Chuyện thừa, thiếu và tuyển dụng giáo viên

Chuyện thừa, thiếu và tuyển dụng giáo viên
3 giờ trướcBài gốc
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, năm học 2024-2025, cả nước thiếu hơn 113.000 giáo viên phổ thông, nhất là giáo viên dạy các môn Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học. Bình Phước không ngoại lệ, thậm chí là thiếu giáo viên các bộ môn chuyên. Không chỉ thiếu về số lượng, đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn trong cùng một cấp học hoặc giữa các vùng miền. Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương thường thấp hơn nhu cầu thực tế nên tỷ lệ giáo viên/lớp thường không bảo đảm mức quy định của Bộ GD&ĐT... Việc thiếu giáo viên, đặc biệt với địa bàn có tỷ lệ học sinh tăng cơ học nhanh khiến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vô cùng khó khăn.
Có một nghịch lý là trong khi Bộ GD&ĐT ra sức “xin” biên chế thì các địa phương năm nào cũng thừa, có năm thừa cả ngàn chỉ tiêu chưa được tuyển dụng. Nơi thì để dành cắt giảm biên chế, nơi lại không có nguồn giáo viên dạy những môn còn thiếu. Tại Bình Phước, có trường không chỉ giáo viên phải dạy tăng tiết, tăng buổi mà ban giám hiệu cũng phải đứng lớp nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu. Không chỉ vùng sâu, vùng xa thiếu mà ngay khu vực trung tâm như thành phố Đồng Xoài cũng thiếu giáo viên. Phòng GD&ĐT thành phố phải điều động giáo viên dạy liên trường một số môn để trám cho đủ số tiết/tuần. Một số trường phải hợp đồng thêm giáo viên nhưng không nhận được hồ sơ nào… thành ra nơi thừa, nơi thiếu. Nghịch lý này đã diễn ra từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết khả thi.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên thì nhiều, như sức hút vào ngành còn hạn chế, cử nhân sư phạm phải dạy hợp đồng nhiều năm với đồng lương khiêm tốn và rất khó có cơ hội vào biên chế nên bỏ nghề; nguồn tuyển giáo viên một số môn đặc thù còn thiếu… Về phía nhà trường thì cho rằng, việc tuyển dụng giáo viên vẫn theo hình thức thi tuyển viên chức như các ngành nghề khác, nghĩa là giáo viên tham gia ứng tuyển cơ bản làm bài thi về kiến thức chung chứ chưa chú trọng đến hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Bên cạnh đó, giáo viên mới ra trường không đáp ứng yêu cầu theo chương trình mới... Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là ngành GD&ĐT sử dụng đội ngũ giáo viên nhưng lại không được trực tiếp tuyển dụng.
Giáo dục là ngành đặc thù, không phải cứ thiếu nhân sự là bổ sung cho đủ số lượng theo trình độ đào tạo mà phải đáp ứng theo môn học và định mức giáo viên/lớp. Thế nhưng, việc tuyển dụng giáo viên nhiều năm qua lại phụ thuộc vào ngành nội vụ địa phương, còn sở và các phòng GD&ĐT chỉ quản lý về chuyên môn. Điều này tạo ra những bất cập trong tuyển dụng nhân sự cũng như việc điều tiết giáo viên giữa các trường trong cùng địa bàn, dẫn đến thừa, thiếu cục bộ như đã phản ánh.
Thật mừng là dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3) vừa được Bộ GD&ĐT công bố, trong đó có nhiều điểm mới về thẩm quyền và phương thức tuyển dụng giáo viên. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ, phỏng vấn và thực hành sư phạm. Khi quy định này được thông qua, sẽ trao quyền chủ động về nhân sự cho cơ quan quản lý giáo dục, cụ thể là phòng/sở GD&ĐT sẽ được quyền tuyển dụng và điều động nhân sự của ngành. Theo hướng mở này, không chỉ khắc phục được tình trạng thừa - thiếu giáo viên vào mỗi năm học mới mà việc tuyển dụng cũng sẽ chuyên nghiệp hơn.
Thảo Linh
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/163926/chuyen-thua-thieu-va-tuyen-dung-giao-vien