Một ngày đầu xuân 2023, tôi thay mặt anh chị em cựu chiến binh của Sư đoàn Bộ binh 1 đến thăm và chúc Tết Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, người Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn Bộ binh 1 anh hùng. Đường phố Hà Nội thật đẹp. Nắng xuân trải vàng trên cây lá, trên mặt đường, vỉa hè xôn xao vui đùa những giọt nắng nhảy nhót qua kẽ lá theo từng cơn gió mạnh... Tôi vào nhà gặp Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, ông nở nụ cười thật tươi chìa tay ra bắt tay tôi, ông bóp chặt. Nắm bàn tay ấm áp người Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn, hơi ấm cũng truyền sang tôi xua đi cái giá lạnh ngày xuân. Tôi nắm bàn tay ấy thật lâu, chúc ông những lời đầu xuân chân tình và kính trọng. Năm nay ông đã sang tuổi 104. Ông nói: “Cảm ơn cậu! Cái bắt tay này là truyền sang cho cậu sức sống dẻo dai của một người được ngoài bách niên đấy!”
Tôi cảm ơn Thủ trưởng và mong sao cái bắt tay rất chặt này sẽ còn thật lâu với người Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn tôi.
Từ ngày đầu tham gia cách mạng đến chiến dịch Plei Me
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nhớ về những ngày xuân đã qua, nhớ về sự thăng trầm của cuộc đời, về bao tháng năm dâng hiến tuổi trẻ cho hoạt động cách mạng trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Vừa nhấp ngụm trà, ông chậm rãi kể:
Ngày 06/12/1939, ông đang dạy học môn lịch sử Việt Nam tại chùa Văn Chỉ (Hội An), bọn mật thám Pháp ập vào bắt đưa về Sở mật thám. Bọn chúng lục soát nhà ở, thu một số tài liệu, sách, báo... Với số tài liệu đó, bọn mật thám dùng làm chứng cứ để tra hỏi về nguồn gốc các loại sách báo đã bị cấm và những hoạt động chống đối chính quyền thực dân. Do không đủ chứng cứ buộc tội nhưng bọn chúng vẫn đem ông ra xử và tuyên án phạt 4 tháng tù cấm cố. Hết hạn tù, chúng phải thả ông về lại Hội An.
Mặc cho kẻ thù tìm đủ mọi cách giám sát, theo dõi, ông vẫn tìm cách liên hệ với các đồng chí đã từng tham gia phong trào cách mạng với mình và tiếp tục hoạt động.
Chân dung Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương
Đầu năm 1942, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông và một số đồng chí khác được Đảng bộ lâm thời quan tâm và phân công lên Đà Lạt hoạt động một thời gian. Đến năm 1943, địch tăng cường đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, chúng bắt bớ tràn lan, nhiều người e dè, nản chí... Trong lúc khó khăn, phong trào bị vỡ, ông được Tỉnh ủy quyết định sẽ thoát ly, tuy nhiên chưa kịp thoát ly thì ông bị địch bắt lần thứ 2.
Trong tù ngục, ông vẫn cùng các đồng chí tổ chức đấu tranh với kẻ thù, vận động tuyên truyền giúp cho mọi người hiểu biết hơn về lý tưởng chiến đấu của cách mạng và nung nấu ý chí tìm cách thoát khỏi nơi giam giữ để trở về tiếp tục hoạt động.
Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Lợi dụng tình hình bất ổn anh em tù nhanh chóng phá nhà giam, về quê. Nói là về quê nhưng thực ra là tìm lại cơ sở để tiếp tục hoạt động cách mạng.
Ngày 12/5/1945, Hội nghị Tỉnh ủy lâm thời Đảng cộng sản Đông Dương của tỉnh Quảng Nam đã họp trên sông Thu Bồn và phân công Ban chấp hành gồm 9 người: Huỳnh Ngọc Huệ phụ trách Đà Nẵng; Huỳnh Đắc Hương, Chu Huy Mân và một số đồng chí khác phụ trách các huyện...
Từ ngày 14 đến 26/8/1945, không khí khởi nghĩa đã thôi thúc chúng tôi, tự hào, lòng lâng lâng khó tả... Thời cơ đã đến rồi! Quảng Nam quê hương tôi đã giành được chính quyền từ bọn thực dân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước.
