Hội chợ giới thiệu việc làm huyện Bắc Quang giúp nhiều học sinh, sinh viên có cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo
Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực
Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh Hà Giang đã tập trung xây dựng, triển khai các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp với thực tế. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm các ngành, các cấp trong công tác hỗ trợ đào tạo nghề, huy động các nguồn lực tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh triển khai thực hiện các văn bản do Trung ương ban hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động ban hành theo thẩm quyền các nghị quyết, đề án, kế hoạch... về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong giai đoạn 2021 - 2024. Qua đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực; trình độ lý luận chính trị từng bước được chuẩn hóa; kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ không ngừng được nâng lên đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc khoa học, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Hà Giang đã đào tạo, bồi dưỡng cho 74.584 lượt người. Trong đó, đào tạo trình độ chuyên môn: 3.256 lượt người; đào tạo trình độ lý luận chính trị: 7.125 lượt người; bồi dưỡng ngạch công chức: 1.315 lượt người; bồi dưỡng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức: 9.568 lượt người; bồi dưỡng năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý các cấp: 1.544 lượt người; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo vị trí việc làm 47.383 lượt người; bồi dưỡng đại biểu HĐND: 4.393 lượt người.
Cùng với đó, công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy được thực hiện nghiêm, giảm mạnh đầu mối, giảm cấp trung gian, tinh gọn bộ máy gắn với rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, dần khắc phục được sự chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Thực hiện tinh giản biên chế đúng lộ trình, đúng đối tượng gắn với nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Hà Giang là 28.229 người bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh, chức vụ và vị trí việc làm đảm nhiệm, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, có 5 tiến sĩ, 370 thạc sĩ, 1.443 đại học…
Xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ phát triển nguồn nhân lực
Hà Giang là tỉnh biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nhận thức còn chưa cao. Bởi vậy, tỉnh đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực trình độ giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có tổng số 40 trường có cấp học THPT. Tổng số học sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2021 đến nay là 20.821 người. Việc triển khai thực hiện công tác cử tuyển cũng mang lại nhiều lợi ích cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã bớt gánh nặng nuôi con học đại học.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn tồn tại một số hạn chế và thách thức cần được khắc phục để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, chất lượng đào tạo nghề tại tỉnh còn thấp và thiếu chuyên gia giỏi trong các ngành trọng điểm như quy hoạch, kiến trúc, quản lý đô thị, hành chính công, du lịch, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học và công nghệ thông tin. Nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của tỉnh trong việc phát triển nhân lực chất lượng cao. Hiện, tỉnh chưa có đề án, quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao chưa hiệu quả…
Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang kiến nghị, Quốc hội cần sửa đổi và ban hành các luật, nghị quyết mới để xây dựng một hệ thống chính sách đồng bộ, giúp phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, như: xem xét tiến hành sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Viên chức để bảo đảm phù hợp với thực tế, có chính sách, chế độ đãi ngộ, ưu đãi thỏa đáng để thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, Chính phủ cần ban hành các chính sách ưu đãi mạnh mẽ đối với nhân lực chất lượng cao, bao gồm các cơ chế về tiền lương, phúc lợi và hỗ trợ thuế đối với các chuyên gia, giảng viên và nhà nghiên cứu. Cùng với đó, cơ chế trả lương cần gắn với vị trí việc làm, năng lực và mức độ đóng góp, thay vì chỉ dựa trên thâm niên, giúp tạo động lực làm việc, thu hút và giữ chân nhân tài. Mặt khác, UBND tỉnh Hà Giang cần nghiên cứu xây dựng chương trình/đề án tổng thể về phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch tỉnh. Xác định những giải pháp, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền địa phương, tham mưu Tỉnh ủy cho chủ trương, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết làm cơ sở triển khai thực hiện.
TRỌNG HIẾU