Trước mắt, có 5 ngân hàng công bố kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt, gồm VIB chi trả 7%; TPBank với tỷ lệ 10% và VPBank 5% cùng thanh toán vào ngày 23/5; LPBank với tỷ lệ 25% dự kiến thanh toán vào ngày 28/5. Mới nhất là ACB với tỷ lệ 10%, dự kiến thanh toán vào ngày 13/6.
Làn sóng chia cổ tức tiền mặt sôi động, có ngân hàng lần đầu triển khai
Ngân hàng ACB vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2024 là ngày 26/5. Theo đó, cổ đông sẽ nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu). Tổng số tiền ACB dự chi cho đợt thanh toán này là 4.467 tỷ đồng.
Ngoài cổ tức tiền mặt, ACB cũng dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 15% (100 cổ phiếu được nhận thêm 15 cổ phiếu mới), tuy nhiên, thời điểm cụ thể vẫn chưa được công bố.
Đồ họa: Ánh Tuyết.
9 ngân hàng dự chi kỷ lục 33.000 tỷ đồng
Làn sóng chia cổ tức tiền mặt sôi động với 9 ngân hàng dự chi số tiền kỷ lục 33.284 tỷ đồng. Đơn cử như: VIB (7%), TPBank (10%), VPBank (5%), LPBank (25%), ACB (10%), OCB (7%)... Trong đó OCB lần đầu chia cổ tức tiền mặt sau khi niêm yết.
LPBank trở thành tâm điểm khi phê duyệt mức cổ tức tiền mặt lên tới 25%, cao nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay.
Ngoài ra, còn một số ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt năm nay. Đơn cử, Techcombank cũng lên kế hoạch trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% trên mỗi cổ phần (tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu), tổng số tiền chi trả ước tính gần 7.065 tỷ đồng dựa trên số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
OCB thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với 700 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 7%. Đây là lần đầu tiên ngân hàng công bố kế hoạch chia cổ tức tiền mặt kể từ khi niêm yết, với tỷ lệ 7% tương ứng hơn 1.726 tỷ đồng, thay vì chia bằng cổ phiếu như các năm trước.
MB cũng tham gia vào làn sóng chia cổ tức tiền mặt, dự kiến chi 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3%.
Cân bằng giữa lợi ích cổ đông và chiến lược tăng vốn điều lệ
Sau giai đoạn dài ưu tiên giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ qua hình thức phát hành bằng cổ phiếu, việc nhiều ngân hàng lớn đồng loạt công bố kế hoạch chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao cho thấy nền tảng tài chính ổn định và cam kết gia tăng giá trị cho cổ đông. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tiếp tục kết hợp chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, củng cố bộ đệm tài chính, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn.
Cổ đông ngân hàng “hái lộc” cổ tức tiền mặt hơn 33.000 tỷ đồng. Ảnh: T.L.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông mới được tổ chức, một cổ đông bày tỏ băn khoăn về việc ACB chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ lên tới 10%. Theo vị này, ngành ngân hàng có tính đặc thù, tăng trưởng gắn liền với diễn biến của nền kinh tế, nếu duy trì mức chia cổ tức tiền mặt như vậy, chỉ trong vòng 6 năm, ACB có thể mất đi một lượng vốn tương đương quy mô hiện tại. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản của ACB là 14%, việc chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ làm giảm nội lực để mở rộng quy mô.
Đáp lại, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB cho biết, việc chia cổ tức tiền mặt là kết quả của quá trình cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố, nhằm hài hòa lợi ích cổ đông. “Hội đồng Quản trị cân nhắc rất nhiều yếu tố và tỷ lệ để tối ưu vốn của cổ đông trong trung dài hạn chứ không chỉ ngắn hạn 6 tháng - 1 năm” - ông Huy khẳng định.
Trong khi đó, tại VPBank, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngô Chí Dũng tái khẳng định, chiến lược cổ tức tiền mặt đang được duy trì theo cam kết 5 năm từ năm 2022.
"Chúng tôi hiểu rằng vốn tự có đối với ngân hàng là vô cùng quan trọng. Từ năm 2010 đến năm 2022, suốt 12 năm, VPBank kiên trì không chia cổ tức, nhằm tập trung tối đa cho việc phát triển ngân hàng. Nhờ vậy, chúng ta đạt được sự tăng trưởng bền vững cả về quy mô lẫn hiệu quả hoạt động" - lãnh đạo VPBank bày tỏ.
Bắt đầu từ năm 2022, VPBank chuyển hướng cân bằng giữa lợi ích cổ đông và chiến lược dài hạn.
Trong ba năm qua, ngân hàng dùng tổng cộng gần 20.000 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt. Ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt trong hai năm tới, tuy nhiên, mức chia cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh doanh và được trình cổ đông xem xét theo từng năm.
Với OCB, Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn cho biết, hoạt động kinh doanh ngân hàng phải tập trung đảm bảo năng lực tài chính, đi đôi với việc phát triển tín dụng tốt là đảm bảo hệ số an toàn vốn như đã thực hiện chuẩn Basel II, Basel III cũng như các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng sẽ không đưa ra cam kết cụ thể về việc có tiếp tục chia cổ tức tiền mặt trong năm tới hay không, mà sẽ đánh giá dựa trên tình hình tài chính, khả năng cân đối vốn./.
Ánh Tuyết