Đề xuất doanh nghiệp hoàn toàn được chủ động quyết định giá bán xăng dầu. Ảnh: Việt Linh.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), xăng dầu là một trong 9 loại hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá nên cần có cơ chế quản lý. Đồng thời, thực hiện các Nghị quyết nêu trên, dự thảo Nghị định quy định nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp (DN) tự tính toán và quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.
Cụ thể, Nhà nước công bố công thức tính, giá sản phẩm xăng dầu thế giới bình quân 7 ngày/lần và chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, các chi phí về thuế, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố đầu vào do nhà nước công bố tự tính toán và công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán lẻ xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định.
Qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu còn có ý kiến khác, theo đó đề xuất nhà nước nên để DN chủ động tính toán và quyết định giá bán theo cơ chế thị trường. Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và đại diện một số thương nhân đề xuất nội dung nguyên tắc điều chỉnh giá bán xăng dầu theo hướng: Nhà nước công bố công thức tính giá, mức giá tham chiếu quốc tế và premium bình quân; không công bố chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức.
Căn cứ công thức tính giá và mức giá tham chiếu nhà nước công bố, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán buôn, giá bán lẻ và thời điểm điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường. Thương nhân kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm làm thủ tục kê khai và công bố giá do mình quyết định theo quy định của pháp luật. Trường hợp thị trường xăng dầu diễn biến bất ổn, có quyết định bình ổn giá thì thực hiện theo nguyên tắc điều chỉnh giá xăng dầu như quy định tại dự thảo Nghị định.
Vụ Thị trường trong nước cho rằng, phương án của đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và một số DN đề xuất có ưu điểm: DN hoàn toàn được chủ động quyết định giá bán xăng dầu và sát hơn với Luật Giá năm 2023. Tuy nhiên, cũng có nhược điểm là chi phí của các DN khác nhau, dẫn tới giá bán xăng dầu tại các khu vực khác nhau sẽ khác nhau, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa chi phí sẽ tăng cao gây khó khăn cho người dân tại khu vực này; nhà nước không có công cụ kiểm soát và có thể dẫn tới thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Phương án theo dự thảo Nghị định quy định có ưu điểm: Nhà nước duy trì được công cụ kiểm soát về giá xăng dầu qua đó giám sát được nguồn cung. Nhưng cũng có nhược điểm: Chưa sát với Luật Giá do còn kiểm soát giá bán xăng dầu thông qua giá trần. DN chưa hoàn toàn được chủ động quyết định giá theo cơ chế thị trường. “Đây là vấn đề lớn, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng tới an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, việc thực hiện giá bán xăng dầu ngay theo cơ chế thị trường như đề xuất của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và một số thương nhân cần phải được xem xét kỹ lưỡng và có lộ trình thực hiện”- đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Theo Vụ Thị trường trong nước, nội dung của dự thảo Nghị định mặc dù vẫn giữ công cụ để kiểm soát về giá nhưng để tiến thêm một bước hướng tới lộ trình thị trường hóa hoàn toàn đối với giá bán xăng dầu trong nước trong tương lai, dự thảo Nghị định dự kiến: chỉ công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới đối với 2 mặt hàng xăng, dầu diezel tiêu dùng phổ biến trên thị trường (mặt hàng xăng RON95-III, dầu diezel 0,05S) thay vì công bố giá của 05 mặt hàng như hiện nay (RON95-III, dầu diezel 0,05S, E5RON92, dầu mazut, dầu hỏa).
Mặt hàng xăng E5RON92 và các mặt hàng xăng, dầu còn lại có tỷ trọng tiêu thụ không lớn nên có thể để DN chủ động công bố giá xăng dầu thế giới tại kỳ điều chỉnh giá và quyết định giá bán xăng dầu trên thị trường (hiện nay trên thị trường các mặt hàng như xăng RON95-V, xăng RON97, dầu diezel DO 0,001S-V đã và đang do thương nhân đầu mối chủ động công bố giá).
Đây là nội dung mới của dự thảo Nghị định, là bước thí điểm, thăm dò thị trường để từng bước áp dụng giá xăng dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Mặc dù vậy, tiếp thu ý kiến của Hiệp hội Xăng dầu và đại diện một số DN, Bộ Công thương dự kiến trình Chính phủ 2 phương án. Phương án 1 giữ nguyên như dự thảo Nghị định và phương án 2 theo phương án đề xuất của Hiệp hội và đại diện một số DN.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc sửa đổi chính sách quản lý trong thời gian tới phải hướng vào một số điểm trọng tâm như: Thay đổi cơ chế từ quản lý hành chính nhà nước sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết, vì hiện nay chúng ta có cơ sở để dùng công cụ thị trường, không lo bị động bởi vì xăng dầu sản xuất trong nước có nguồn khá lớn (chiếm 70%), không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và không hoàn toàn bị động.
Cùng với đó, các DN được chủ động xác định giá để có tính cạnh tranh. Nhà nước không can thiệp nhưng có công cụ để điều tiết thông qua thuế nhập khẩu và thuế thu nhập. Nếu như DN bán với giá phi thị trường hay trong một giai đoạn nào đó liên kết với nhau để bán với giá cao thì phải chịu sự điều tiết của Nhà nước.
T.Hằng