Chuyện về ngôi đình cổ gắn với hoạt động cách mạng của Bác Tôn ở TPHCM

Chuyện về ngôi đình cổ gắn với hoạt động cách mạng của Bác Tôn ở TPHCM
7 giờ trướcBài gốc
Miếu Bình Đông nằm trên một cù lao nhỏ. Ảnh: Hà Nguyễn
Truyền thuyết
Cách cầu Bà Tàng (quận 8, TPHCM) không xa là một cù lao nhỏ, diện tích khoảng 2ha. Cù lao thu hút khách thập phương gần xa bởi đây là nơi tọa lạc của ngôi đình cổ mang tên Bình Đông, nổi tiếng linh thiêng.
Đình Bình Đông tách biệt với đất liền. Trước đây, để đến đình, khách tham quan phải qua đò. Tuy nhiên, hiện đình được nối với đất liền bằng cầu xi măng chắc chắn, phủ bóng mát của loài hoa sử quân tử.
Hiện đã có cầu bê tông kiên cố nối từ đất liền đến đình cổ trên cù lao. Ảnh: Hà Nguyễn
Sau cánh cổng cao, đình cổ khang trang với tường gạch sơn màu vàng, được trang trí bắt mắt. Bên trong chánh điện, toàn bộ khám thờ thần, tả ban, hữu ban, hội đồng đều chạm viền quanh với họa tiết rồng vờn châu, tùng lộc, tứ linh tinh xảo.
Trên bàn thờ thần có khánh đựng mũ (mão) thần, bộ bát bảo bằng đồng, lư hương bình hoa bằng gốm quý. Chánh điện còn có bao lam chạm trổ hình dáng mai, lan, cúc, trúc, mẫu đơn, sóc, giác trên các loại gỗ quý.
Những bậc cao niên trong vùng cho biết, đình Bình Đông có từ lâu. Nhiều người vẫn nhớ đến truyền thuyết xây dựng ngôi đình cổ.
Ngôi đình khang trang, vững chắc. Ảnh: Hà Nguyễn
Chuyện kể rằng, xưa kia cù lao um tùm cây dại, thưa thớt dân cư. Người dân sống ở xung quanh cù lao dù siêng năng cần cù, chịu thương chịu khó nhưng mùa màng vẫn thất bát, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Một hôm, có người nhìn thấy chiếc mũ đang trôi theo dòng nước. Tin đây là mũ của vị quan nào đó gặp nạn, người dân đem lên gò để thờ.
Sau đó, khu vực xung quanh cù lao mưa thuận gió hòa, dân làng liên tục trúng mùa. Dần dần, dân làng làm ăn khấm khá quy tụ về cù lao, dựng nên mái đình làm nơi tụ họp, cúng bái.
Nhớ truyền thuyết xưa, trên chánh điện, người xưa luôn thờ một chiếc mũ có màu sắc sặc sỡ, hoa văn đẹp mắt.
Đình cổ nổi tiếng linh thiêng, là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân xung quanh. Ảnh: Hà Nguyễn
Tài liệu do ban quản lý đình Bình Đông cung cấp cho thấy, ngôi đình cổ được xây dựng trước năm 1853.
Tài liệu này dẫn thông tin từ sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết, thôn Bình Đông thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình (1818).
Sắc phong cho "Thành hoàng bổn cảnh" của thôn Bình Đông, huyện Tân Long ghi ngày 29/11 âm lịch năm Nhâm Tý (tức ngày 8/1/1853).
Nhà võ ca của đình cổ. Ảnh: Hà Nguyễn
Bà Phượng (63 tuổi) người đến đình Bình Đông làm công quả cho biết, đình cổ rất linh thiêng, được người dân trong, ngoài thành phố đến chiêm bái. Đình tiếp đón nhiều lượt người đến hương khói, cầu cúng mỗi ngày.
"Tôi quê ở Đồng Tháp. Nhưng sau này thấy bản thân có căn duyên với đình nên đến đây làm công quả. Ngoài việc quét tước, lau dọn, tôi còn hầu chuông tại đình", bà nói.
Tượng ngựa nằm hai bên chánh điện. Ảnh: Hà Nguyễn
Dấu ấn lịch sử
Đại diện ban quản lý đình Bình Đông cho biết, xưa kia, đình chỉ là căn nhà mái lá đơn sơ. Năm 1922, đình được trùng tu bằng mái ngói, vách ván, cột kèo gỗ theo dạng đình Nam Bộ.
Nhiều năm sau, đình xuống cấp. Năm 1930, đình được đại tu với mái ngói đại ống 2 lớp, vách trét ô dước, nền gạch tàu. Năm 1991, ngôi đình cổ được xây dựng lại khang trang, vững chắc như bây giờ.
Chánh điện (bìa trái) và nơi thờ mũ thần. Ảnh: Hà Nguyễn
Đình Bình Đông còn là địa điểm hoạt động của Công hội bí mật Sài Gòn - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập vào năm 1920.
Tài liệu tại đình cổ ghi nhận, năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng từ hải ngoại trở về Sài Gòn. Ông bí mật thành lập Công hội đỏ phát triển mạnh trong đội ngũ công nhân nhằm đoàn kết chống tư bản đế quốc.
Lúc này, ông Ka Hiêm, vốn là hội viên đình Bình Đông, đã biến đình thành cơ sở của Công hội đỏ. Năm 1925, lãnh đạo tổ Công hội đỏ thuộc Nhà đèn Chợ Quán, ông Ka Hiêm đã tổ chức nhiều cuộc họp tại đình.
Sau các cuộc họp, tài liệu hoạt động cách mạng đều được cất giấu dưới khám thờ. Nhiều cuộc họp trong đình giai đoạn này có sự hiện diện của đồng chí Tôn Đức Thắng.
Không chỉ thế, trong giai đoạn này, chánh điện của đình cũng là nơi cất giữ các mật thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc chuyển từ nước ngoài về.
Những tư liệu được trưng bày trong Nhà tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh chụp lại
Thời kỳ chống Mỹ, đình Bình Đông là nơi liên lạc, chuyển vũ khí vào nội thành. Đây cũng là nơi bộ đội miền Nam đặt súng bắn vào Tòa hành chánh quận 7 của chế độ cũ năm 1968.
Để tưởng niệm thời kỳ hoạt động của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đình xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tại đây có trưng bày hình ảnh về gia đình, các hoạt động cách mạng của ông.
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, đình Bình Đông được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích theo quyết định số 2890 - VH/QĐ ký ngày 27/9/1997. Ảnh: Hà Nguyễn
Hà Nguyễn
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chuyen-ve-ngoi-dinh-co-gan-voi-hoat-dong-cach-mang-cua-bac-ton-o-tphcm-2390519.html