Tháng 11/1945, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương được phân công làm Hiệu trưởng Trường Quân chính Quảng Nam - Đà Nẵng, và từ đây ông chính thức đứng vào hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngồi nghỉ một lát, Thiếu tướng khuấy cốc cà phê sữa và uống một ngụm. Tôi muốn ông bỏ qua những năm tháng hoạt động trong 9 năm chống Pháp trường kỳ để chuyển sang thời kỳ đánh Mỹ. Ông đồng ý ngay và chậm rãi kể:
Ngày 10/01/1965, ông được Quân ủy phân công làm Trưởng đoàn kiểm tra tình hình giúp bạn Lào ở cao nguyên Bolaven. Đang làm việc ở Nam Lào chưa xong thì có điện của Quân ủy điều tôi sang Mặt trận Tây Nguyên (B3) phụ trách Phó Chính ủy Mặt trận B3. Bảy ngày sau ông có mặt và gặp lại một số anh em đã từng hoạt động cách mạng ở Quảng Nam. Trong đó có Đại tướng Chu Huy Mân – Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên.
Đại tướng Chu Huy Mân và Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương đều từng tham gia ban chấp hành lâm thời hoạt động bí mật và giành được chính quyền trong những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 ở Quảng Nam.
Cả hai vị tướng quen nhau từ trước nên gặp lại nhau giữa chiến trường càng thân thiết hơn. Ông được người đồng chí trao đổi kỹ càng về tình hình địch và ta ở Mặt trận B3. Theo đó Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã điều các Trung đoàn 320, 33 và 66 sẽ có mặt trong chiến trường để thành lập Sư đoàn Bộ binh 1.
Lúc này, Mỹ đã đưa vào miền Nam khoảng 200.000 quân để mở đầu cho chiến lược mới "Chiến tranh cục bộ" và chiến trường Tây Nguyên được Mỹ chú ý ngay từ khi đặt chân tới Việt Nam. Chúng đưa Sư đoàn Kỵ binh không vận số 1 Mỹ (kỵ binh bay) với vũ khí, trang bị hiện đại nhất lên Tây Nguyên, đóng Sở chỉ huy tại An Khê.
Chỉ thị của Quân ủy yêu cầu Mặt trận B3 phải mở chiến dịch tiêu diệt khoảng chiến đoàn hoặc một trung đoàn quân ngụy và tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ. Yêu cầu lần này phải tìm cách đánh quân Mỹ là chủ yếu. Tư tưởng chỉ đạo tác chiến của chiến dịch là vây điểm để diệt viện khi địch ở ngoài công sự. Chọn điểm vây là Trại huấn luyện đặc biệt (biệt kích) Plei Me, một cứ điểm trọng yếu trên trục đường 21. Nếu địch mất Plei Me thì đường 21 bị cắt đứt, dải phòng ngự phía Tây Nam thị xã Pleiku bị cắt đôi, uy hiếp cả hệ thống bố trí bảo vệ các đô thị lớn của địch ở phía sau...
Chiến công đầu tiên của Sư đoàn Bộ binh 1
Để chi phối lực lượng địch, Quân giải phóng sẽ đánh vào các mục tiêu nghi binh như đồn Tân Lạc, Đức Cơ. Trung Đoàn 33 đảm bảo việc tiêu diệt địch trên cao điểm tiền tiêu Chư Ho và bao vây căn cứ Plei Me. Ta tiếp tục bao vây Plei Me, buộc địch phải cứu viện trên đường 21. Lúc này, Trung đoàn 320 đã chờ sẵn quân cứu viện và tập trung tiêu diệt cánh quân này ở ngoài công sự.
Đúng như dự kiến, kế hoạch tác chiến của ta thật hoàn hảo. Từ ngày 19/10/1965 đến 26/10/1965 ta đã bao vây Plei Me và chặn viện thành công trên đường 21. Thua đau, nhất định quân Mỹ phải nhảy vào cứu quân ngụy. Thời cơ đó sẽ tới. Đây là dịp để ta tìm ra cách đánh Mỹ hiệu quả nhất. Trung đoàn 66 cũng đã hành quân vào tới điểm tập kết và nơi ta phán đoán kẻ địch sẽ đổ quân xuống nhằm "tìm - diệt" lực lượng Quân giải phóng.
Trực thăng UH-1D chở binh sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 7, Sư đoàn Kỵ binh không vận số 1 của Mỹ đổ bộ xuống bãi X-Ray (thung lũng Ia Đrăng) tháng 11/1965. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Gia Lai
Từ ngày 31/10/1965, Lữ đoàn 1 kỵ binh bay thuộc Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ liên tục đổ quân nhảy cóc xuống thăm dò lực lượng Quân giải phóng, đánh phá hậu phương của ta. Các Trung đoàn 320 và 33 đã liên tục đánh trả quyết liệt, gây thiệt hại đáng kể cho quân Mỹ. Ngày 10/11/1965, Lữ đoàn 1 kỵ binh bay Mỹ rút.
