Chuyện người giữ rừng ở Quảng Trị được lấy tên đặt cho một loài cây

Chuyện người giữ rừng ở Quảng Trị được lấy tên đặt cho một loài cây
21 giờ trướcBài gốc
Lặng thầm giữa rừng xanh
Ở vùng Đông Vĩnh Linh, giáp ranh giữa hai xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa, có một khu rừng nguyên sinh rộng khoảng 100ha mang tên Rú Lịnh. Trong tiếng địa phương, “rú” có nghĩa là rừng, còn “lịnh” là tên gọi dân gian của một loài cây từng mọc nhiều tại đây. Nằm trên địa hình dải Trường Sơn Bắc, khu rừng này có đặc điểm khí hậu rõ rệt, mùa hè nắng nóng, khô hạn, mùa đông ẩm ướt, lạnh giá. Chính điều kiện đó đã tạo nên một hệ sinh thái phong phú với nhiều loài thực vật quý như lim xanh, gụ lau, dẻ rừng, trầm hương, ngũ gia bì… cùng hàng chục loài chim, thú đặc hữu.
Sau ngày đất nước thống nhất, Rú Lịnh được giao cho người dân địa phương bảo vệ. Trong số đó, có một người mà tên tuổi gắn liền với từng gốc cây, từng con suối nhỏ cho đến tận bây giờ. Đó là ông Nguyễn Đình Trọng, sinh ra và lớn lên ngay bên cánh rừng này. “Sau năm 1975, tôi làm công nhân thủy lợi ở huyện lỵ Vĩnh Linh gần 3 năm, nhưng thấy bản thân không phù hợp nên xin nghỉ việc, rồi về quê tình nguyện tham gia công việc giữ rừng”, ông Trọng kể.
Suốt hơn 4 thập kỷ ròng rã, ông Trọng gắn bó với Rú Lịnh như hơi thở của chính mình. Công việc của ông không chỉ là tuần tra, kiểm đếm thực bì, mà còn tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá rừng, không săn bắn động vật hoang dã. Ông từng đơn độc phát hiện một nhóm người đào trộm cây đa cổ thụ giữa rừng. Biết một mình không thể đối đầu trực diện, ông đành âm thầm theo dõi, chờ nhóm người này kéo cây ra khỏi rừng, rồi hô hoán dân làng ngăn chặn. Vụ việc khiến ông bị trả thù: xe máy bị xô xuống vực, nhà bị ném đá, vợ con bị đe dọa, cả vườn cao su bị chặt phá. Thế nhưng, ông vẫn không chùn bước.
“Rú Lịnh giống như ngôi nhà thứ hai của tôi. Mỗi lần thấy ai chặt phá cây rừng, trong lòng lại đau như thể mất một phần ruột thịt. Nếu không giữ được rừng, tôi không sống yên với lòng mình”, ông Trọng trải lòng.
Ông Trọng bên một gốc cây cổ thụ ở Rú Lịnh.
Một loài cây - một hành trình ghi dấu
Rú Lịnh từng là nơi hứng chịu bom đạn ác liệt trong chiến tranh. Dẫu vậy, nơi đây vẫn còn những cây cổ thụ sống sót với dấu tích của những viên đạn xưa. Có lẽ nhờ sự âm thầm gìn giữ của những người như ông Trọng mà thảm thực vật nơi đây vẫn tiếp tục sinh trưởng, phục hồi. Nhiều nhà nghiên cứu, thực tập sinh, nhà thực vật học trong và ngoài nước đã tìm về Rú Lịnh, phần lớn đều liên hệ nhờ ông Trọng dẫn đường.
Đặc biệt, mới đây, một loài thực vật mới thuộc chi Lasianthus (xú hương) được các nhà khoa học Viện Khoa học sự sống, Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung và Bảo tàng Đại học Kagoshima (Nhật Bản) phát hiện tại Rú Lịnh. Loài cây này sau đó được đặt tên là Lasianthus trongii, theo tên ông Nguyễn Đình Trọng, nhằm ghi nhận công lao của ông.
Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung chia sẻ, việc đặt tên một loài thực vật theo tên người là cách vinh danh phổ biến trong giới khoa học, dành cho những người có đóng góp đặc biệt trong quá trình phát hiện, nghiên cứu hoặc bảo tồn loài. “Tên gọi Lasianthus trongii không chỉ là một biểu tượng sinh học mà còn là dấu ấn cho hành trình thầm lặng mà ông Trọng đã kiên trì suốt gần nửa thế kỷ giữ rừng”.
Năm 2022, vì tuổi cao sức yếu, ông Trọng xin thôi công việc bảo vệ rừng. Nhưng từ đó đến nay, ông không thể rời xa rừng. Người dân địa phương vẫn thường bắt gặp dáng ông gò lưng theo những lối mòn xưa, mang theo cây rựa cũ, quan sát từng bụi cây, lắng nghe tiếng chim rừng. Phát hiện ai đổ trộm rác thải, chặt cây bìa rừng, ông đều âm thầm nhắc nhở hoặc báo chính quyền địa phương xử lý.
Ông Nguyễn Thuận Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Thành cho biết, ông Trọng là một người đặc biệt, không chỉ vì ông gắn bó lâu năm với Rú Lịnh, mà bởi vì ông thật sự yêu rừng, coi việc giữ rừng như một sứ mệnh. Những góp ý của ông, dù đã nghỉ công tác, vẫn được chính quyền xem trọng.
“Giữa bối cảnh rừng tự nhiên đang ngày càng thu hẹp, nhiều loài thực vật và động vật bị đe dọa, thì hình ảnh một người nông dân không danh lợi, không bằng cấp như ông Trọng vẫn ngày ngày đi giữa rừng, cất tiếng gọi chim, ghi lại sự sống đang tiếp tục hồi sinh, thật sự khiến tất cả chúng ta phải suy ngẫm”, ông Hiếu bộc bạch.
Thanh Bình
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/chuyen-nguoi-giu-rung-o-quang-tri-duoc-lay-ten-dat-cho-mot-loai-cay-i764979/