Thái Nguyên tạo dư địa phát triển mới

Thái Nguyên tạo dư địa phát triển mới
4 giờ trướcBài gốc
Đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc cơ bản hoàn thành, sẽ đưa vào sử dụng từ quý II/2025, sớm hơn sáu tháng so với tiến độ đề ra.
Qua đó, tạo không gian phát triển mới, thu hút đầu tư công nghiệp, đô thị, dịch vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ba năm trở lại đây, tỉnh Thái Nguyên tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai các dự án giao thông trọng điểm ở khu vực phía nam. Nổi bật là đường liên kết các tỉnh Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc (đồng thời kết nối với đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên) dài hơn 40 km, tổng vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng; đầu tư hoàn thiện đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Phú Bình kết nối với tỉnh Bắc Giang và đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng.
Theo Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên Bùi Tiến Chính, các đơn vị thi công hoàn thành hai dự án giao thông có tính chất kết nối vùng, liên kết tỉnh này và đưa vào sử dụng từ đầu quý II/2025, vượt tiến độ đề ra từ 3-6 tháng. Việc hoàn thành sớm các công trình sẽ tạo dư địa mới để tỉnh thu hút đầu tư, đẩy mạnh tiến độ xây dựng, khai thác các công trình, dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ trong khu vực.
Tỉnh cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để đẩy nhanh tiến độ đường Hồ Chí Minh kết nối Thái Nguyên-Tuyên Quang đoạn thị trấn Chợ Chu-ngã ba Trung Sơn để đưa vào sử dụng trong năm nay; đồng thời, triển khai giai đoạn II đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc đến giáp tỉnh Tuyên Quang.
Thái Nguyên cũng tập trung nguồn lực xây dựng nhiều công trình giao thông kết nối các khu công nghiệp, các tuyến đường, các địa phương trong tỉnh. Tiêu biểu như đường vành đai phía đông bắc thành phố Thái Nguyên, đường vành đai 1 tỉnh Thái Nguyên, tuyến kết nối Tỉnh lộ 261 với Tỉnh lộ 266, nâng cấp đoạn từ Km31 Quốc lộ 3 đến di tích đặc biệt ATK Định Hóa…
Đến nay tuyến kết nối Tỉnh lộ 261 với Tỉnh lộ 266 đã cơ bản hoàn thành, giúp kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn, đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Trong Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực thành phố Thái Nguyên, từ cuối năm 2023, tỉnh đã đưa vào sử dụng tuyến đường vành đai từ ngã tư bắc nam-cầu dây văng Huống Thượng kết nối với đảo tròn Chùa Hang, góp phần giảm áp lực giao thông đối với nội thị, mở ra không gian rộng lớn phát triển thành phố Thái Nguyên về phía đông bắc.
Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên Nguyễn Linh cho biết: “Tuyến đường vành đai này khi hoàn thành đã tạo ra không gian rộng lớn hai bên đường để phát triển đô thị, dịch vụ, tạo ra nguồn lực để đầu tư cho các lĩnh vực khác của thành phố”. Tỉnh còn có chủ trương đầu tư đường quanh hồ Núi Cốc dài khoảng 40 km để khai thác tiềm năng du lịch.
Giai đoạn 2021-2024, tỉnh Thái Nguyên đầu tư 11 dự án hạ tầng giao thông với tổng số vốn gần 6.800 tỷ đồng, trong đó các tuyến có tính chất liên kết vùng, lan tỏa lớn sẽ đưa vào sử dụng từ quý II/2025, các tuyến còn lại đang được khẩn trương triển khai. Điều đó cho thấy, mặc dù trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, nhưng lãnh đạo tỉnh đã đặt quyết tâm lớn nhằm tận dụng thời cơ, tạo không gian, dư địa phát triển mới cho giai đoạn tăng tốc, bứt phá của địa phương trong những năm tới.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử ở Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. (Ảnh KHÁNH AN)
Cùng với việc đầu tư hệ thống giao thông, Thái Nguyên cũng chú trọng phát triển hạ tầng điện nhằm cung cấp đủ, vận hành ổn định, an toàn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tiếp theo các trạm biến áp được đầu tư từ các năm trước, tỉnh đã triển khai xây dựng trong hai năm trở lại đây tại các Khu Công nghiệp Yên Bình, Sông Công I, Sông Công II, Điềm Thụy.
