Cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển khoa học, công nghệ

Cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển khoa học, công nghệ
một ngày trướcBài gốc
Các thành viên đội DNA Mechatronics, Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu sản phẩm tại vòng chung kết Sáng tạo trẻ 2024. Ảnh N.M
Cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô
Chia sẻ về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ trong Luật Thủ đô 2024, TS Nghiêm Đình Đạt cho biết, Luật Thủ đô 2024 là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại, xứng tầm Thủ đô. Luật không chỉ giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra mà còn mở ra những cơ hội lớn cho Hà Nội phát triển bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát huy tốt vai trò của Thủ đô trong bối cảnh phát triển mới.
TS Nghiêm Đình Đạt cho biết thêm, Luật Thủ đô 2024 đã xác định Thủ đô Hà Nội là "đô thị loại đặc biệt" là "trung tâm chính trị - hành chính quốc gia" và là "trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước". Một trong những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô 2024 là quy định các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô, trong đó, tại Điều 23, đã đặt ra những quy định và cơ chế cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Thủ đô Hà Nội.
Theo TS Nghiêm Đình Đạt, về phát triển đồng bộ các lĩnh vực KHCN; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược, coi KHCN là nền tảng và động lực then chốt cho sự phát triển của Thủ đô. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Luật không chỉ nhấn mạnh việc phát triển toàn diện các lĩnh vực KHCN mà còn ưu tiên tập trung nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đầu tư, để xây dựng Hà Nội thành một trung tâm dẫn đầu về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cũng như nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ, không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn ở tầm khu vực.
Đồng thời, xác định rõ các lĩnh vực trọng điểm về KHCN của Thủ đô. Các lĩnh vực này bao gồm: công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu. HĐND TP có thẩm quyền quyết định bổ sung các lĩnh vực khác, bảo đảm sự linh hoạt và phù hợp với tình hình phát triển thực tế. UBND TP chịu trách nhiệm ban hành danh mục nhiệm vụ KHCN trọng điểm và quy chế quản lý, bảo đảm tính khoa học, hiệu quả và minh bạch.
Luật quy định các chính sách ưu đãi cụ thể dành cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN trọng điểm. Luật cũng đề ra các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN, tạo cơ chế khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức KHCN công lập trên địa bàn TP được thành lập hoặc tham gia thành lập DN, góp vốn vào DN để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu của mình. Viên chức tại các cơ sở này được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành DN khi có sự đồng ý của người đứng đầu. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về vấn đề này.
Động lực tăng trưởng
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, Hà Nội là nơi hội tụ hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước, cùng với 82% phòng thí nghiệm và nhiều chuyên gia đầu ngành. Đây cũng là điểm kết nối giữa các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, lợi thế này chưa được khai thác hết tiềm năng. Cùng với đó, số DN có sản phẩm thương mại từ kết quả khoa học công nghệ còn ít, chỉ chiếm vài chục trong số hơn 325.000 DN đăng ký hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Nguyên nhân chính là do các thủ tục hành chính còn phức tạp, khiến quá trình chuyển giao công nghệ gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, những tiến bộ công nghệ thông tin và truyền thông chưa được thúc đẩy mạnh mẽ để theo kịp sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự thiếu linh hoạt trong cơ chế thử nghiệm công nghệ và thiếu hành lang pháp lý cũng gây khó khăn cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới.
Luật Thủ đô 2024 đã đưa ra những giải pháp đặc thù nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Một trong những điểm đột phá là Điều 25, cho phép thử nghiệm công nghệ, sản phẩm và mô hình kinh doanh mới dưới sự kiểm soát đặc biệt từ các cơ quan Nhà nước. Đây là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, giúp các DN, tổ chức có thể triển khai ý tưởng sáng tạo trong thời gian tối đa 3 năm và gia hạn thêm một lần không quá 3 năm.
Ngoài ra, luật cũng quy định các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm mà Hà Nội sẽ tập trung phát triển, bao gồm công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa, và các giải pháp công nghệ môi trường nhằm giảm phát thải carbon và ứng phó với biến đổi khí hậu. Những DN hoạt động trong các lĩnh vực này sẽ nhận được hỗ trợ về máy móc, thiết bị, và ưu đãi tài chính từ ngân sách TP, tương tự như các DN công nghệ cao.
Đặc biệt, luật còn tạo cơ hội cho các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tổ chức khoa học công lập được thành lập hoặc tham gia góp vốn vào DN để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình. Điều này giúp kết nối giữa nghiên cứu và thực tiễn, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học vào đời sống và phát triển kinh tế.
Luật Thủ đô 2024 không chỉ hướng tới việc phát triển khoa học công nghệ mà còn truyền cảm hứng cho khởi nghiệp sáng tạo. Các DN khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ được hỗ trợ chi phí ươm tạo, tuyển chọn dự án, và thuê chuyên gia. Điều này không chỉ khuyến khích DN trong nước mà còn thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến với Hà Nội.
Khi Hà Nội đi đầu trong đổi mới sáng tạo, TP sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các quỹ đầu tư nước ngoài và DN công nghệ. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, đề ra phương hướng phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Việc tiên phong trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ giúp Thủ đô tăng cường vị thế cạnh tranh và dẫn dắt xu hướng phát triển khu vực.
Luật Thủ đô năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội. Với những chính sách đột phá và cơ chế thử nghiệm linh hoạt, luật này không chỉ mở ra cơ hội cho các DN và nhà nghiên cứu mà còn tạo đà phát triển bền vững cho nền kinh tế Thủ đô.
Luật Thủ đô 2024 có rất nhiều nội dung quan trọng, đặc thù. Đặc biệt là những chính sách về phát triển khoa học công nghệ. Để phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học công nghệ, Luật ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực; có nhiều cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho khoa học công nghệ phát triển và có cơ chế để đội ngũ trí thức của Thủ đô có điều kiện phát triển, cống hiến cho Thủ đô và cho đất nước - Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Nhã Nam
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-che-chinh-sach-dac-thu-ve-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-413691.html