FPT Telecom là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin tại Việt Nam, với hạ tầng rộng khắp và đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Doanh nghiệp này đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.
Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại FPT Telecom được thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là bước đi chiến lược nhằm tăng cường tiềm lực cho Bộ Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh mạng và viễn thông chuyên dùng.
Đại diện Bộ Công an và SCIC ký kết biên bản bàn giao. Ảnh: Bộ Công an
Tại buổi lễ, Thiếu tướng Phạm Trường Giang, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Tài chính (Bộ Công an) và ông Nguyễn Quốc Huy, Tổng Giám đốc SCIC đã ký biên bản bàn giao dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai bộ.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Huy đánh giá cao vai trò của FPT Telecom trong công cuộc chuyển đổi số, đồng thời khẳng định việc chuyển giao là một chính sách chiến lược nhằm bảo đảm an ninh dữ liệu và chủ quyền số quốc gia. Ông bày tỏ tin tưởng Bộ Công an sẽ tạo điều kiện để FPT Telecom tiếp tục phát triển, đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện Đề án 06 về chính phủ số và các nền tảng dữ liệu quốc gia.
Thiếu tướng Phạm Trường Giang cho biết Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ để quá trình chuyển giao diễn ra hiệu quả, đồng bộ và ổn định. Ông nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tổ chức bộ máy và chính sách để đội ngũ cán bộ, nhân viên FPT Telecom yên tâm công tác, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn mới.
Được biết, FPT Telecom ra đời cách đây hơn 28 năm, từ tháng 1/1997, khởi nguồn từ Trung tâm dịch vụ trực tuyến do 4 thành viên sáng lập cùng sản phẩm mạng internet đầu tiên của Việt Nam mang tên "Trí tuệ Việt Nam - TTVN", sản phẩm được giới thiệu là đặt nền móng cho sự phát triển của internet tại Việt Nam. Trước khi chuyển quyền sở hữu vốn Nhà nước sang Bộ Công an, đơn vị có hai cổ đông lớn là SCIC nắm 50,2% cổ phần và Tập đoàn FPT sở hữu 45,7% vốn.
Vào năm 2024, FPT Telecom ghi nhận doanh thu thuần 17.610 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.588 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 18% so với cùng kỳ. Trong 2025, FPT Telecom cho biết đặt mục tiêu mang về 19.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu mảng viễn thông dự kiến tăng 13%, đạt 19.100 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ nội dung số. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của công ty là 4.200 tỷ đồng, tăng 17%.
Hồng Sơn