Chờ đợi trong lo lắng
Dù tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện trên Đài Phát thanh Sài Gòn từ buổi trưa nhưng Sài Gòn đã thật sự bình yên hay có “tử thủ” như tuyên bố của một số tướng tá Sài Gòn quá khích khi ấy. Trong khi Đài Phát thanh Sài Gòn sau khi phát lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, sau cứ khoảng 15 phút 1 lần phát lại lời tuyên bố đầu hàng, ngoài ra không có nội dung gì thêm.
Bà Vương Thanh Liêm
Ngày hôm ấy, giao thông bị ngưng trệ hoàn toàn, ít có người dân dám ra khỏi nhà, vì vậy mà không có bất cứ thông tin nào từ Sài Gòn. Cho đến khoảng 20 giờ, trên Đài Phát thanh Sài Gòn bất ngờ vang lên nhạc hiệu bài Giải phóng miền Nam của Lưu Hữu Phước. Rồi một giọng nữ vang lên trên nền nhạc: “Đây là Đài Phát thanh Sài Gòn Giải Phóng. Các bạn thân mến, ngày 30/4/1975, chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đã toàn thắng. Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Hồi 13 giờ 30 phút ngày 30/4, tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đây là tiếng nói của Dương Văn Minh...”.
Sau khi phát lại lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, Đài Phát thanh Sài Gòn Giải Phóng tiếp tục phát các bản tin thành phố Sài Gòn đón mừng chiến thắng, nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng, các công nhân ngành điện, nước,... bám nhà máy để cung cấp điện, nước cho thành phố.
Nữ phát thanh viên đặc biệt
Nữ phát thanh viên có vinh dự đặc biệt ấy tên là Vương Thanh Liêm. Một lần, trong ngôi nhà bà Liêm ở phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An, bà kể, bà sinh ra trong gia đình nghèo, mới học hết lớp 2 phải nghỉ ở nhà phụ ba mẹ kiếm sống. Lớn lên, bà được các chú giác ngộ tham gia cách mạng và được phân công rải truyền đơn. Do bị lộ, bà được tổ chức đưa về Củ Chi để hoạt động.
Nhờ sôi nổi trong công tác, lại có giọng hát trầm ấm, năm 1962, bà được tuyển vào Đài Phát thanh Giải Phóng làm phát thanh viên khi đài mới được thành lập. Trong cánh rừng Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), bà đã không biết bao nhiêu lần đọc lời thiệu: “Đây là Đài Phát thanh Giải Phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”.
Một lần, khi vừa đọc xong chương trình, bà mới dứt câu “Thân ái chào các bạn”, một trận bom đã dội xuống ngay cơ quan đài, người bảo vệ đã kịp kéo bà xuống hầm. “Rất may đó chỉ là bom chụp, mà hầm lại kiên cố nên không thiệt hại gì đáng kể. Nếu là bom B52 thì chẳng còn ai rồi!” - bà kể. Về sau, do đối phương định vị sóng chính xác, đài bị oanh kích liên tục nên Đài Phát thanh Giải Phóng phải phát đi từ Hà Nội, bộ phận trong Nam chỉ làm chương trình gửi ra.
Sáng ngày 30/4/1975, bà và ê-kíp của Đài Phát thanh Giải Phóng xuất phát từ Tây Ninh về Sài Gòn theo lệnh của cấp trên. Do lạ đường, người dân đổ ra đường rất đông mừng Sài Gòn giải phóng nên đến hơn 19 giờ, xe chở đoàn mới đến được Đài Phát thanh Sài Gòn. Bà Liêm và các đồng sự bắt tay ngay vào công việc để chưa tới 1 giờ sau, chương trình phát thanh đầu tiên phát đi từ Sài Gòn đã giải phóng làm nức lòng hàng triệu đồng bào miền Nam đang ngóng chờ tin giải phóng.
Suốt mấy chục năm sau, bà Liêm không để ý chuyện mình đọc bản tin đầu tiên Sài Gòn giải phóng trên Đài Phát thanh Sài Gòn Giải Phóng. Cho đến khi những người làm lịch sử truyền thống tìm lại tư liệu thì bà mới nhớ mình đã có vinh dự đặc biệt ấy.
Hạnh phúc trong đấu tranh
Ngày ấy, ở chiến khu Tây Ninh, bà Liêm công tác ở Đài Phát thanh Giải Phóng, bên cạnh Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nơi có anh cán bộ cơ yếu trực tiếp làm văn thư cho ông Trần Bạch Đằng, tên là Ôn Văn Tài. Do yêu cầu bảo mật, bà Liêm và ông Tài chưa bao giờ gặp mặt nhau. Cho đến khi ông Trần Bạch Đằng đứng ra “mai mối”, họ mới quen biết nhau và đi đến hôn nhân đúng vào Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3/1963. Một năm sau, người con Ôn Thị Phương Oanh ra đời trong rừng nhưng chỉ sau 3 tháng, do hoàn cảnh chiến tranh quá nguy hiểm, vợ chồng bà Liêm phải dứt ruột gửi con về gia đình.
Gia đình bà Vương Thanh Liêm sum họp năm 1975
Ngày 29/4/1975, ông Tài tiễn vợ lên đường cùng với cơ quan Đài Phát thanh Giải Phóng về Sài Gòn làm nhiệm vụ, 2 người hẹn sẽ gặp lại nhau giữa lòng thành phố. Cả ngày 30/4, ông Tài ôm chiếc radio kè kè bên mình, nhưng không có thông tin gì rõ hơn ngoài lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh. Đến tối, khi đang nằm trên võng giữa rừng sâu, từ chiếc radio bất ngờ vang lên giọng nói của người vợ yêu thương, ông Tài đã trào nước mắt vì hạnh phúc. Vợ ông đã an toàn vào tới Sài Gòn, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, chiến tranh đã kết thúc!
Bà Liêm nhớ lại, sau khi đọc bản tin lịch sử tối 30/4/1975, bà và các đồng sự tiếp tục chuẩn bị nội dung cho chương trình phát thanh sáng hôm sau. Bà không có thời gian để nghĩ tới chuyện tìm con, dù biết con đang sống với bà ngoại chỉ cách chỗ bà vài kilômét. Mấy ngày sau, khi ông Tài từ chiến khu về tìm đến đài thăm bà, cũng là lúc ba mẹ của bà ở Sài Gòn nhận ra giọng nói của bà Liêm trên đài nên dẫn cháu đi tìm. Gia đình nhỏ của bà Liêm đã có cuộc sum họp đầy nước mắt sau 11 năm chia cắt, trong cuộc sum họp lớn của cả dân tộc sau 21 năm phân ly./.
Nguyễn Phấn Đấu