Đạo diễn, chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang chia sẻ với Báo điện tử VTC News về sự độc hại của những clip "giang hồ mạng", những clip dàn dựng lệch lạc cuộc sống trong tù và tác hại của những clip này đối với thế hệ trẻ.
- Với con mắt của một đạo diễn, chuyên gia văn hóa, ông lý giải thế nào về việc các clip kiểu "giang hồ mạng", các clip dàn dựng cuộc sống trong tù trở thành hiện tượng mạng?
Đạo diễn, chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang.
Theo tôi có ba lý do chính. Thứ nhất, không chỉ bây giờ mà cả trong quá khứ, những nội dung hay câu chuyện về “dân giang hồ, xã hội” vẫn luôn hấp dẫn sự tò mò của con người. Câu chuyện về giới giang hồ thường gắn liền với các yếu tố phiêu lưu, kịch tính, những pha hành động, thậm chí có cả yếu tố “trượng nghĩa” - vì anh em mà sẵn sàng bỏ mạng.
Trong tâm lý học, có một cõi bản năng luôn thường trực trong mỗi chúng ta, đó là “bản năng ác” (thanatos). Đặc trưng của loại bản năng này là luôn muốn áp đặt ý chí, sức mạnh của mình cho người khác và luôn khát khao chiến thắng. Vậy nên cũng dễ hiểu khi những clip kiểu “giang hồ mạng” xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, chiếm lượng view lớn, đó là vì nó ít nhiều chạm đến bản năng ác, kích thích tính tò mò của con người.
Thứ hai, những người tạo ra content (nội dung) kiểu “giang hồ mạng” hay kiểu tự sự “đời sống trong tù” xét cho cùng không có năng lực làm ra những nội dung sạch, những nội dung tích cực cho con người và xã hội. Kèm với đó là thói háo danh và việc nhìn thấy lợi ích vật chất tức thời có được nhờ sự nổi tiếng trên mạng xã hội. Sự bất chấp tất cả để đạt mục đích khiến họ cho ra đời các sản phẩm tiêu cực, gây hại cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Thứ ba, cơ chế quản lý của chúng ta đối với những sản phẩm video trên mạng xã hội còn lỏng lẻo, chưa có chế tài quyết liệt để xử lý các clip rác, clip xấu độc. Điều đó tạo ra kẽ hở để những clip “giang hồ mạng” hay “cuộc sống trong tù” ra đời dễ dàng, hầu như không bị cản trở hay xử phạt.
- Những sản phẩm này có xứng đáng được coi là "phim ngắn" như những người sản xuất tự phong?
Chắc chắn nó không phải là phim hay sản phẩm nghệ thuật mà chỉ là những clip xấu độc, những thứ “rác mạng” đang trôi nổi! Đã là phim ảnh, là nghệ thuật thì dù có khai thác những góc khuất, mặt trái của xã hội thì mục đích cuối cùng vẫn là truyền tải thông điệp tích cực rằng hãy tránh xa những thứ tiêu cực, những điều tàn ác, hướng con người đến sự nhân văn.
Và hiển nhiên, đã là phim ảnh - nghệ thuật thì bao giờ cũng có cốt truyện, có diễn biến tâm lý nhân vật, có sự đấu tranh giữa thiện và ác, có độ căng và cuối cùng nhân vật sẽ tìm đến sự hoàn lương hoặc tìm đến đích sống nhân văn tích cực. Trong khi đó, các clip kiểu “giang hồ mạng” chủ yếu phô trương tiền bạc, phô trương thanh thế, kích động bạo lực và lối sống tha hóa, bầy đàn, vô thiên vô pháp, không thể gọi là nghệ thuật được.
- Theo ông, độ viral của những tác phẩm này có quan hệ thế nào với khán giả trẻ - những người đang khát khao thể hiện mình, khát khao được chú ý nhưng cũng rất cô đơn?