Từ phía trước,Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương và phó tư lệnh chiến dịch Trung tướng Nguyễn Chánh trở về Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh B3 để báo cáo đợt hoạt động vừa qua và bàn kế hoạch sắp tới.
Đợt một của chiến dịch Plei Me từ 19/10 đến 26/10/1965 đã đạt được thắng lợi giòn giã, quân ta chủ động vây điểm, diệt viện thành công xuất sắc. Kết quả, ta diệt chiến đoàn 3 thiết giáp ngụy gồm 89 xe quân sự, trong đó có 1/3 là xe tăng và thiết giáp, phá hủy 02 pháo 105 ly, bắn rơi hàng chục máy bay và tiêu diệt 2 tiểu đoàn địch...
Ngày 8/11/1965, phiên họp mở rộng đánh giá kết quả đợt 1 của chiến dịch, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh B3 quyết định lập Sở chỉ huy tiền phương đợt 2 do anh Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh, anh Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy.
Diễn biến của đợt 2 chiến dịch Plei Me cũng được ta chủ động bày thế nhử địch
Ngày 14/11/1965 đến ngày 19/11/1965, Lữ đoàn 3 kỵ binh bay đổ xuống Chư Prông và bị Trung đoàn 66, Trung đoàn 33 và Trung đoàn 320 đánh cho chúng những đòn nặng nề, loại Lữ đoàn 3 Mỹ ra khỏi vòng chiến đấu.
Đợt này diễn ra nhanh chóng, chỉ trong 5 ngày từ 14 đến 19/11/1965, vì quân Mỹ gặp phải một đối thủ không vừa, từ trước đến giờ chưa bao giờ bị đòn đau như vậy nên chúng vô cùng tức tối, hung hãn...
Tin chiến thắng từ phía trước báo về Bộ Tư lệnh B3 ai nấy đều phấn khởi. Địch ra sức dùng phi pháo đánh phá hậu phương của Quân giải phóng.
Ngày 20/12/1965, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh B3 phân công xuống làm công tác Chính ủy của Sư đoàn Bộ binh. Tham gia Bộ Tư lệnh Sư đoàn có Thiếu tướng Hoàng Kiện - Sư đoàn trưởng; Thiếu tướng Hà Vi Tùng - Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng và Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh - Phó chính ủy.
Với sự đoàn kết trong chỉ huy và lãnh đạo Sư đoàn trong thời gian đơn vị về hậu cứ để củng cố sau chiến dịch Plei Me. Năm 1966, Mặt trận quyết định mở đợt hoạt động mùa khô phân công các hướng do từng Trung đoàn đảm nhiệm. Trung đoàn 320 xuống phía Nam Tây Nguyên, Trung đoàn 33 hoạt động vùng Chư Prông và Trung đoàn 66 hoạt động dọc đường Trường sơn đoạn thuộc
Sau chiến dịch Plei Me, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương ốm nặng. Có lẽ vì không còn khả năng tiếp tục ở lại chiến trường nên cấp trên đã quyết định ông phải ra miền Bắc để điều trị. Vừa khỏi bệnh, Quân ủy Trung ương đã bố trí Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương về phụ trách Phó chính ủy Quân khu Tây Bắc. Từ đây ông lại gắn bó với một chiến trường mà ngay từ năm 1964 đó là chiến trường Lào.
Thường trực Ban Liên lạc Sư đoàn Bộ binh 1 đến chúc Tết thủ trưởng Huỳnh Đắc Hương năm 2025.
Trong thời gian được phân công làm công tác Chính ủy Sư đoàn Bộ binh 1 với các tên gọi Đoàn Lê Lợi và Nông trường 1, tuy không dài nhưng với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương đó là một chặng đường đầy gian nan, thử thách khốc liệt và rất đáng tự hào. Bởi lẽ chiến thắng Plei Me của Sư đoàn Bộ binh 1 là một chiến công chói lọi của các lực lượng vũ trang cách mạng, lần đầu tiên chúng ta dám đánh Mỹ và đã đánh thắng Mỹ, đã giải đáp được câu hỏi là: "Có đánh Mỹ được không? Có thể thắng Mỹ được không?". Câu hỏi đã có lời giải trong kết luận của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thay mặt Đảng, Nhà nước tuyên dương chiến công của Sư đoàn Bộ binh 1: Chiến thắng Plei Me xứng đáng được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhất, vì hiện nay Quân đội ta chưa có loại Huân chương nào cao hơn!
Đã quá trưa, tôi xin phép ông ra về. Ông nắm tay tôi thân tình, ấm áp, thật cảm động và vui vì ngày xuân tôi được nhận từ ông những lời chúc đầy may mắn...
Hoàng Khánh