BOT Xa lộ Hà Nội do CII vận hành.
Công bố thông tin trên HoSE, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã CII) cho biết, ngày 8/2 vừa qua, tại phiên họp thứ 6 của Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, lãnh đạo TP HCM đã giao cho CII nghiên cứu và đề xuất ý tưởng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại khu vực Hàng Xanh (gọi tắt là dự án TOD Hàng Xanh).
Đó là khu vực sẽ có tuyến metro số 3A và metro số 5 cùng với một số tuyến giao thông công cộng khác.
Theo CII, dự án TOD Hàng Xanh có tổng diện tích nghiên cứu khoảng 51,4 ha, tại khu vực ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP HCM. Tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 216.000 tỷ đồng, tức hơn 8,5 tỷ USD.
Mục tiêu và định hướng phát triển của dự án là chỉnh trang đô thị, nâng cấp hạ tầng; giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, tăng cường kết nối tại các khu vực trọng điểm như Hàng Xanh, ngã 5 Đài Liệt Sỹ và cầu Bình Triệu.
Doanh nghiệp sẽ nghiên cứu ứng dụng giao thông xanh, giao thông số nhằm tối ưu hóa việc di chuyển và giảm thiểu tác động môi trường, triển khai phương tiện vận chuyển không người lái... Dự án hướng đến phát triển không gian đô thị ngầm, khai thác tối đa tiềm năng để tạo lập trung tâm vận chuyển công cộng, đồng thời kết nối giao thông công cộng (bao gồm tuyến metro theo quy hoạch).
Dự án còn bao gồm các công trình điểm nhấn, chung cư cao tầng, mảng xanh và các công trình công cộng nhằm nâng cao tính thẩm mỹ, tiện ích đô thị; các khu vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, trung tâm thương mại và dịch vụ…
TOD (Transit Oriented Development) nghĩa là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Đô thị phát triển theo mô hình TOD là đô thị được thiết kế để tận dụng một cách tối đa các phương tiện giao thông công cộng, thúc đẩy sự phát triển của thành phố, đồng thời cân bằng được lợi ích của cộng đồng.
Trung tâm của những khu vực này thường có ga tàu điện, trạm xe buýt... và hệ thống các dịch vụ thương mại, công nghiệp, văn phòng, được thiết lập xung quanh. Đây là một hệ thống hạ tầng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Khu vực này thường có bán kính từ 400m đến 1.000m, tương đương từ 10 đến 15 phút đi bộ để người dân có thể đi bộ đến nhà ga tàu điện, trạm xe buýt.
CII là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Tên tuổi của công ty gắn liền với dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội giai đoạn 2, BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án đầu tư hạ tầng trong khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện trục Bắc - Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm... Gần đây, doanh nghiệp cũng muốn tham gia đấu thầu cho dự án mở rộng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng vốn sơ bộ gần 38.700 tỷ đồng.
Năm 2024, doanh thu thuần của CII đạt 3.041 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,5% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 639 tỷ đồng, tăng 73%; lãi ròng đạt 277 tỷ đồng, tăng 56%. Hơn 84% doanh thu của công ty đến từ hoạt động thu phí giao thông.
Lợi nhuận năm 2024 tăng trưởng mạnh dù doanh thu gần như đi ngang phần lớn là nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện, từ mức 37,3% của cùng kỳ lên 55,3%.
Phạm Ngọc