Chuyện xưa: Học trò và hổ!

Chuyện xưa: Học trò và hổ!
7 giờ trướcBài gốc
"Người học trò và con hổ" - Hay lòng tốt không dành cho kẻ ác
Ngụ ngôn Việt Nam kể, một con hổ bị sập bẫy, thấy người học trò đi qua, hổ cầu xin: “Cứu tôi với, tôi sẽ biết ơn cậu suốt đời!”. Người học trò mở bẫy cứu hổ. Vừa thoát ra ngoài, hổ trở mặt đòi ăn thịt ân nhân. Hai bên cãi nhau. Thần Núi đến hỏi: “Chuyện gì rắc rối, kể lại để ta phán xử”. Người học trò kể lại đầu đuôi. Hổ cãi: “Nói láo! Tôi đang ngủ ngon thì nó đánh thức. Tôi phải ăn thịt nó!”. Thần Núi nói: “Hổ to thế kia mà ngủ được ở chỗ hẹp này sao? Không tin. Thử nằm lại vào chỗ đó ta xem!”.
Hình tượng hổ trong vở tuồng “Thoại Khanh - Châu Tuấn”.
Hổ bèn chui vào bẫy để chứng minh lời mình nói. Chờ thế, thần Núi hạ cần bẫy xuống, nói: “Đồ vô ơn. Hãy nằm đó mà chờ chết!”. Một câu chuyện ngắn nhưng đủ tình huống, nhân vật, tình tiết, ngôn ngữ của một vở kịch có cao trào, thắt nút, mở nút, để bật ra bài học: Cần phải đặt lòng tốt đúng chỗ. Nếu trao lòng tốt, niềm tin vào tay kẻ độc ác, gian trá thì hậu quả rất nguy hiểm sẽ đến sớm. Còn là quy luật nhân quả ở ác gặp ác. Kẻ tham ác do tâm hồn đen tối, chỉ nghĩ đến miếng ăn, miếng lợi trước mắt, nên cái nhìn cũng luôn tăm tối, thiếu tỉnh táo.
"Con cọp ở Triệu Thành" - Những vẻ đẹp nhân văn!
Trong tập "Liêu trai chí dị" của Bồ Tùng Linh (1640-1715) có truyện "Con cọp ở Triệu Thành" rất đáng suy nghĩ. Bà già góa ở huyện Triệu Thành hơn bảy mươi tuổi chỉ có một người con trai là học trò giỏi, tương lai đầy hứa hẹn, chẳng may bị cọp vồ chết. Bà kiện tới quan huyện. Quan cố giải thích không thể lấy phép quan mà trị tội vật hoang dã được. Bà già vẫn không chịu, càng kêu khóc thảm thiết.
Thương bà già cả, quan bèn hứa đại sẽ bắt cọp trị tội, để bà về cho đỡ mệt. Nhưng bà vẫn không về, đòi phải nhìn thấy trát lệnh bắt cọp mới chịu đi. Quan đành hỏi các nha dịch ai đi. Một người lính lệ đồng ý và xin quan hạ cho các thợ săn trong huyện đi cùng. Không bắt được cọp, anh lính bèn tới Nhạc miếu (nơi thờ thần Hổ) chắp tay quỳ xuống... Bất chợt một con cọp từ ngoài đi vào, ngồi xuống bên cạnh. Anh lính nói nếu đúng ngươi giết con trai bà già kia thì cúi đầu cho ta trói. Con cọp cúi đầu.