Đáng chú ý, các đơn vị sẽ hoàn thành Dự án Trạm biến áp 220 kV Phú Bình 2 và đường dây 220 kV Phú Bình 2 rẽ Thái Nguyên-Bắc Giang, các tuyến 110 kV đồng bộ với Trạm biến áp 220 kV Phú Bình 2 là dự án trọng điểm sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3/2025 để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện đối với phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trong những năm tới.
Nhờ giao thông thuận lợi, những năm qua tỉnh Thái Nguyên đã phát triển sáu khu công nghiệp với diện tích hơn 1.600 ha, hầu hết đã lấp đầy, thu hút 318 dự án đầu tư, trong đó có 178 dự án FDI, với số vốn gần 11 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 100.000 công nhân, tạo ra giá trị xuất khẩu 26-27 tỷ USD/năm. Đến năm 2023, Thái Nguyên gần như không còn quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư, nhưng với việc chủ động triển khai quy hoạch tỉnh, đồng thời khẩn trương xây dựng nhiều dự án giao thông có tính chất lan tỏa, tỉnh đã tạo ra dư địa phát triển mới trong thu hút đầu tư.
Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên Nguyễn Bá Chính cho biết, trong hai năm 2023 và 2024, tỉnh đã nỗ lực hoàn thiện khoảng 200 ha đất công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Cùng với việc đưa vào khai thác tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, các nhà đầu tư đã cơ bản hoàn thành hai cụm công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương và Bảo Lý-Xuân Phương có số vốn đầu tư hạ tầng hơn 1.000 tỷ đồng, diện tích hơn 100 ha, đủ điều kiện để giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy sản xuất. Bên cạnh đó, sân golf Glory (xã Thành Công, thành phố Phổ Yên) được đầu tư gần 400 tỷ đồng, nằm ngay bên đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc sẽ đưa vào sử dụng giai đoạn I từ tháng 4/2025, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ.
Trên cơ sở không gian phát triển mới, Thái Nguyên đang khẩn trương triển khai mới 5 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.600 ha, gấp gần hai lần diện tích các khu công nghiệp đã có. Trong đó, các đơn vị đã khởi công Khu Công nghiệp Sông Công II (giai đoạn 2) với diện tích gần 300 ha, tổng mức đầu tư hạ tầng là gần 4.000 tỷ đồng vào cuối tháng 2/2025; Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư Khu Công nghiệp Yên Bình 3 với diện tích hơn 295 ha, tổng số vốn đầu tư hơn 4.139 tỷ đồng; ba khu còn lại đã được phê duyệt đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đều đã có các nhà đầu tư trình đề xuất chủ trương đầu tư và đang được cấp có thẩm quyền thẩm định.
Dọc hai tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, đường liên kết vùng Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc, tỉnh Thái Nguyên vừa quyết định thành lập mới nhiều cụm công nghiệp với diện tích mỗi cụm gần 100 ha, như Hà Châu 1, Hà Châu 2, Tân Đức, Lương Phú-Tân Đức, Quân Chu, Cát Nê-Ký Phú. Như vậy, với chiến lược đầu tư hạ tầng giao thông đi trước, Thái Nguyên đã thu hút nhiều nhà đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Việc tạo ra dư địa, không gian phát triển mới để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ là cơ sở rất quan trọng để tỉnh Thái Nguyên bước vào giai đoạn tăng trưởng GRDP hai con số, trong đó năm 2025 tăng trưởng 10,5% và thu hút 100.000 tỷ đồng tổng vốn đầu tư toàn xã hội”.
Để phát huy hiệu quả các tuyến đường liên kết, kết nối vùng, tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm đầu tư đoạn tuyến kết nối với đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc; tỉnh Bắc Giang cần đầu tư đoạn tiếp theo của đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội để kết nối với tỉnh Thái Nguyên.
THẾ BÌNH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/thai-nguyen-tao-du-dia-phat-trien-moi-post861321.html