Chuyện về gia đình đam mê bóng bàn ở phố núi

Chuyện về gia đình đam mê bóng bàn ở phố núi
15 giờ trướcBài gốc
Nhưng điều khiến nhiều người cảm phục là hành trình anh truyền lửa tình yêu thể thao cho 2 con của mình suốt nhiều năm qua.
Anh Lê Văn Trường (ở giữa) cùng 2 con Lê Tiến Dũng và Lê Thị Minh Thư. Ảnh: H.H
Cứ mỗi buổi chiều, trong một góc nhỏ tại hội trường tổ dân phố 2 (phường Thống Nhất), 3 cha con anh Lê Văn Trường lại miệt mài tập luyện bóng bàn. Những cú giật, đẩy, cắt bóng được tung ra thoăn thoắt, vừa dứt khoát vừa ăn ý đến lạ. Họ không phải là những vận động viên chuyên nghiệp mà chỉ là một gia đình bình thường với niềm đam mê đặc biệt dành cho môn thể thao đòi hỏi sự nhanh nhạy và tư duy chiến thuật này.
Anh Lê Văn Trường hiện là giáo viên môn Tin học của Trường THPT chuyên Hùng Vương. Anh được đồng nghiệp đánh giá là người nghiêm túc, cầu tiến và có niềm yêu thích đặc biệt với những bộ môn kỹ thuật cao. “Bóng bàn là môn thể thao không dễ chơi, càng chơi càng mê vì nó đòi hỏi tư duy, chiến thuật, kỹ thuật không thua gì lập trình Tin học hay Toán”-anh Trường chia sẻ.
Anh Trường bắt đầu cầm vợt ở tuổi 43-cái tuổi người ta thường chọn tham gia các bộ môn thể thao nhẹ nhàng, mang tính thư giãn. Anh tự mua cho mình chiếc bàn cũ, vợt cũ cùng hàng trăm trái bóng để tập. Do không ai chơi cùng nên anh tập cho con trai Lê Tiến Dũng (SN 2008) cầm vợt. Hai cha con miệt mài rèn luyện, học tập qua các video trên YouTube, theo dõi, phân tích các trận đấu bóng bàn để trau dồi thêm kỹ năng.
Lê Tiến Dũng (thứ ba từ phải sang) đạt huy chương vàng nội dung đơn nam phong trào tình Gia Lai năm 2024 (ảnh nhân vật cung cấp).
Tuy có năng khiếu thể thao nhưng để tập luyện chắc, chuẩn mà không mất nhiều thời gian, anh Trường tìm đến Câu lạc bộ (CLB) Bóng bàn tổ 14 phường Thống Nhất (nay là CLB Thống Nhất) vừa “tầm sư học đạo” vừa để có không gian tập luyện thoải mái hơn. Tại đây, anh Trường được anh Phạm Thanh Bình-một người có chuyên môn về bóng bàn và cũng là tay vợt có tiếng của làng bóng bàn Gia Lai-tận tình chỉ bảo, chỉnh sửa từ cách cầm vợt, đứng chân đến cảm giác bóng. Nhờ vậy, kỹ thuật của anh và con trai dần tiến bộ rõ rệt.
Không chỉ giữ lửa đam mê cho riêng con trai cả, anh Trường tiếp tục truyền cảm hứng cho cô con gái Lê Thị Minh Thư (SN 2011). Với nền tảng kỹ năng sư phạm cộng thêm tình yêu mãnh liệt dành cho bóng bàn, anh Trường vừa là thầy, là bạn chơi, vừa là đồng đội của 2 con.
Em Dũng chia sẻ: Mỗi lần luyện kỹ thuật mới, nếu làm chưa được thì cháu hay nản. Nhưng ba luôn động viên, thậm chí ép cố gắng đến cùng để chinh phục điều khó. Nhiều lúc chơi bóng với ba, cháu cảm thấy rất áp lực, song chính điều đó lại giúp cháu tiến bộ nhanh hơn.
Bóng bàn không chỉ giúp rèn thể chất mà còn là khoảng thời gian 2 ba con gần gũi. Trên bàn bóng, ba rèn cho cháu học được cách kiềm chế cảm xúc, tư duy nhanh, tôn trọng đối thủ và một vài kỹ năng có thể áp dụng cho cả việc học tập lẫn trong cuộc sống.
