ThS.BS.CKII Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh thăm khám bệnh nhân. Ảnh: D.N
Ngày 1/5, Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Ninh Thuận cho biết, bệnh nhân T.G.X (44 tuổi, ở Quận 11, TPHCM) nhập viện tình trạng nôn ói, co quắp tay chân và nhanh chóng rơi vào hôn mê sâu.
Kết quả chụp CT não cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết não ở bán cầu phải, máu tụ gây chèn ép não thất bên và đẩy lệch đường giữa sang trái khoảng 12mm - dấu hiệu tăng áp lực nội sọ nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nếu không can thiệp kịp thời.
Trước tình trạng nguy cấp, kíp trực Ngoại Thần kinh của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu, mở hộp sọ bán cầu phải để giải phóng áp lực nội sọ.
Đồng thời mở nhu mô não để loại bỏ hoàn toàn khối máu tụ và thực hiện cầm máu tại vị trí xuất huyết. Sau hơn 3h, ca mổ thành công, cứu sống bệnh nhân.
Theo các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh, thách thức của ca mổ là xác định chính xác các biến chứng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật, từ đó xây dựng kế hoạch can thiệp phù hợp. Phối hợp hiệu quả giữa các chuyên khoa và xử lý đúng trình tự tổn thương là yếu tố then chốt quyết định thành công của ca mổ
ThS.BSCKII Nguyễn Thanh Hải, Khoa Ngoại Thần kinh cho biết: "Bệnh nhân được mở rộng hộp sọ để loại bỏ khối xuất huyết não bên bán cầu phải, đồng thời cắt tạm thời một phần xương sọ để giảm áp lực nội sọ.
Mảnh xương cắt ra sẽ được bảo quản và nuôi dưỡng, khi bệnh nhân hồi phục sẽ thực hiện mổ lần 2 để ghép lại".
Đột quỵ gồm 2 loại là đột quỵ xuất huyết não và đột quỵ nhồi máu não. Trong đó, đột quỵ xuất huyết não có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Thời gian từ khi xuất hiện dấu hiệu đột quỵ đến khi điều trị được gọi là "giờ vàng". Giờ vàng trong đột quỵ là dưới 3 giờ. Để kiểm soát đột quỵ hiệu quả, việc cấp cứu trong "giờ vàng" là yếu tố then chốt. Do đó, khi nghi ngờ đột quỵ, người bệnh cần đến ngay bệnh viện chuyên sâu gần nhất để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Duy Ngọc