Ngân hàng ồ ạt tăng vốn điều lệ để đón chuẩn Basel III

Ngân hàng ồ ạt tăng vốn điều lệ để đón chuẩn Basel III
5 giờ trướcBài gốc
Từ đầu năm 2025 đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam chứng kiến một làn sóng tăng vốn điều lệ mạnh mẽ, trải dài từ các “ông lớn” quốc doanh đến nhóm ngân hàng tư nhân tầm trung. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc mở rộng quy mô tài chính mà còn nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn khắt khe hơn, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang thúc đẩy việc áp dụng chuẩn Basel III một cách sâu rộng và bài bản hơn trong hệ thống.
Trong năm 2025, đã có hơn 20 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ với tổng mức tăng thêm gần 167.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Tính đến thời điểm này, đã có hơn 20 ngân hàng công bố kế hoạch tăng vốn trong năm 2025, với tổng giá trị tăng thêm ước tính lên tới gần 167.000 tỷ đồng. Các phương án tăng vốn khá đa dạng, từ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, chào bán cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ đến phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2.
Trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank đang dẫn đầu với kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nếu thành công sẽ nâng vốn điều lệ lên hơn 83.500 tỷ đồng, cao nhất toàn ngành. BIDV cũng đã hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ gần 124 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên hơn 70.200 tỷ đồng. VietinBank không nằm ngoài xu thế, khi cũng đang chuẩn bị phương án tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, cuộc đua tăng vốn diễn ra không kém phần sôi động. HDBank, VIB, MSB, SHB, LPBank, Bac A Bank và PGBank đều đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoặc đang hoàn tất thủ tục để triển khai các đợt tăng vốn đáng kể trong năm nay. Mức tăng dao động từ vài nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng, tùy thuộc vào quy mô từng tổ chức tín dụng. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng chọn hình thức phát hành cổ phiếu thưởng hoặc cổ phiếu trả cổ tức, vừa giúp tăng vốn vừa giữ chân cổ đông hiện hữu.
Đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) là nhà băng mới nhất công bố đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm 7.500 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Trước đó, một loạt ngân hàng cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn: ACB tăng tối đa gần 6.700 tỷ đồng; VIB được tăng thêm gần 4.300 tỷ đồng;
Lý giải về làn sóng tăng vốn đồng loạt tại các ngân hàng thương mại, giới chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, đây là bước đi tất yếu để các ngân hàng chuẩn bị cho các thay đổi về quy định an toàn vốn, dự kiến sẽ siết chặt hơn trong các năm tới. Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) sẽ được nâng dần lên 10,5% từ năm 2033, đòi hỏi các ngân hàng phải có nền tảng vốn mạnh mẽ hơn để đáp ứng. Ngoài ra, tăng vốn điều lệ cũng sẽ giúp các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô tín dụng, tăng khả năng đầu tư vào công nghệ và các lĩnh vực tiềm năng như ngân hàng số, tài chính xanh. Trong bối cảnh nền kinh tế đang có những tín hiệu phục hồi tích cực sau năm 2024 đầy biến động, việc củng cố vốn tự có được xem là điều kiện tiên quyết để ngân hàng duy trì tăng trưởng bền vững và quản trị rủi ro hiệu quả hơn.
Dự báo trong nửa cuối năm 2025, cuộc đua tăng vốn tại các ngân hàng thương mại sẽ còn tiếp tục nóng lên, khi nhiều ngân hàng khác đang rục rịch trình phương án và chờ phê duyệt từ cơ quan quản lý. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, chỉ những ngân hàng có nền tảng vốn mạnh và chiến lược tăng trưởng rõ ràng mới có thể bứt phá trong giai đoạn sắp tới.
Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng trong năm 2025 phản ánh xu hướng tất yếu của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc củng cố nền tảng tài chính, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng mới.
Duy Minh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/ngan-hang-o-at-tang-von-dieu-le-de-don-chuan-basel-iii-387601.html