Đề xuất giao cho địa phương chủ động
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) quan tâm đến Điều 41 quy định về điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND.
Theo đó, dự luật quy định, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động chủ tịch và phó chủ tịch UBND cấp tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định điều động chủ tịch và phó chủ tịch UBND cấp xã.
Thủ tướng Chính phủ quyết định cách chức chủ tịch và phó chủ tịch UBND cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cách chức chủ tịch và phó chủ tịch UBND cấp xã khi họ có hành vi vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND được điều động hoặc bị cách chức chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ kể từ khi quyết định điều động, cách chức có hiệu lực.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: Quốc hội
HĐND không thực hiện thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với các trường hợp này. Thường trực HĐND báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất đối với các trường hợp không thực hiện thủ tục miễn nhiệm, bãi nhiệm tại HĐND.
Tuy nhiên ông Huân cho rằng, Điều 36 của dự luật quy định về bầu các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND do HĐND bầu.
Do đó, đại biểu cho rằng giữa các điều luật chưa logic. Bởi HĐND bầu thì Thủ tướng phê duyệt mới công nhận chức danh được bầu.
“Tuy nhiên dự luật lần này quy định khi Thủ tướng điều động, cách chức các chức danh này thì HĐND lại không miễn nhiệm, tức không cần qua HĐND là không logic”, đại biểu đề nghị xem xét thêm quy định này.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cũng nêu một số vướng mắc trong thực tiễn. Cụ thể khi đại biểu HĐND nghỉ hưu, chuyển công tác ra ngoài địa bàn phải thực hiện quy trình miễn nhiệm là không cần thiết.
“Đại biểu nghỉ, có khi chuyển đi nơi khác ở xa, muốn tiến hành miễn nhiệm lại phải liên hệ để có đơn thì rất rườm rà. Tôi đề nghị khi đại biểu nghỉ hưu, chuyển công tác ra khỏi địa bàn thì hiển nhiên thôi đại biểu HĐND”, ông Dũng gợi mở.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng nêu thêm trường hợp bổ nhiệm một giám đốc sở thì HĐND phải bầu làm thành viên UBND. Thủ tục này cũng không cần thiết. Do đó theo ông nên quy định giám đốc sở ngành thuộc UBND tỉnh đương nhiên là thành viên UBND tỉnh.
Ngoài ra, ông cũng nêu thực tế khi khuyết chủ tịch UBND tỉnh thì phó chủ tịch phụ trách điều hành không được thực hiện chức năng của chủ tịch nếu Thủ tướng Chính phủ chưa ra quyết định giao quyền.
“Có nơi khuyết vị trí này trong nhiều tháng, nếu có thực hiện một số quyền của chủ tịch UBND thì sau này cũng phải hủy bỏ”, ông Dũng nêu thực tế.
Chính vì vậy, ông đề xuất theo hướng “khi khuyết chủ tịch UBND thì phó chủ tịch được giao phụ trách thực hiện quyền năng của chủ tịch đến khi bầu chủ tịch mới”.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Tiến Tuấn
Cắt giảm nhiều thủ tục hành chính
Làm rõ hơn các nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, quy định như dự luật nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính khi điều động một nhân sự từ nơi khác đến hoặc điều động chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND hoặc là miễn nhiệm các chức danh này thì đương nhiên không phải làm thủ tục nữa. Như vậy sẽ giảm bớt thủ tục hành chính và dự luật đã quy định rất rõ.
Đối với việc bầu thành viên UBND trước khi bổ nhiệm giám đốc sở, Bộ trưởng Nội vụ tiếp thu để nghiên cứu thêm. Quy định nào nếu giảm bớt thủ tục hành chính thì sẽ tiếp thu trong dự thảo luật.
Đối với ý kiến về ủy quyền cho địa phương thực hiện giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, trong chính quyền địa phương cấp tỉnh, UBND và Chủ tịch UBND có vị trí, vai trò rất quan trọng.
“Việc ủy quyền cho địa phương tạm thời thực hiện giao quyền Chủ tịch UBND sẽ không đảm bảo được sự quản lý, quản trị của một hệ thống hành chính quốc gia từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy dự luật vẫn giữ như hiện hành nhưng thủ tục sẽ nhanh hơn”, Bộ trưởng Nội vụ giải thích.
Theo đó, dự luật quy định khi khuyết Chủ tịch UBND, địa phương trình Thủ tướng để Thủ tướng quyết định chỉ định luôn quyền Chủ tịch UBND.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, chủ tịch UBND các cấp trong dự thảo luật để bảo đảm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phân định một cách hợp lý thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh và chính quyền cấp xã và thực hiện mục tiêu chính quyền cấp xã tập trung tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân trên địa bàn.
Liên quan đến quy định về “trường hợp cần thiết, UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình và UBND, chủ tịch UBND cấp xã”, bà Yên cho rằng cần phải nêu rõ trong trường hợp nào là cần thiết để tránh tình trạng lạm quyền, can thiệp không cần thiết.
“Nhất là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cấp nào làm cấp đó chịu trách nhiệm, tránh tình trạng ‘phân cấp phân quyền nhưng vẫn phải đi xin ý kiến’”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.
Thế Vinh
Nguyễn Thảo