Đối với nội dung về đề án tăng vốn điều lệ, Chủ tịch HĐQT BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, việc này đã được HĐQT thực hiện và đã trình lên cổ đông lớn PVN. PVN đã có văn bản trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC).
Sau khi CMSC bàn giao công việc về Bộ Tài chính thì Bộ cũng đã tiếp quản. Vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ trì một cuộc họp làm rõ đề án và trong ngày 23.4, Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước sẽ có văn bản gửi xuống cho PVN và HĐQT của BSR để làm rõ một số nội dung và sẽ có giải trình trước ngày 26.4.
Chủ tịch HĐQT BSR Bùi Ngọc Dương trả lời cổ đông tại phiên họp ĐHĐCĐ năm 2025
Trên cơ sở văn bản giải trình chính thức, Bộ Tài chính sẽ trình duyệt phương án tăng vốn điều lệ. Mục tiêu của đề án tăng vốn là tập trung nguồn vốn cho dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án chiến lược khác. Lãnh đạo BSR kỳ vọng việc tăng vốn sẽ là cơ sở để công ty thực hiện các công tác đầu tư chiến lược, mở rộng quy mô.
Đối với nội dung câu hỏi về việc có rủi ro nào về việc hủy niêm yết khi tỷ lệ vốn cổ đông ngoài đang dưới 10%, Chủ tịch Bùi Ngọc Dương trả lời rằng, Lọc Hóa dầu Bình Sơn đăng ký công ty đại chúng từ 2018, đăng ký niêm yết chuyển sàn HoSE vào năm 2024, với việc áp dụng các điều khoản loại trừ với doanh nghiệp cổ phần hóa theo đó cổ đông của BSR có PVN chi phối hơn 92%, vốn điều lệ hiện tại không thay đổi từ khi cổ phần hóa đến giờ. BSR đã báo cáo vướng mắc của Công ty đại chúng đến cơ quan có thẩm quyền, kiến nghị có giải pháp tháo gỡ, kiến nghị cổ đông PVN thoái vốn để đáp ứng điều kiện của luật hiện hành.
Cũng tại phiên họp, lãnh đạo BSR thông tin công ty đang báo cáo PVN tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để tham gia vào việc đầu tư không chỉ dự án nâng cấp mở rộng mà còn có các dự án chiến lược giai đoạn 2 của Bình Sơn tại Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng ở Quảng Ngãi hay dự án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang được nghiên cứu...
Tú Anh