Về huyện đường, quan huyện phán: “Pháp luật xưa nay giết người thì phải đền mạng. Bà già kia chỉ có một đứa con trai là học trò giỏi, làm thế nào để bà sinh sống. Nếu ngươi làm con bà, thì ta tha”. Cọp gật đầu… Sáng hôm sau, mở cửa thấy con hươu chết nằm ở sân, bà già liền đem bán thịt. Từ đó thành lệ, không chỉ mang thú rừng về, có lần cọp còn mang vàng lụa tới. Nhờ vậy bà sống đỡ khó khăn… Vài năm sau bà chết, cọp tới kêu gào thảm thiết trước phần mộ, hồi lâu mới đi. Dân làng thấy cọp có nghĩa bèn lập đền thờ “Nghĩa Hổ”, đến nay vẫn còn…
Truyện nêu lên những ý nghĩa mang tính giáo huấn thấm thía về đạo đức, đạo lý. Là loài thú dữ, hung ác, “ăn thịt người”, thế mà cọp còn biết “phục thiện”, còn biết “tuân theo” “luật pháp”. Huống nữa là con người. “Phục thiện” ở chỗ “dám làm dám chịu”, gây ra tội không trốn tránh mà đàng hoàng đến “công đường” nhận xét xử. Không phải “đền mạng” nên cọp ta “hết lòng hết sức” “thi hành án” (bản án lương tâm) bằng cách “nuôi dưỡng”, “thờ phụng” bà già…
Soi vào “công đường” thời hiện đại, quả là có không ít kẻ (thậm chí học rộng biết nhiều, quyền cao chức trọng) mà không đủ “nghĩa” (khí) bằng cọp, và thiếu cả “nghĩa” (tình) như cọp. Đại diện cho công lý pháp luật là viên quan huyện cũng thật nhân văn. Không hề cao giọng. Không hề cậy chức trọng quyền cao. Mà rất bình dân, gần dân, vì dân. Ông ta thấu hiểu cảnh đời, thấu cảm tình người. Hiểu cảnh người mẹ già hơn bảy mươi chết con, tức mất điểm tựa cuối cùng.
Với người phụ nữ thì chồng chết theo con. Con (độc nhất) chết, nghĩa là mất hết. Hơn nữa lại đã già. Thế nên quan huyện tìm mọi cách, kể cả đi “chệch” ra ngoài đường biên luật pháp để an ủi, giúp đỡ. Đối với “nguyên đơn”, với “bị cáo” ông đều lấy cái tình đặt lên trước cái lý. Một vị quan huyện như vậy, thật đáng kính trọng thay. Thế nên, “hung ác như hồ”, “dữ như hổ”, mà… vẫn “gật đầu”. Huống nữa là người có hiểu biết!? Câu chuyện còn là khát vọng về những “viên quan huyện” không hề “mặt sắt” mà ngược lại, là người hiểu đời, hiểu người với trái tim nhân ái!
Những con cọp trượng nghĩa
Ở ta, trong nhiều truyện Nôm nói về học trò nghèo cũng luôn gắn liền với nhân vật hổ. Trong "Tống Trân - Cúc Hoa" có chi tiết Sơn Thần biến thành mãnh hổ mang thư Cúc Hoa (vợ) sang nước Tần cho Tống Trân (chồng). Trong "Thoại Khanh - Châu Tuấn" thì hổ cõng Thoại Khanh và mẹ chồng sang tận nước Tề tìm chồng Châu Tuấn. Trong truyện "Lục Vân Tiên" (Nguyễn Đình Chiểu) hổ như người anh hùng trượng nghĩa, quân tử giúp cởi trói cho tiểu đồng rồi đưa Vân Tiên ra khỏi hang, bắt kẻ xấu là hai mẹ con Thể Loan...
Hổ bảng (Đền Ngọc Sơn).
Vì sao vậy? Từ góc độ cốt truyện, trong cái nhìn dân gian xưa học trò thường yếu mềm, “trói gà không chặt”, suốt ngày đèn sách nên có phần ngây thơ, nhẹ dạ, cả tin, thương người. Những điều ấy tương phản triệt để với hình tượng hổ mạnh mẽ, gian ngoan, hung ác, ăn thịt người… Những đối lập ấy phù hợp với tư duy phân cực của huyền thoại để kiến tạo những câu chuyện có hai tuyến nhân vật mâu thuẫn trời vực làm bật ra những ý nghĩa giáo huấn (như trong "Người học trò và con hổ" giới thiệu ở trên).
