Trong bài viết quan trọng về chống lãng phí mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển…”.
Ngày 4-11, tại nghị trường, khi thảo luận báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề cập đến vấn đề lãng phí, đồng thời các đại biểu đề xuất các giải pháp căn cơ để chống nạn này.
Bị cáo Tề Trí Dũng tại phiên tòa phúc thẩm xử vụ SADECO bán rẻ 9 triệu cổ phần, gây thiệt hại hơn 1.103 tỉ đồng, trong đó thất thoát tài sản nhà nước hơn 669 tỉ đồng. Ảnh: NGUYỆT NHI
Dấu hiệu cấu thành tội về gây lãng phí
BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định hành vi lãng phí là tội phạm tại Điều 219, đó là tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Đây là tội phạm mới và chỉ áp dụng đối với hành vi được thực hiện từ 0 giờ 00 phút ngày 1-1-2018.
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước mới có thể là chủ thể của tội phạm này (chủ yếu là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức).
Tội vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí là tội xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị).
Tài sản bị lãng phí là tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Người phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí thực hiện hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của người được giao quản lý, sử dụng tài sản công như sử dụng tài sản công không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và không hiệu quả, lãng phí; không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ tài sản nhà nước theo quy định; không báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao theo quy định của pháp luật.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí là tội danh mới nhưng từ lúc có hiệu lực đến giờ, đã có không ít người bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội này.
Gây thất thoát, lãng phí 100 triệu là “dính chưởng”
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này. Đó là gây thất thoát, lãng phí nhưng cũng phải gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng trở lên. Nếu thiệt hại dưới 100 triệu đồng thì người có hành vi lãng phí phải là người đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì mới bị coi là tội phạm.
Gây thất thoát là làm mất mát, hư hỏng hoặc bị người khác chiếm đoạt làm mất một phần hoặc toàn bộ khả năng quản lý của Nhà nước hoặc của chủ sở hữu. Lãng phí là làm tốn kém, hao tổn một cách vô ích. Lãng phí đồng nghĩa với phí phạm, phung phí và trái nghĩa với tiết kiệm.
Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 193 BLHS 2015 thì bị phạt tù 2-5 năm; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều luật thì bị phạt tù 5-10 năm; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều luật thì bị phạt tù 10-15 năm; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 điều luật thì bị phạt tù 15-20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Dù đây là tội danh mới nhưng từ lúc BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực đến giờ, đã có không ít người bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội này. Điển hình là vụ SADECO bán rẻ 9 triệu cổ phần, gây thiệt hại hơn 1.103 tỉ đồng, trong đó thất thoát tài sản nhà nước hơn 669 tỉ đồng.•
Các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công
Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công gồm:
- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công.
- Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
- Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.
- Sử dụng ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
- Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.
- Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật.
- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công.
- Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
- Hành vi bị nghiêm cấm khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật có liên quan.
Trong các hành vi trên có hành vi cấu thành tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí nhưng cũng có hành vi cấu thành các tội phạm khác và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng. Ví dụ nếu người phạm tội lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công hay hủy hoại hoặc cố ý làm hỏng tài sản công và hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công hoặc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng với hành vi mà người đó thực hiện. Đó là các tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 BLHS; tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 BLHS; tội chiếm giữ trái phép quy định tại Điều 176 BLHS; tội sử dụng trái phép tài sản quy định tại Điều 177 BLHS; tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 BLHS…
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao