Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410km. Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200km. Như vậy đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617km.
Từ nay đến năm 2035, Thành phố Hà Nội sẽ triển khai 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 413km, tổng mức đầu tư 37 tỷ USD. 10 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô gồm: Tuyến số 1, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên dài hơn 38 km; Tuyến số 2, Nam Thăng Long (kéo dài đi Sóc Sơn) dài hơn 47 km; Tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, kéo dài Xuân Mai dài 33 km; Tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, kéo dài đến Sơn Tây dài 57 km; Tuyến số 4, Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà dài 54 km; Tuyến số 5, Văn Cao - Hòa Lạc dài 38 km; Tuyến số 6, Nội Bài - Ngọc Hồi dài 43 km; Tuyến số 7, Hà Đông - Mê Linh dài 28 km; Tuyến số 8, đoạn Sơn Động - Mai Dịch, kéo dài đến Dương Xá dài 39 km; Tuyến số 9, Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai dài 32 km.
Đến năm 2045, Thành phố Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 5 tuyến còn lại, dài hơn 200 km, với nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỷ USD. 5 tuyến bổ sung theo điều chỉnh Quy hoạch chung gồm: Tuyến 1A, Ngọc Hồi - sân bay thứ 2 phía Nam dài 29 km; Tuyến số 9, Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá dài; 48 km; Tuyến số 10, Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa dài 12 km; Tuyến số 11, vành đai 2 - trục phía Nam - sân bay thứ 2 phía Nam, dài 42 km; Tuyến số 12, Xuân Mai - Phú Xuyên dài 45 km.
Xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị liên kết các khu vực xung quanh Hà Nội, kết nối với các tỉnh như: Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam… sẽ tạo điều kiện cho người dân dễ dàng di chuyển vào trung tâm thành phố, giảm tải cho các tuyến giao thông đường bộ và hỗ trợ phát triển kinh tế các vùng lân cận. Phát triển các tuyến đường sắt kết nối với các đô thị vệ tinh đang phát triển như Hoài Đức, Sơn Tây, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phú Xuyên không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển của các khu vực này, đồng thời tạo ra các cơ hội kinh tế mới.
Trong năm 2025, Thành phố Hà Nội đang đặt quyết tâm khởi công 2 tuyến đường sắt đô thị. Tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km, gồm 8,9km đi ngầm và 2,6km đi trên cao, với tổng cộng 7 ga ngầm và 3 ga trên cao. Phương tiện vận tải gồm 10 đoàn tàu 4 toa, đường sắt đôi khổ 1.435mm và 1 depot tại Xuân Đỉnh - Bắc Từ Liêm. Theo kế hoạch, dự án có tổng mức đầu tư 35.000 tỉ đồng, tăng hơn 80% so với dự kiến ban đầu. Nguồn vốn ODA chủ yếu từ Nhật Bản (khoảng 167.079 triệu Yên, quy đổi theo tỉ giá hiện tại khoảng hơn 27.500 tỉ đồng). Vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội là 5.916 tỉ đồng. Dự án được phê duyệt từ năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào năm 2031. Sau khi được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Dự án sẽ triển khai huy động lại tư vấn chung thực hiện điều chỉnh dự án để UBND Thành phố phê duyệt và triển khai thi công Dự án từ năm 2025. Dự án bao gồm 3 đoạn tuyến, gồm: Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Tuyến 2.1); tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (Tuyến 2.2); tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nội Bài - Nam Thăng Long (Tuyến 2.3). Tuyến metro số 2 khi hoàn thành sẽ tạo thành trục xương sống quan trọng, kết nối khu vực nội đô, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và đô thị phía Bắc của Hà Nội.
Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương và Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Metro số 5 thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435 mm, dài hơn 38km, trong đó 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và gần 30km đi trên mặt đất. Công trình có tổng mức đầu tư 65.404 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách Thành phố Hà Nội. Metro Văn Cao - Hòa Lạc đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Một phần tuyến chạy dọc theo khu vực trung tâm tập trung dân cư cao, đoạn tuyến còn lại đi qua các khu đô thị đang phát triển, đặc biệt là đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Tuyến đường đi qua 21 nhà ga gồm: 6 ga ngầm (Quần Ngựa, Kim Mã, Vành đai 1, Vành đai 2, Hoàng Đạo Thúy, Vành đai 3); một ga trên cao Tây Mỗ và 14 ga mặt đất (Lê Đức Thọ, Mễ Trì, An Khánh 1, An Khánh 2, Song Phương, Sài Sơn, Quốc Oai, Ngọc Mỹ, Đồng Bụt, Đồng Trúc, Đồng Bãi, Tiến Xuân, Trại Mới, Thạch Bình). Dự án có hai depot để tập kết, bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác. Depot số 1 ở xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức rộng khoảng 18 ha. Depot số 2 nằm tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, rộng khoảng 6,9 ha. Dự kiến số lượng phương tiện cần thiết cho từng thời kỳ là 26 đoàn tàu vào năm 2025, tăng lên 37 đoàn tàu vào năm 2035 và 38 đoàn vào năm 2050. Tuyến số 5 hình thành sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 4, 6, 7, 8, cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố.
Phát triển đường sắt đô thị là xu thế tất yếu để Hà Nội mở rộng không gian phát triển, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh bền vững. Tuy nhiên để thực hiện cần một nguồn lực rất lớn, đòi hỏi phải có những chính sách đột phá và cơ chế đặc thù. Sáng 19/2, Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết của Quốc hội đã quy định hàng loạt cơ chế đặc biệt cho hai đô thị đặc biệt, về cả huy động vốn, trình tự thủ tục, vật liệu xây dựng, phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng)... để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị. Cụ thể, về huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư 15 dự án tại Hà Nội và 10 dự án tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ được quyết định: Căn cứ khả năng cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, tối đa không vượt 215.350 tỷ đồng cho TP. Hà Nội và tối đa không vượt 209.500 tỷ đồng cho TP. Hồ Chí Minh trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án. Việc phân bổ vốn quy định tại điểm này được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác; trường hợp sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm thì không phải thực hiện thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Cùng với đó, Thủ tướng quyết định huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện các dự án và không phải lập Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài. Về trình tự, thủ tục đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án mà không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan....
Cùng với Nghị quyết của Quốc hội, cơ chế đặc thù được quy định trong Luật Thủ đô cũng cho phép Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường sắt đô thị. Theo đó, điều 31, Luật Thủ đô quy định về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), bao gồm các nội dung như quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và khu vực TOD, đầu tư phát triển đường sắt đô thị và các cơ chế thu phí giá trị thặng dư từ đất trong khu vực TOD. Trong luật có một số đột phá lớn như cho phép Thủ đô được quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện. Các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đề cập trong Luật Thủ đô 2024 thực sự là những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai của ngành giao thông vận tải nói chung và các dự án đường sắt đô thị nói riêng, cũng như khắc phục các tồn tại của Luật Thủ đô trước đây.
Tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông từ khi vận hành đã hình thành văn hóa tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị tại Thủ đô.
Ngày 23/1/2025, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TU về phát triển giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố. Theo đó, 10 nhiệm vụ trọng tâm đã được Ban Thường vụ Thành ủy nhấn mạnh và yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt và tập trung thực hiện tốt. Trong đó cần thống nhất nhận thức và hành động về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết phát triển giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố. Trong đó xác định đường sắt đô thị là trục xương sống của mạng lưới vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Phát triển giao thông đường sắt đô thị phải đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, dần tiếp cận công nghệ tiên tiến của thế giới, đảm bảo thân thiện với môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển ngành công nghiệp đường sắt, từng bước thu hẹp khoảng cách, tiến tới tự chủ về công nghệ sản xuất, chế tạo phương tiện, trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ vận hành bảo dưỡng đường sắt đô thị.
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo huy động tối đa mọi nguồn lực, đa dạng hóa phương thức đầu tư hệ thống đường sắt đô thị, trong đó nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng. Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận rộng rãi và quyết tâm cao trong việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị của Thủ đô. Chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành của Trung ương để rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đảm bảo đồng bộ, hiệu quả nhằm tháo gỡ các nút thắt, khơi thông các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển giao thông đường sắt đô thị bằng nhiều phương thức và hình thức khác nhau (đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, cơ chế vay lại trái phiếu Chính phủ...).
Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu rà soát và cập nhật điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị cùng với việc điều chỉnh các Quy hoạch. Nghiên cứu, đề xuất áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng) trong quy hoạch để khai thác và sử dụng hiệu quả giá trị từ quỹ đất, không gian ngầm tại khu vực xung quanh các nhà ga, khu vực depot. Rà soát các quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị, khu vực TOD và các cơ chế thu phí giá trị thặng dư từ đất trong khu vực TOD. Đồng thời, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các công trình lịch sử, văn hóa tại khu vực có các tuyến đường sắt đô thị. Phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, nhằm đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó cần triển khai Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị để đề xuất các giải pháp mới, với những phương thức quản lý dự án mới, nhằm hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị. Rà soát, kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy, tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thu hút các chuyên gia giỏi để phát triển nguồn nhân lực đường sắt đô thị... Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, đa dạng hóa liên kết, hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt đô thị để học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút các tập đoàn, công ty quốc tế về sản xuất, cung cấp phương tiện, trang thiết bị đường sắt thiết lập các cơ sở sản xuất đặt tại Việt Nam và chuyển giao khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo kế hoạch, Hà Nội hiện cũng đang khai thác 2 đoạn tuyến đường sắt đô thị là tuyến 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông) và tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao Nhổn - đến ga S8, Cầu Giấy). Năm 2024, Hanoi Metro vận chuyển an toàn hơn 14,7 triệu lượt hành khách, trong đó, tuyến 2A Cát Linh-Hà Đông vận chuyển hơn 11,8 triệu lượt, tăng 9% so với năm 2023, bình quân mỗi ngày vận chuyển hơn 41.000 lượt hành khách.
Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông bình quân mỗi ngày vận chuyển hơn 41.000 lượt hành khách, tăng 9% so với năm 2023.
Đối với đoạn trên cao tuyến 3.1 Nhổn-ga Hà Nội bắt đầu vận hành từ ngày 8-8-2024. Tính đến hết ngày 31-12-2024, tuyến đã vận chuyển an toàn hơn 2,8 triệu lượt hành khách, bình quân mỗi ngày vận chuyển hơn 18.000 lượt hành khách và tiếp tục có xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới. Hai tuyến đường sắt đô thị ngày càng được người dân sử dụng bởi đây là phương tiện giao thông công cộng hiện đại, tiện lợi và an toàn, di chuyển nhanh chóng và đúng giờ, giúp người dân tiết kiệm thời gian, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm. Sử dụng tàu điện góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Giá vé tàu điện hiện nay rất phù hợp với chi phí đi lại và thu nhập của người dân.
Tuyến 3.1 Nhổn - ga Hà Nội hiện bình quân mỗi ngày vận chuyển hơn 18.000 lượt hành khách.
Ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, “Nếu đường sắt đô thị là trục xương sống thì các tuyến giao thông kết nối (xe buýt, taxi) được ví như những mạch máu của giao thông Thủ đô. Vì vậy, cần nhiều giải pháp thiết thực mang tính đồng bộ. Đầu tiên, cần xác định rõ xe buýt và xe buýt điện là những loại hình phương tiện kết nối trọng yếu với các tuyến ĐSĐT trong mạng lưới giao thông công cộng. Kinh nghiệm từ các nước có hệ thống ĐSĐT phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... cho thấy, việc bố trí các điểm chờ xe buýt và xe buýt điện cần lấy các nhà ga metro làm trung tâm để trung chuyển hành khách theo mô hình xương cá, nghĩa là các tuyến xe buýt và xe buýt điện sẽ đóng vai trò gom khách trong bán kính 2-3km và đưa đến các nhà ga metro. Hiện nay, Hà Nội có hơn 90 tuyến xe buýt và buýt điện kết nối với các nhà ga của hai tuyến ĐSĐT. Các tuyến xe buýt này đang hoạt động khá hiệu quả, tuy nhiên, khi nhu cầu đi lại của người dân bằng tàu điện tăng cao thì việc nghiên cứu, rà soát các điểm kết nối xe buýt là cần thiết”.
Phát triển đường sắt đô thị để mở rộng kết nối vùng Thủ đô Hà Nội là một chiến lược quan trọng, giúp cải thiện giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo tính bền vững cho vùng đô thị. Thành phố Hà Nội đang có những tiền đề vững chắc để hoàn thành mục tiêu xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị từ cơ chế đặc thù vượt trội, tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân.
Đài Hà Nội