Mahrukh (13 tuổi, sống tại Faizabad, vùng đông bắc Afghanistan) từng mơ ước trở thành nữ thẩm phán, góp phần mang công lý cho xã hội. Nhưng hiện tại, điều duy nhất cô bé khao khát là được tiếp tục đến trường và tự do sống cuộc đời mình, không bị ép gả cho người đàn ông gấp 3 tuổi mình.
Bất chấp 3 tự tử đầy tuyệt vọng, cha của Mahrukh là Raziq, 55 tuổi, vẫn kiên quyết gả con gái cho người đàn ông giàu có làm nghề khai thác vàng, được cho là bạn thân của ông. Người này sẵn sàng trả bất kỳ khoản hồi môn nào mà Raziq yêu cầu để đổi lấy một cô dâu chưa trưởng thành, mà theo lời những người chứng kiến thì trông Mahrukh còn nhỏ hơn cả tuổi thật.
Cô bé 13 tuổi từng mơ ước trở thành thẩm phán, giờ đây đã hoàn toàn tuyệt vọng. (Ảnh minh họa: Getty Images)
Raziq không hề bị lay chuyển bởi sự kháng cự của con gái, thậm chí còn buông lời tàn nhẫn: “Nếu nó chết, xác của nó cũng thuộc về người đàn ông đó". Đây không phải lần đầu Raziq ép gả con khi còn nhỏ. Ông từng gả bốn cô con gái khác khi họ còn ở tuổi vị thành niên.
Chia sẻ với tờ Rukshana, một ấn phẩm chuyên thúc đẩy quyền của phụ nữ Afghanistan, mẹ của Mahrukh, bà Amina, kể lại khoảnh khắc biết việc gả chồng cho con gái: “Hôm đó là bữa tối vào tháng 6/2024, Raziq đột nhiên nói: ‘Tôi đã gả Mahrukh cho Qader. Cầu Chúa phù hộ cho cuộc hôn nhân của con bé'. Tôi chết lặng. Tôi nói: ‘Không thể nào, con bé chỉ là một đứa trẻ'".
Thế nhưng, phản ứng của chồng bà chỉ là sự mắng nhiếc: “Đừng nói nữa, đồ đàn bà ngốc nghếch. Nó đã lớn rồi, hãy để nó tự quyết định số phận. Tốt hơn là nó nên lấy chồng sớm, càng lấy chồng sớm càng có phẩm giá hơn".
Theo Amina, chồng bà là người rất sùng đạo và bảo thủ, luôn phản đối việc cho con gái đến trường. Bà từng cố gắng thuyết phục chồng thay đổi quan điểm, nhưng không thành công. Giờ đây, bà sống trong nỗi sợ hãi rằng con gái mình sẽ tìm đến cái chết một lần nữa trước ngày cưới.
Amina cho biết kể từ sau khi đón con từ Bệnh viện Faizabad (Badakhshan) về nhà, cả hai mẹ con đều rơi vào trạng thái suy sụp nặng nề: "Tôi không khỏe. Đầu tôi đau như muốn nổ tung. Huyết áp tụt liên tục. Tôi cảm thấy rất yếu. Còn con gái tôi thì đau đớn đến mức tôi không biết phải làm gì để giúp con bé".
Cô bé khao khát được tiếp tục đến trường và được sống cuộc đời tự do của chính mình. (Ảnh minh họa: Getty Images)
Chuyện của Mahrukh là một phần trong chuỗi bi kịch đang diễn ra tại Afghanistan, nơi phụ nữ và trẻ em gái ngày càng bị tước đoạt quyền cơ bản. Trước đó có một vụ việc tương tự gây chấn động, người đàn ông 45 tuổi cưới bé gái chỉ mới 6 tuổi tại quận Marjah. Thậm chí cả Taliban, tổ chức quân sự và phong trào Hồi giáo Deobandi tại Afghanistan, cũng phải lên tiếng yêu cầu chú rể chờ đến khi cô bé tròn 9 tuổi mới được rước dâu.
Từ khi Taliban trở lại cầm quyền vào năm 2021, tình trạng tảo hôn ở Afghanistan gia tăng chóng mặt. Phụ nữ bị buộc mặc đồ che kín toàn thân, bị cấm làm việc, học tập, không được đi lại nếu không có nam giới đi kèm. Những chính sách áp chế này khiến hàng loạt bé gái rơi vào cảnh bị gả khi còn quá nhỏ.
Theo báo cáo mà Liên Hợp Quốc công bố năm 2023, số cuộc hôn nhân trẻ em ở Afghanistan đã tăng tới 25% chỉ trong vài năm gần đây. Lý do bao gồm sự áp bức có hệ thống, nghèo đói và quan niệm xem phụ nữ như tài sản có thể trao đổi.
Hiện tại, Afghanistan không có bất kỳ quy định nào về độ tuổi kết hôn tối thiểu. Trước kia, luật pháp do phương Tây hỗ trợ thiết lập từng quy định 16 là độ tuổi kết hôn hợp pháp đối với nữ. Tuy nhiên, quy định này bị xóa bỏ sau khi Taliban kiểm soát đất nước.
Giấc mơ trở thành thẩm phán của một bé gái bị bóp nghẹt bởi lời hứa hồi môn và sự ép buộc của gia đình, Mahrukh là đại diện cho hàng nghìn cô bé khác tại Afghanistan, những người không được phép tự quyết định tương lai của mình.
Nhật Thùy (Nguồn: Mirror)