Ở chiều ngược lại, trong văn bản, hổ được miêu tả trái với thực tế, cũng là cách dân gian mượn điểm tựa tính cách tập quán của hổ để nói lên những ý nghĩa, như trong một số truyện Nôm của ta, đều có ý chung: Vốn hung ác, ăn thịt người thế mà thấy tình huống đáng thương, hổ còn nhân nghĩa cứu giúp. Thế thì những kẻ phản phúc mặt người dạ thú thật không bằng hổ…
Nhìn từ quan niệm văn hóa phương Đông, xuất phát từ hình tượng mang tính mạnh mẽ, uy nghiêm, cao quý, linh thiêng của “mẫu gốc” hổ, nên những ai có tài năng, công trạng lớn… thường được so sánh với hổ (hổ tướng, trướng hùm…). Gắn hổ với học trò là cách gửi gắm một khát vọng mong muốn họ sau này trở thành những “con hổ” (trên văn đàn, trên mặt trận ngoại giao, và nếu cần, cả chiến trường đuổi giặc…).
Thế nên ở ngay trước cổng vào đền Ngọc Sơn (Hà Nội), có hai bức phù điêu đắp nổi hai bức tranh, một bên là bảng Long môn, một bên là Hổ bảng. “Long môn” gợi về huyền tích cá chép vượt Vũ môn hóa rồng. “Hổ bảng” ghi lại những người đỗ Tiến sĩ. Thật ý nghĩa thay!
"Bạch sư phụ: Cọp ạ!" - Hay nửa nhân loại thích… cọp!
Ngụ ngôn trào phúng cổ phương Đông kể: Mười nhà sư trẻ được học hành giáo lý từ nhỏ. Nghĩ họ đã gần đạt đến độ “đắc đạo”, một hôm đẹp trời, sư phụ bèn cho họ xuống núi để xem chúng sinh trần gian chịu kiếp khổ nạn thế nào. Cũng là dịp để thử thách xem trò đã vượt qua được những ma trận mê muội trần tục ra sao. Lần đầu tiên các trò được nhìn thấy những bóng hồng trần gian. Trời ơi, đầy sự rạo rực, đầy sự đam mê, đầy sự thôi thúc, đầy sự cựa quậy... Những cái nhìn chằm chặp đam mê... Thấy thế sư phụ bèn giục trò đi vội và nói: “Cọp đấy!”. Trời tối mà trò chẳng muốn về...
Trở lại chốn thiền môn, “kiểm tra” đám học trò “ngộ” được gì qua chuyến “vi hành”, sư phụ mới hỏi: “Các con xuống núi thích nhất điều gì?”. Tất cả đồng thanh đáp: “Bạch sư phụ, Cọp ạ!”. Câu chuyện kết thúc đột ngột nhưng mở ra nhiều triết lý:
Một là, có cố tình đánh tráo khái niệm thì chỉ thay được cái vỏ còn bản chất nội dung thì vẫn giữ nguyên. Vị sư phụ đã “đánh tráo” khái niệm các cô gái đẹp như tiên kia thành “cọp” - một loài thú dữ, ăn thịt người, thì với đám học trò mới lớn, họ vẫn thích “cọp”!
Hai là, cái bản năng con người, nhất là bản năng về giới tính, tình yêu… thật lớn, rất khó thay đổi. Dù có học hành trau dồi gì từ bé nhưng lớn lên cái bản năng ấy vẫn còn. Rất khó phủ định được nó.
Ba là, chốn trần gian, dù có khổ sở đến đâu vẫn là nơi hấp dẫn nhất... Thì ra tên gọi chỉ là một ký hiệu mà con người quy ước với nhau. Giả sử quy ước gọi lại các cô gái đẹp là “cọp”, thì... nửa nhân loại thích “cọp”!!!
Nguyễn Thanh Tú
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/chuyen-xua-hoc-tro-va-ho--i773640/