Một ca nâng mũi ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.
N.T.N. (28 tuổi) thực hiện ca phẫu thuật nâng mũi tại Bệnh viện Thẩm mỹ T. ở TP.HCM vào ngày 24/4. Trong quá trình gây mê cuối ca mổ, cô gái bất ngờ xuất hiện các triệu chứng nguy kịch như thở nhanh, co kéo cơ hô hấp, huyết áp tụt mạnh, độ bão hòa oxy máu giảm nghiêm trọng.
Ê-kíp phẫu thuật nhanh chóng xử trí theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện, buộc phải chuyển viện khẩn cấp đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Ngày 1/5, ThS.BS Võ Văn Trắng, Đơn vị Hồi sức tích cực tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết thời điểm được chuyển đến khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán tổn thương đa cơ quan liên quan sốc phản vệ, đặc biệt nghiêm trọng là tổn thương cơ tim cấp và hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS).
Các bác sĩ khoa Hồi sức Tim mạch đã kích hoạt quy trình ECMO và thực hiện can thiệp V-AV ECMO chỉ trong vòng 30 phút sau nhập viện.
Bác sĩ Trắng cho hay ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể) là phương pháp hỗ trợ tạm thời cho tim và phổi khi hai cơ quan này không còn đảm bảo chức năng sống. Thông thường, ECMO có hai dạng: V-V ECMO hỗ trợ phổi, V-A ECMO hỗ trợ tim. Tuy nhiên, với những ca bệnh phức tạp như chị N. khi cả tim và phổi đều tổn thương nặng, các bác sĩ buộc phải sử dụng kỹ thuật lai ghép V-AV ECMO.
Người phụ nữ hồi phục sau khi được điều trị tích cực. Ảnh: BVCC.
“Đây là kỹ thuật ECMO phức tạp, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa. Nó cho phép hỗ trợ đồng thời cả hô hấp và tuần hoàn, tạo điều kiện để các cơ quan tổn thương có thời gian hồi phục”, bác sĩ Trắng chia sẻ.
Trong hai năm gần đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã cứu sống 4 ca sốc phản vệ hoặc ngừng tim bằng kỹ thuật này.
Theo TS.BS Giang Minh Nhật, Phó khoa Hồi sức Tim mạch, trong nhiều trường hợp, nếu được hỗ trợ tuần hoàn cơ học sớm, các tổn thương cơ tim sau ngừng tim hoặc sốc phản vệ có thể phục hồi trong vòng 48-72 giờ. Điều quan trọng là xử lý sớm để ổn định huyết động, kiểm soát rối loạn chuyển hóa và duy trì tưới máu tạng hiệu quả.
Sau ba ngày điều trị bằng V-AV ECMO, tình trạng sốc tim và tổn thương cơ tim của bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Đến ngày thứ 4, bệnh nhân được ngưng ECMO và tiếp tục theo dõi tích cực và được xuất viện sau 8 ngày điều trị.
Đây được xem là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh sốc phản vệ do gây mê thường diễn biến nhanh và khó lường.
Nguyễn Thuận