Có bắt buộc phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương?

Có bắt buộc phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương?
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 10-2, trên mạng xã hội xôn xao về video quay cảnh xe Toyota Fortuner không chịu vượt đèn đỏ ở ngã tư để nhường đường cho xe cứu thương đang phát tín hiệu còi ưu tiên phía sau. Được biết, clip được ghi tại ngã tư đại lộ Lê Nin giao với đường Phạm Đình Toái (TP Vinh, Nghệ An).
Theo đó, clip của người dân đi phía sau quay lại cho rằng “xe ô tô cá nhân phía trước không chịu nhường đường cho xe cấp cứu” khi đang dừng đèn đỏ. Trong khi đó, chiếc xe cấp cứu có bật còi và đèn ưu tiên. Chỉ đến khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang xanh, chiếc xe Toyota Fortuner di chuyển thì xe cứu thương mới tiếp tục chạy được.
Chiếc xe cứu thương hú còi, bật đèn ưu tiên phía sau. Ảnh: Cắt từ video clip.
Đến tối 10-2, trên một diễn đàn mạng xã hội lại xuất hiện đoạn video clip quay cảnh xe cứu thương bật còi và đèn ưu tiên nhưng xe ô tô và cả xe máy dừng đèn đỏ (ở ngã tư) phía trước cũng không vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương.
Đoạn clip trên của người dân đi sau ghi lại tại đoạn đại lộ Lê Nin (TP Vinh), gần Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Bộ Công an: Không phạt người vượt đèn đỏ nhường đường xe cứu thương
Ngày 23-1, Bộ Công an đã giải đáp thắc mắc của người dân về việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên như xe cấp cứu, xe chữa cháy có bị xử phạt theo Nghị định 168.
Theo Bộ Công an, hành vi này được coi là hành động trong tình thế cấp thiết và không bị xử phạt theo Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khoản 5 Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (số 36/2024) quy định rõ: khi gặp xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ khẩn cấp, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ, đi sát lề phải hoặc dừng lại để nhường đường.
Bộ Công an nhấn mạnh, người dân có thể yên tâm khi vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên trong tình thế cấp thiết, bởi đây không bị coi là vi phạm hành chính. Các xe ưu tiên bao gồm: xe cứu thương, xe chữa cháy, xe công an, quân sự làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu hộ, xe hộ đê, đoàn xe tang và các xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ hoặc khắc phục thiên tai, dịch bệnh.
Luật không quy định các phương tiện được phép vượt đèn đỏ cho trường hợp này. Do đó, đối với các phương tiện đang dừng chờ đèn đỏ, việc không vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên (như xe cứu thương) là không sai quy định và không bị xử phạt.
Vậy có buộc phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương?
Sau khi Bộ Công an có phản hồi thì thực tế lại tiếp tục phát sinh những tình huống khác như vụ việc xảy ra tại TP Vinh, Nghệ An nêu trên. Khi đó, bạn đọc đặt ra câu hỏi: Có buộc phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương hay không?
Nêu quan điểm, luật sư Nguyễn Thế Cương (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng nhường đường cho xe ưu tiên, trong đó có xe cứu thương đang làm nhiệm vụ là trách nhiệm của tất cả người tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc nhường đường cho xe ưu tiên không đồng nghĩa với việc phải vi phạm luật như vượt đèn đỏ trong mọi tình huống. Việc nhường đường cần phải đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy tắc giao thông hiện hành.
Dẫn chứng quy định, luật sư Cương cho rằng khoản 5 Điều 27 Luật Trật tự An toàn Giao thông đường bộ 2024 quy định khi phát hiện tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông phải giảm tốc độ, đi sát lề phải hoặc dừng lại để nhường đường. Luật không quy định các phương tiện được phép vượt đèn đỏ cho trường hợp này. Do đó, đối với các phương tiện đang dừng chờ đèn đỏ, việc không vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên (như xe cứu thương) là không sai quy định và không bị xử phạt.
Ở góc độ khác, dù biết xe cứu thương đang rất gấp rút di chuyển nhưng vấn đề vượt đèn đỏ nếu có trong trường hợp này lại tồn tại nguy cơ có thể gây tai nạn giao thông với các phương tiện đang tham gia giao thông khác nên không thể bắt buộc vượt đèn đỏ được.
Dù vậy, luật sư Cương cho rằng trong trường hợp có thể di chuyển sang làn khác hoặc tấp vào lề đường để tạo khoảng trống cho xe cứu thương mà không vi phạm luật, người tham gia giao thông nên thực hiện. Điều này không chỉ giúp xe cứu thương di chuyển thuận lợi mà còn đảm bảo an toàn cho tất cả các bên.
Trường hợp có thể di chuyển sang làn khác hoặc tấp vào lề đường để tạo khoảng trống cho xe cứu thương mà không thực hiện thì sẽ bị xử phạt về hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ. Mức phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với xe ô tô và 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với xe máy (theo điểm b khoản 6 Điều 6 và điểm đ khoản 7 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe).
Luật sư Cương cũng nhấn mạnh nhường đường cho xe cứu thương là nghĩa vụ quan trọng, nhưng cần thực hiện đúng cách, đánh giá tình hình để vừa hỗ trợ công tác cứu hộ, vừa tuân thủ luật giao thông, tránh gây nguy hiểm cho chính mình và người khác.
Cùng quan điểm, luật sư Quảng Khoa Toản (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì cho rằng hành vi vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương được coi là hành động trong tình huống cấp thiết. Và Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định không xử phạt vi phạm nếu xảy ra trong tình huống cấp thiết.
Tuy nhiên, cũng không có quy định nào bắt buộc phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe cứu thương phía sau.
Cần quy định hoặc hướng dẫn thống nhất
Liên quan đến việc có bị xử phạt hành vi vượt đèn đỏ khi nhường đường cho xe cứu thương hay không, Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết. Tuy nhiên, để xem xét hành vi vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có phải là tình thế cấp thiết hay không lại tùy thuộc vào cơ quan có thẩm quyền xử phạt chứ không phải người vi phạm.
Xuất phát từ công việc của các xe ưu tiên như xe cấp cứu cần nhanh chóng chở bệnh nhân đến bệnh viện, nhiều ý kiến sẽ cho rằng cần phải vượt đèn đỏ để nhường đường cho các xe ưu tiên. Tuy nhiên, để áp dụng thống nhất trong trường hợp này, Chính phủ cần ban hành nghị định hướng dẫn rằng việc vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên được xem là không vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Có như vậy thì việc áp dụng được rõ ràng, thống nhất và người dân mới “mạnh dạn” nhường đường cho các loại xe ưu tiên trong trường hợp có đủ điều kiện cho phép và đảm bảo an toàn giao thông.
ThS NGUYỄN NHẬT KHANH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM
YẾN CHÂU
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/co-bat-buoc-phai-vuot-den-do-de-nhuong-duong-cho-xe-cuu-thuong-post833751.html