Chuyển phát giữ nhịp kết nối thời điểm sáp nhập

Chuyển phát giữ nhịp kết nối thời điểm sáp nhập
9 giờ trướcBài gốc
Dịch vụ chuyển phát đảm bảo đơn hàng giao đúng tiến độ, dù sau sáp nhập có sự thay đổi về địa chỉ.
“Khi đặt hàng online, tôi vẫn ghi là phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn, chưa ghi theo địa chỉ mới là phường Bắc Kạn vì sợ hàng bị thất lạc” - chị Nông Thị Ngọc Thủy, một người dân phường Bắc Kạn, chia sẻ khi điền địa chỉ giao hàng online.
Không riêng gì chị Thủy, rất nhiều người dân tại các địa phương vừa sáp nhập xã, phường vẫn đang sử dụng địa chỉ theo tên hành chính cũ trong các đơn hàng, giấy tờ và giao dịch điện tử. Thói quen này khiến các đơn vị chuyển phát gặp không ít khó khăn trong phân loại và điều phối hàng hóa.
Từ ngày 01/7/2025, cả nước sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Hàng loạt địa danh vốn quen thuộc nay đã được sáp nhập hoặc đổi tên. Thay đổi này kéo theo việc điều chỉnh tên gọi, mã hành chính và địa bàn của các xã, phường, tỉnh.
Dù vậy, trên hàng ngàn kiện hàng mỗi ngày, các đơn vị như: Bưu điện Việt Nam, Viettel Post, Giao hàng tiết kiệm, SPX Express... vẫn nhận được địa chỉ cũ.
“Việc đổi tên đơn vị hành chính không ảnh hưởng nhiều đến chu trình giao nhận hàng. Đa số đơn hàng chúng tôi nhận chuyển phát hiện nay đều mang địa chỉ cũ, nhưng trước khi giao hàng đều tiến hành phân loại tại kho, phân khu trên máy tính, một số đơn cập nhật địa chỉ mới cũng có khoanh vùng, nên phần đa đều đúng tuyến” - anh Phạm Văn Hùng, nhân viên SPX Express Thái Nguyên, cho hay.
Để khắc phục “khoảng trống địa chỉ” sau sáp nhập, các doanh nghiệp bưu chính đã nhanh chóng triển khai các giải pháp công nghệ kết hợp con người.
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chủ động triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ để đảm bảo dịch vụ không gián đoạn, người dân không bị ảnh hưởng và không phát sinh thêm chi phí trong bối cảnh thay đổi địa giới hành chính từ ngày 01/7/2025.
Hệ thống nội bộ của Bưu điện được đồng bộ chuyển địa đổi địa chỉ cũ sang địa chỉ mới, không để gián đoạn dịch vụ, không để người dân bị ảnh hưởng hay xảy ra tình trạng thất lạc bưu gửi, nhầm địa chỉ...
Bà Hà Thị Hiền, Giám đốc Bưu điện Bắc Kạn: Chúng tôi vẫn giữ nguyên danh mục địa chỉ hiện hành trong các hệ thống vận hành của Tổng Công ty nói chung và Bưu điện Bắc Kạn nói riêng. Khách hành có thể sử dụng song song cả địa chỉ cũ và địa chỉ mới. Mạng thu gom, khai thác, vận chuyển và phát tại các xã, phường vẫn được duy trì như hiện tại để đảm bảo ổn định hoạt động.
Mạng thu gom, khai thác, vận chuyển và phát tại các xã, phường của Bưu điện Việt Nam được duy trì.
Theo ông Vũ Thương Tín, Phó Giám đốc Chuyển phát - Chi nhánh Viettel Post Thái Nguyên: Trong giai đoạn đầu sau khi sáp nhập, hệ thống của chúng tôi thường chạy song song 2 địa chỉ (tên cũ - tên mới). Ngoài ra, khách hàng tạo đơn online sẽ phải chọn từ danh mục địa giới hành chính đã chuẩn hóa, nên hạn chế lỗi từ đầu vào. Chúng tôi cũng tiến hành cung cấp nhân lực trực tiếp tại xã, phường giai đoạn chuyển đổi, kết nối đồng bộ hệ thống công nghệ, thiết lập quy chế tạm thời, khảo sát thực địa và mở rộng đại lý dịch vụ công tại bưu cục, tiếp cận người dân. Nhờ đó việc chuyển phát đảm bảo dịch vụ hậu cần ngành bưu chính - công không bị gián đoạn.
Tuy nhiên, theo đại diện Viettel Post, một số khó khăn trong dịch vụ chuyển phát "hậu" sáp nhập đơn vị hành chính có thể điểm ra, như: Lỗi định vị, sai tuyến đường dẫn dẫn đến phân loại sai kho, địa chỉ không chuẩn khiến đơn hàng dễ bị xử lý chậm, dễ nhầm lẫn giữa xã cũ - mới, thậm chí chưa sự phối hợp ban đầu từ chính quyền cơ sở.
Giải pháp hữu hiệu đảm bảo dịch vụ chuyển phát thông suốt thời điểm này nằm ở sự phối hợp giữa người dân - doanh nghiệp - chính quyền địa phương.
Chính quyền cấp xã/phường cần chủ động tuyên truyền, yêu cầu các tổ dân phố, trưởng thôn thông báo về tên gọi mới. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada cũng cần cập nhật cơ sở dữ liệu địa chỉ theo địa bàn hành chính mới.
Để giữ nhịp vận hành chuyển phát trong giai đoạn chuyển giao, không chỉ có sự chủ động, linh hoạt điều chỉnh của các doanh nghiệp mà còn cần sự thay đổi đồng bộ: Từ thói quen điền địa chỉ của người dân cho đến sự chủ động, phối hợp từ chính quyền địa phương. Điều này sẽ giúp dịch vụ chuyển phát được vận hành trơn tru, hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt hơn cho người dân và các hoạt động hành chính công.
Lê Trang - Hà Thanh
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/chuyen-phat-giu-nhip-ket-noi-thoi-diem-sap-nhap-9590aa2/