kéo dài hơn. Chính vì vậy, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe phải đưa trẻ đến cơ sở y tế một cách kịp thời”.
Cũng theo chia sẻ từ bác sỹ Giáp, ngoài bệnh sởi thì gần đây, Khoa Nhi cũng đã tiếp nhận, điều trị một số trường hợp bị tay chân miệng. Hầu hết các bệnh nhân vào điều trị đã diễn biến rất nặng, chuyển sang độ 2B với các yếu tố nguy cơ tử vong cao, một số bệnh nhân phải lọc máu. Chính vì vậy, các ca bệnh này đã được chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Để phòng, chống hiệu quả với các nguy cơ của dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2025, đơn vị đã chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động luôn được tăng cường để sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý khi có ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều tra khi cần thiết”.
Hà Tĩnh đang đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng sởi cho trẻ em trong độ tuổi.
Được biết, từ đầu năm đến nay, CDC Hà Tĩnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ y tế dự phòng tuyến huyện. Tổ chức 2 chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi với tổng số 8.138 trẻ được tiêm. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới trong công tác phòng chống dịch bệnh; phối hợp với ngành giáo dục chỉ đạo tất cả các trường học trên địa bàn chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học...
Thời điểm từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, nguy cơ xuất hiện một số dịch bệnh truyền nhiễm là rất cao. Chính vì vậy, ngoài vai trò, sự vào cuộc của ngành y tế thì mỗi người dân cần tích cực tham gia bằng những hành động, việc làm cụ thể thiết thực, nhất là thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ em cũng như bản thân đối với những bệnh có thể phòng được bằng vắc-xin.
Cùng đó, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, rửa mũi và họng bằng nước muối mỗi ngày; thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy, lật úp các phế thải chứa nước xung quanh môi trường sinh sống.
Người dân nhất là trẻ em và người già cần được uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn chín uống sôi và vệ sinh sạch sẽ thân thể để phòng các bệnh tiêu hóa; mặc áo quần thoáng mát. Khi bản thân và người thân trong gia đình có các triệu chứng bất thường về sức khỏe, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Phúc Quang - Thanh Loan