Có phần rụt rè hơn anh trai mình, Thư kể về hành trình gắn bó với bóng bàn bằng ánh mắt lấp lánh niềm vui: “Cháu thấy mình may mắn vì khi bắt đầu cầm vợt thì đã có ba và anh hướng dẫn tận tình. Dù là vận động viên tham gia phong trào, ba vẫn luôn nhắc chúng cháu rằng cứ có cơ hội thi đấu, dù ở giải lớn hay nhỏ thì phải chơi hết mình.
Sau mỗi mùa giải, 2 anh em lại trở về tập luyện như thường và không ngủ quên trên chiến thắng. Nhờ có ba rèn hàng ngày và thầy Bình hướng dẫn thêm nên khi thi đấu cháu không sợ thua, mà chỉ muốn chơi sao cho đúng kỹ thuật và đẹp mắt.
Ngày qua ngày, tình yêu thể thao, đặc biệt là với bóng bàn đã thấm sâu vào nếp sống của 3 cha con anh Trường, trở thành thói quen hàng ngày. “Mỗi lần ba đi công tác, 2 anh em đều tự giác cầm vợt ra sân để luyện cho nhau. Cháu giỏi giật phải hơn nên sẽ chỉ cho em và ngược lại học thêm cách giật trái từ em, vì đó là lợi thế của em. Trong mỗi buổi tập, 2 anh em đều cố gắng rèn từng chút để tiến bộ hơn”-Dũng bày tỏ.
Mỗi buổi tập, mỗi trận đấu đều là một kỷ niệm đáng nhớ với gia đình anh Trường. Đó không chỉ là câu chuyện đánh bóng mà còn là bài học về đam mê, sự bền bỉ và gắn kết. “Bóng bàn với tôi không phải là mục tiêu thành tích mà là cách để giữ cho bản thân luôn khỏe, đầu óc linh hoạt và có thêm thời gian chất lượng gắn kết tình cảm với các con”-anh Trường chia sẻ.
Nhờ sự kiên trì và định hướng rõ ràng, 3 cha con anh Trường dần nâng cao trình độ, liên tục tham gia các giải phong trào và giải cấp tỉnh, cấp quốc gia. 3 năm liền (2022-2024), anh Trường và Thư đều đoạt huy chương đồng giải cầu lông, bóng bàn gia đình toàn quốc.
Ngoài tham gia giải dành cho gia đình, từ năm 2017 đến nay, anh Trường cũng thường xuyên góp mặt ở các giải phong trào do nhà trường, ngành Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh... tổ chức và mang về nhiều giải cao.
Không kém cạnh, con trai Lê Tiến Dũng cũng sở hữu bảng thành tích đáng tự hào như: huy chương vàng nội dung đôi nam và đồng đội nam tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh năm 2023; huy chương vàng nội dung đơn nam phong trào tại Giải Vô địch Bóng bàn tỉnh năm 2024; huy chương đồng nội dung đơn nam nâng cao tại Giải Vô địch Bóng bàn tỉnh Gia Lai năm 2025.
Ngoài năng khiếu về thể thao, Lê Thị Minh Thư còn có thêm tài lẻ đánh đàn piano và vẽ tranh. Ảnh: Hoàng Hoài
Riêng với Thư, dù cầm vợt sau ba và anh trai nhưng em lại có cơ hội thi đấu nhiều hơn. Năm 2024, em xuất sắc giành giải nhất nội dung đơn nữ phong trào (dưới 13 tuổi) tại Giải Bóng bàn năng khiếu và vô địch bóng bàn trẻ TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Thư cũng 3 năm liền mang về huy chương vàng ở nội dung đôi nam-nữ (năm 2023), đồng đội nữ (năm 2024), đơn nữ (năm 2025) ở giải vô địch bóng bàn tỉnh Gia Lai.
Dù tham gia nhiều giải đấu, 2 anh em vẫn giữ vững thành tích học tập, nhiều năm liền đạt điểm trung bình môn từ 9,0 trở lên, luôn nằm trong tốp đầu của lớp và trường. Không chỉ chăm chỉ học tập và rèn luyện thể thao, cả 2 cũng tích cực tham gia hoạt động Đoàn, Đội. Riêng Thư, ngoài chơi đàn piano, em còn tham gia các cuộc thi vẽ tranh để thỏa mãn đam mê hội họa của mình.
HOÀNG HOÀI
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/chuyen-ve-gia-dinh-dam-me-bong-ban-o-pho-nui-post322021.html