Chiều 5/11, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sơ kết 01 năm triển khai Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 và triển khai Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.
Dự Hội nghị có Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Anh
Triển khai Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công giai đoạn 2023-2025, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 155 vào ngày 26/5/2023 với sự phân công rõ ràng gồm 9 nhóm giải pháp và 67 nhiệm vụ (bao gồm cả các nhiệm vụ có thời hạn và thường xuyên). Sau một năm thực hiện, công tác quản lý tài sản công của Thành phố Hà Nội đã có những bước tiến vượt bậc, đi vào nề nếp, mang tính khoa học hơn và đạt được những cải thiện đáng kể.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, Thành phố nhận thức tầm quan trọng của tài sản công với 7 nhóm tài sản công. Nếu không rà soát, xây dựng dữ liệu quản lý thì rõ ràng sẽ gây ra lãng phí. Chính vì vậy, Thành ủy chỉ đạo, Hội đồng nhân dân Thành phố vào cuộc, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Đề án tài sản công.
"Qua rà soát khi xây dựng Đề án cho thấy số lượng quy mô tài sản công trên địa bàn Thành phố rất lớn với đầy đủ 7 nhóm trong danh mục. Riêng tài sản của khối hành chính sự nghiệp là 455.000 tài sản/3.958 đơn vị. Với số lượng, quy mô lớn như vậy, cho nên việc đưa tài sản công vào quản lý, khai thác rất quan trọng", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Minh Hải cho biết.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Minh Hải cũng điểm lại một số nhiệm vụ nổi bật đã hoàn thành khi triển khai Đề án như: Xây dựng quy chế phối hợp định kỳ cung cấp thông tin tài sản công, lập kế hoạch xử lý nợ nghĩa vụ tài chính đối với quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước và tham mưu cho Ủy ban nhân dân về đề án khắc phục các tồn tại trong quản lý quỹ nhà.
Thành phố Hà Nội xây dựng Đề án đặt ra 4 mục tiêu cụ thể, chi tiết hướng đến từng giai đoạn, với tinh thần chung là giao nhiệm vụ theo phương châm "5 rõ". Cụ thể có 29 nhiệm vụ có thời hạn, 38 nhiệm vụ thường xuyên. Trong 15 nhiệm vụ đã hoàn thành, có 6 nhiệm vụ quan trọng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Anh
Để triển khai Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý của Thành phố từ 0h ngày 01/01/2025, tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Minh Hải đề nghị Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, tăng cường phổ biến, quán triệt nội dung các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan của Thành phố về công tác tổng kiểm kê tài sản; khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê; xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn và tiến độ hoàn thành, trách nhiệm được phân công.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Sở Tài chính chủ trì sớm triển khai các nội dung trong Luật Thủ đô; Nghị định 108/2024/NĐ-CP ngày 23/8/2024 của Chính phủ. Trong đó, đặc biệt lưu ý rà soát "3Q" gồm: Rà soát toàn bộ quy hoạch ngành để tránh lãng phí; rà soát lại quy chế, quy trình liên thông để báo cáo các đơn vị của Thành phố; rà soát lại toàn bộ quy chuẩn tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá...
"Nếu rà soát được "3Q" thì khai thác quản lý tài sản công mới đồng bộ được. Từ đó sẽ phân cấp triệt để mạnh mẽ, không có chuyện thêm một bước nữa xin ý kiến sở, ngành", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị Sở Tài chính đẩy nhanh rà soát sắp xếp tài sản công; đẩy mạnh chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu theo tinh thần "đúng, đủ, sạch sống", có cơ chế cập nhật; tận dụng dữ liệu thông tin sẵn có để chia sẻ. Các ngành tiếp tục rà soát các tồn đọng với tinh thần để sớm khai thác sử dụng hiệu quả tài sản công, "xử lý để khai thác, để phát triển". Các đơn vị phải chịu trách nhiệm về số lượng tài sản được giao để quản lý tài sản công.
Minh Chi