Rất nguy hại khi những clip xấu độc này lên xu hướng hoặc viral, vì nó sẽ hủy hoại cả thế hệ trẻ, khi những người trẻ học, làm theo nội dung tiêu cực trong các clip đó. Người xem những clip trên chủ yếu trong độ tuổi từ 14 đến 26 - lứa tuổi rất dễ đánh mất mình khi có yếu tố khách quan tác động mạnh đến “bản năng ác”. Nội dung từ các clip “giang hồ mạng” sẽ khiến người trong độ tuổi trên lựa chọn lối sống buông thả giống như những gì phản ánh trong clip, từ đó sẽ tạo ra hệ lụy gây mất an ninh, an toàn cho xã hội!
Tôi đã rất nhiều lần phát ngôn trên báo chí rằng, mạng là ảo nhưng người học và làm theo những gì trên mạng lại là thực. Với mạng xã hội thì ranh giới giữa ảo và thực rất mong manh, mờ nhạt. Ngay cả đối với những người có kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm sống đầy đủ, trong một giây phút không làm chủ suy nghĩ của mình, họ cũng rất có thể sa vào cái bẫy của mạng xã hội.
Vì vậy, nếu chúng ta không tự tạo ra cho mình một “vòng khiên” kháng ngự lại sức cuốn hút của những clip lệch chuẩn trên thì đến một lúc nào đó, chính chúng ta, con cái chúng ta và xã hội sẽ bị cuốn theo, bị tác động, bị dẫn lối trong suy nghĩ và hành động từ những “hệ hình thẩm mỹ đen” hay “những những ánh hào quang ảo tưởng” đó.
Với người trẻ, những clip lệch chuẩn sẽ không chỉ khiến họ ảo tưởng kiểu “không lao động mà cũng được hưởng thụ”, hoặc bị nhồi nhét vào não tâm thế của “những ông trùm băng đảng”, mà còn dẫn dắt họ sa vào những hành vi vi phạm pháp luật. Cuộc sống của họ rồi sẽ bị trượt dài bởi những “hào quang mạng ảo tưởng” đó cho đến khi cánh cửa nhà giam mở ra và tương lai khép lại!
- Có một điều còn nguy hiểm hơn, những giang hồ thực sự làm clip đăng lên mạng xã hội để gây hấn với giang hồ khác và lôi kéo thanh thiếu niên lệch chuẩn gia nhập làm đàn em. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
Đúng là có hiện tượng “giang hồ mạng” khiêu chiến với nhau thông qua các clip thách thức, phân chia địa bàn hoạt động. Đây chỉ là sự thay đổi về cách thức gây hấn và hoạt động so với “giang hồ truyền thống”, còn bản chất manh động, liều lĩnh, hiếu chiến, gây bạo loạn xã hội là như nhau.
Nếu như “giang hồ truyền thống” chọn cách “va nhau” bằng vũ khí nóng, bằng các hành động sát thương thì “giang hồ mạng” lại chọn cách khiêu chiến thông qua kêu gọi “người hâm mộ” ủng hộ, từ đó gây sức ép đối với nhóm khác. Xét về quy mô, tính chất, mức độ thì ảnh hưởng tiêu cực của “giang hồ mạng” đến xã hội lớn hơn và dai dẳng hơn “giang hồ truyền thống”.
- Theo ông, các cơ quan quản lý cần có biện pháp cứng rắn nào để đối phó với sự hoành hành của những clip “giang hồ mạng”, clip dàn dựng lệch lạc về cuộc sống trong tù?
Tôi cho rằng nên cân nhắc việc luật hóa hình sự đối với những “giang hồ mạng” nếu như các clip tuyên chiến hay phân chia địa bàn của nhóm người trên đủ cơ sở pháp lý hình sự.
Ảnh hưởng của “giang hồ mạng” là rất lớn và rất dai dẳng đối với an ninh trật tự xã hội. Vì vậy, các cơ quan liên ngành cần đưa ra bộ công cụ phát hiện đánh giá kịp thời các hiện tượng mạng xã hội nói chung, các nội dung xấu độc “giang hồ mạng” nói riêng, để từ đó có những biện pháp, chế tài ngăn ngừa và xử phạt thích đáng.
Xã hội ảo ngày càng phức tạp! Nếu chúng ta không chung tay ngăn chặn những luồng thông tin xấu độc thì chỉ một thời gian không xa nữa, xã hội thực của chúng ta sẽ phải hứng chịu hệ lụy khôn lường từ nó.
- Xin cảm ơn ông!