Richard Mille, thương hiệu mới thành lập 2 thập kỷ đạt nhưng đạt doanh thu hơn 1,8 tỷ USD. Ảnh: SwissWatches.
Từ năm 2017 đến nay, ngành đồng hồ Thụy Sĩ chứng kiến sự thay đổi sâu sắc khi số lượng thương hiệu đạt doanh thu bán lẻ hơn 1 tỷ USD đã tăng từ 5 lên 8 cái tên. Bên cạnh những cái tên quen thuộc như Rolex, Omega, Cartier, Patek Philippe và Longines, 3 gương mặt mới gia nhập “câu lạc bộ tỷ USD” gồm Audemars Piguet, Richard Mille và Vacheron Constantin, New York Times đưa tin.
Theo báo cáo của Morgan Stanley, “Big 4” ngành đồng hồ - Rolex, Audemars Piguet, Patek Philippe và Richard Mille - hiện chiếm tới 47% thị trường đồng hồ Thụy Sĩ. Những thương hiệu này không chỉ giữ vững giá trị trên thị trường sơ cấp mà còn trở thành tài sản thanh khoản trên thị trường thứ cấp nhờ khả năng giữ giá.
Nhưng nghịch lý là tất cả diễn ra trong bối cảnh toàn ngành bước vào chu kỳ suy giảm.
Theo số liệu từ Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ, kim ngạch xuất khẩu đồng hồ trong năm 2024 giảm 2,8% so với năm 2023, chỉ còn 26 tỷ CHF (khoảng 29,5 tỷ USD).
Tính theo sản lượng, năm 2024 cũng ghi nhận mức xuất khẩu thấp kỷ lục với 15,3 triệu chiếc, giảm tới 9,4% so với năm trước và chỉ còn bằng một nửa so với thời điểm năm 2011.
Các 'ông lớn' giữa suy thoái
Charles Tian, nhà sáng lập WatchCharts, công ty chuyên cung cấp dữ liệu thị trường đồng hồ thứ cấp tại Mỹ, cho rằng không quá bất ngờ khi số thương hiệu đạt doanh số tỷ USD tăng lên.
“Nhiều thương hiệu đang tăng giá bán lẻ để bù chi phí và theo kịp lạm phát. 1 tỷ USD năm 2025 không còn mang giá trị tương đương với một tỷ USD của năm 2017. Chỉ riêng lạm phát cũng đã tăng gần 30%", ông nói.
Thực tế này buộc các thương hiệu phải hướng đến chiến lược cao cấp hóa, ít bán nhưng lời hơn. Theo Oliver R. Müller, người sáng lập LuxeConsult, đây là cách để duy trì biên lợi nhuận trong bối cảnh sản lượng ngày càng giảm. Nói cách khác, thay vì tìm cách bán nhiều hơn, các hãng đang tập trung vào việc bán đắt hơn.
Robert Downey Jr. (phải) đeo Omega Seamaster Aqua Terra Sedna Gold tại lễ trao giải Oscar 2025. Ảnh: Nina Westervelt/The New York Times.
Với sự tập trung hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các nhà phân tích dự đoán rằng ngành đồng hồ Thụy Sĩ sẽ dần được “lọc máu”, chỉ còn lại khoảng 15 thương hiệu có tầm nhìn và khả năng tăng trưởng dài hạn. Phần còn lại sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt nếu xu hướng sụt giảm sản lượng tiếp tục.
Báo cáo của Morgan Stanley cũng cho thấy ngành đồng hồ đang ngày càng tập trung vào nhóm thương hiệu lớn, với các sản phẩm ngày càng đắt đỏ, trong khi phần còn lại sự sống còn phụ thuộc vào khả năng thích nghi với thị trường cao cấp nhiều biến động.
8 thương hiệu doanh thu vượt mốc 1 tỷ USD
Dẫn đầu thị phần với doanh thu 10,6 tỷ CHF (khoảng 11,98 tỷ USD), chiếm 32,1% toàn ngành, Rolex khẳng định vị thế không thể thay thế. Chương trình đồng hồ C.P.O và việc mua lại Bucherer giúp thương hiệu củng cố kênh bán hàng trực tiếp.
Cartier giữ vị trí thứ hai với con số 3,2 tỷ CHF (khoảng 3,62 tỷ USD). Thương hiệu nổi bật với dòng Tank dễ nhận diện, giá dễ tiếp cận dưới 3.500 USD, thu hút thế hệ trẻ mà vẫn giữ được sự sang trọng.
Omega đạt 2,4 tỷ CHF (khoảng 2,71 tỷ USD), là trụ cột của Swatch Group khi đóng góp 75% lợi nhuận. Thành công này phần lớn đến từ 2 bộ sưu tập chủ lực Seamaster và Speedmaster. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh bán hàng trực tiếp qua boutique cũng giúp Omega gia tăng biên lợi nhuận và kiểm soát tốt hình ảnh thương hiệu.
Audemars Piguet cũng vươn lên cùng doanh thu ước tính 2,4 tỷ CHF, hãng đẩy mạnh phân khúc nữ và đồng hồ phức tạp từ năm ngoái. Royal Oak vẫn là quân át chủ bài, đặc biệt là mẫu Royal Oak Ref. 15202 từng được bán với giá 180.000 USD trên thị trường thứ cấp. Hãng gần như loại bỏ kênh bán buôn và triển khai mô hình lounge bán lẻ để tăng kiểm soát trải nghiệm khách hàng.
Rolex tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu, bất chấp sự suy giảm của thị trường đồng hồ Thụy Sĩ. Ảnh minh họa: Watch Swiss.
Là thương hiệu giữ kỷ lục trong các phiên đấu giá đồng hồ, Patek Philippe vẫn là cái tên được săn đón bậc nhất. Năm 2024, doanh số của hãng tăng từ 2,05 tỷ lên 2,3 tỷ CHF (khoảng 2,6 tỷ USD), phần lớn nhờ chiến lược nâng giá. Mẫu Cubitus mới của thương hiệu có giá 41.240 USD, cho thấy sức hút “Hermès của đồng hồ” chưa hề giảm.
Với mức giá trung bình gần 272.000 CHF (khoảng 308.000 USD), Richard Mille là thương hiệu có mức giá bán cao nhất trong nhóm tỷ USD. Những chiếc đồng hồ hình tonneau và vật liệu tiên tiến luôn duy trì giá trị tốt trên thị trường thứ cấp. Năm 2024, hãng đạt doanh số 1,6 tỷ CHF (khoảng 1,81 tỷ USD), kỳ tích với một thương hiệu mới chỉ thành lập cách đây 2 thập kỷ.
Từng là một trong những thương hiệu đạt tỷ USD đầu tiên, Longines hiện ở thế chông chênh với doanh thu ước tính 1,1 tỷ CHF (khoảng 1,24 tỷ USD). Sự sụt giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ hãng còn giữ được mốc tỷ USD.
Vacheron Constantin giảm doanh thu còn 942 triệu CHF (khoảng 1,06 tỷ USD), nhưng vẫn được đánh giá là thương hiệu vững vàng trong “tam thánh” cùng với A.P. và Patek Philippe, sẵn sàng phục hồi khi thị trường ổn định trở lại.
Như Phương